Bầu cử tổng thống Pháp: Ai sẽ chiến thắng?

07/02/2017 08:34 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Chỉ còn chưa đầy 80 ngày nữa là diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Pháp vòng 1 nhưng chính trường Pháp đang có những diễn biến phức tạp.

Hiện các ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua vào Điện Elysée gồm cựu Thủ tướng François Fillon đại diện cánh hữu, cựu Bộ trưởng Giáo dục Pháp Benoît Hamon đại diện phe cánh tả, bà Marine Le Pen đại diện phe cực hữu và ứng cử viên tự do Emmanuel Macron.

Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới đây sau vụ “Penelopegate” (vụ ông Fillon bị nghi đã tạo việc làm giả cho vợ con để lãnh tổng cộng gần 1 triệu euro), ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen sẽ dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng 1 diễn ra ngày 23/4, nhưng thất bại tại vòng 2 ngày 7/5.

Ngày 4/2, trong buổi khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp diễn ra tại thành phố Lyon, bà Marine Le Pen đã hứa hẹn “Nước Pháp trên hết”.


Ứng cử viên Marine Le Pen (giữa) phát biểu khởi động chiến dịch tranh cử ở Lyon ngày 5/2. Ảnh: EPA/TTXVN

Thật vậy, sự kiện Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu- EU) và việc ông Donald Trump lên nắm quyền tại Mỹ đã “chắp thêm cánh” cho các đảng cực hữu tại châu Âu và các phong trào dân túy, trong đó có đảng FN. Tại buổi lễ phát động chiến dịch tranh cử này, nhân vật số 2 của FN Florian Philippot đã tuyên bố: “Có một điều đang thức tỉnh người dân” và “người dân đang nhìn vào Brexit, nhìn vào Donald Trump và họ sẽ nói rằng: điều này sẽ giúp họ đi bỏ phiếu”.

Trong số 144 cam kết được đưa ra, nhà lãnh đạo đảng cực hữu FN Marine Le Pen đã đưa ra đề xuất áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi trong khi giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và thuế thu nhập. Tuy nhiên, đáng chú ý nhất là đề xuất tiến hành 2 cuộc trưng cầu dân ý: thứ nhất là “ưu tiên quốc gia”, thứ hai là mối quan hệ giữa nước Pháp với EU.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng chương trình tranh cử của bà Le Pen thiếu các nội dung chi tiết về kinh tế vĩ mô, không đặt ra mục tiêu nợ công hay thâm hụt ngân sách cũng như không đưa ra được hướng đi thuyết phục về làm cách nào để cân bằng giữa 2 nội dung cải thiện phúc lợi và cắt giảm thuế.

Với chủ trương chống EU và nhập cư, bà Marine Le Pen, 48 tuổi, từng nhiều lần khẳng định châu Âu là một nội dung quan trọng trong chương trình tranh cử của mình với những chỉ trích nhằm vào EU và đồng euro. Bà cũng là chính trị gia Pháp duy nhất ủng hộ tỷ phú Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua. Đảng FN đang kỳ vọng dựa vào chiến thắng của ông Trump và cuộc bỏ phiếu Anh rời EU để tạo nên làn sóng chống chính phủ tương tự tại Pháp và từ đó giúp họ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Bản thân bà Le Pen cũng đang bị cáo buộc về việc làm giả ở Nghị viện châu Âu, nơi bà là nghị sĩ. Nghị viện châu Âu cũng đã yêu cầu lãnh đạo đảng FN trả lại số tiền hơn 300.000 euro mà bà được cấp và sử dụng để trả lương hai trợ lý, nhưng hai người này không làm việc cho Nghị viện châu Âu, mà là cho đảng của bà.

Trong bối cảnh đó, ứng cử viên được đánh giá là "sáng" nhất Emmanuel Macron cũng vừa có phát biểu trước hơn 16.000 người ủng hộ, trong đó kêu gọi đánh bại phe cực hữu. Ông cũng cam kết “biến nước Pháp thành mảnh đất của đổi mới” thông qua tự do việc làm và đưa ra cam kết chính trị trong việc thực hiện khẩu hiệu quốc gia Pháp dường như đã bị quên lãng “Tự do, bình đẳng, bác ái”.

Theo giới phân tích, nhiều khả năng bà Le Pen sẽ phải đối đầu với ông Macron tại vòng 2 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, bởi ông Fillon, vốn trước đó được đánh giá cao nhất, đang phải chịu sức ép rút lui trong cuộc đua vào Điện Elysée, sau khi báo chí Pháp phanh phui những bê bối liên quan đến vụ “Penelopegate”.

TTXVN/Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm