02/10/2018 08:40 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 1/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đã thành công khi sử dụng các mối đe dọa về kinh tế cũng như các chiến thuật cứng rắn khác nhằm gây sức ép buộc Canada và Mexico phải đưa ra những nhượng bộ thương mại lớn, đồng thời khẳng định đây sẽ là mô hình cho các cuộc đàm phán trong tương lai của Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ thử cách tiếp cận tương tự trong đàm phán đối với Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản và có khả năng cả Brazil và Ấn Độ, đồng thời tin rằng lãnh đạo các nước sẽ coi Mỹ đang thực sự nghiêm túc nếu như chính quyền của ông đe dọa đảo ngược các mối quan hệ kinh tế.
Tổng thống Trump cũng cảnh báo về khả năng có các hình phạt mới nếu các nước không loại bỏ các hạn chế thương mại hoặc cho phép đầu tư của Mỹ nhiều hơn. Ông nêu rõ: “Chúng tôi đã hoàn toàn chuẩn bị để làm điều đó nếu họ không đàm phán”. Tổng thống Trump nhấn mạnh chính sức ép này, đặc biệt là việc đe dọa sử dụng thuế quan, là một vũ khí đàm phán buộc Thủ tướng Canada Justin Trudeau (Giu-xtin Tru-đô) phải đồng ý với một số thay đổi trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Tổng thống Trump cũng cho biết, EU và Nhật Bản đã bắt đầu các cuộc thảo luận về cách thức giải quyết đối với những mối lo ngại của ông. Bên cạnh đó, các cuộc thảo luận tương tự cũng đang được tiến hành với Ấn Độ.
Cùng ngày, phóng viên TTXVN đưa tin từ Mexico City cho biết sau hơn 13 tháng đàm phán sửa đổi NAFTA, Mexico, Mỹ và Canada đã đạt được sự đồng thuận giúp hiệp định hơn 24 năm tuổi này hồi sinh với tên gọi mới là USMCA. Theo tổng quan, đây là một hiệp định “cùng thắng”, nhưng Mỹ mới là bên thực sự giành được nhiều lợi ích hơn với USMCA.
Tái đàm phán NAFTA bắt đầu từ tháng 8/2017 theo đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đã lên án đây là một hiệp định “thảm họa” gây tổn hại tới nền kinh tế Mỹ từ công ăn việc làm đến đầu tư. Trong suốt quá trình đàm phán, ông Trump luôn đe dọa rời khỏi hiệp định này nếu không đạt được những ưu tiên đề ra, với mục đích cuối cùng là đạt được một hiệp định cân bằng, có lợi hơn cho Mỹ và giảm thâm hụt thương mại hàng năm với Mexico (khoảng 60 tỷ USD) và với Canada (khoảng 10 tỷ USD).
Có thể nói Mỹ đã vận dụng thành công lợi thế là một thị trường hàng đầu thế giới của mình, qua đó đưa ra các chiến lược cũng như các “lá bài” nặng ký trên bàn đàm phán dần dần ép Mexico và Canada phải nhượng bộ đối với các “yêu sách” của mình. Bên cạnh quan điểm cứng rắn trên bàn đàm phán, Mỹ đã đưa ra các biện pháp thuế quan như đánh thuế nhập khẩu với các mặt hàng nhôm, thép, giấy in và đe dọa đánh thuế cao với ô tô và nông sản của Mexico và Canada. Về phần mình, Mexico và Canada đã đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương ứng và đưa ra các chính sách đa dạng hóa thị trường để tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Tuy nhiên, đây là một chiến lược dài hạn vì trong ngắn hạn Mexico và Canada không thể tìm kiếm các thị trường xuất khẩu thay thế cho Mỹ. Theo thống kê, trên 81% xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ và con số này đối với Canada là 75%. Mặt khác, kể từ khi có hiệu lực vào năm 1994, NAFTA đã tạo ra một chuỗi cung ứng và nhiều chuỗi giá trị đan xen trong khu vực Bắc Mỹ, qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Hệ thống vận tải, kho bãi được hình thành thông qua các chuỗi cửa khẩu dọc chiều dài biên giới giữa Mexico-Mỹ và Canada-Mỹ tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương nội khối.
Trong đàm phán thương mại, các bên đều đưa ra nhiều phương án nhằm cố gắng đạt được lợi ích lớn nhất. Ngay từ đầu, việc Mexico và Canada chấp thuận tái đàm phán NAFTA đã thể hiện sự nhượng bộ, thế yếu của mình trước Mỹ. Do vậy, quá trình đàm phán thực chất là việc Mexico và Canada đấu tranh để bảo vệ lợi ích của mình không bị cắt giảm quá nhiều. Trong quá trình đàm phán, nhận thấy đàm phán 3 bên ít tiến triển khi mà Mexico và Canada đứng về 1 phía, Washington đã quyết định đàm phán song phương với Mexico và đẩy Canada vào thế “bí”. Sau khi đạt được thỏa thuận sơ bộ với Mexico vào tháng 8 vừa qua, Mỹ đã quay sang đàm phán song phương với Canada với đe dọa loại Canada ra khỏi “cuộc chơi”. Và chiến lược này đã giúp Mỹ đạt được mục tiêu của mình với USMCA đem lại nhiều lợi ích hơn.
Để Mỹ rút lại điều khoản “hoàng hôn” (tự động hết hạn sau 5 năm) đối với NAFTA và thay bằng kỳ hạn 16 năm và được ra soát theo chu kỳ 6 năm/lần, hạ tỷ lệ nội địa khu vực ô tô, áp dụng hạn ngạch nhập khẩu ưu đãi thuế quan 2,4 triệu xe ôtô và tới 90 tỷ USD giá trị phụ tùng ôtô từ Mexico hằng năm, đưa vào các chương mới như thương mại điện tử và chống tham nhũng… Mexico đã phải nhượng bộ bằng việc chấp nhận loại bỏ chương 19 về giải quyết tranh chấp thương mại (gây sức ép với Canada vì đây là nguyên tắc bảo vệ “sống còn” của Canada trên bàn đàm phán); chấp nhận nâng tỷ lệ nội địa khu vực ô tô từ 62,5% hiện nay lên 75% và khoảng 40-45% giá trị mỗi xe ô tô phải được sản xuất tại các khu vực (Mỹ và Canada) có mức lương từ 15 USD/giờ trở lên. Với sự chấp thuận này của Mexico, chắc chắn thâm hụt thương mại của Mỹ với Mexico sẽ giảm vì hiện tại trên 50% thâm hụt trong giao thương là do ngành ôtô.
Trong khi đó, sức ép lớn sau khi Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận song phương về nội dung NAFTA nâng cấp buộc Canada phải thỏa hiệp. Thỏa thuận mới cho phép duy trì chương 19 về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại mà Canada coi là một biện pháp phòng vệ chống lại các chính sách thương mại bảo hộ, giúp bảo vệ nền kinh tế đất nước nếu Mỹ áp đặt các rào cản thương mại hoặc thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu 2,6 triệu xe ô tô/năm giúp ngành công nghiệp ô tô của Canada tiếp tục phát triển trong thị trường phi thuế quan khu vực. Tuy nhiên, "cái giá" của những nhượng bộ từ phía Mỹ là Canada đồng ý cho phép các nhà sản xuất và nông dân Mỹ tiếp cận khoảng 3,5% thị trường sữa Canada trị giá 16 tỷ USD/năm. Đây vốn là yêu cầu chủ chốt của Mỹ bởi Tổng thống Trump từng gọi NAFTA là sai lầm nghiêm trọng khi nó gây thiệt hại cho những nông dân chăn nuôi bò sữa của Mỹ. Trước đó, hệ thống bảo vệ ngành sữa tại Canada ra đời từ những năm 1970, cho phép Canada áp mức thuế lên tới 275%, khiến các nhà sản xuất nước ngoài đều "chào thua" khi có ý định thâm nhập vào thị trường này.
Có thể thấy cả Mỹ, Mexico và Canada đều có những nhượng bộ nhất định để đi đến thỏa thuận cùng thắng bảo vệ được lợi ích của người dân mỗi nước. Tuy nhiên, Mỹ mới là nước giành được thắng lợi lớn nhất. Dự kiến, USMCA sẽ được trình lên cơ quan lập pháp của các quốc gia để xem xét thông qua và ký trước ngày 29/11.
TTXVN/Thu Huyền - Việt Hùng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất