25/10/2017 08:43 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Trình bày Báo cáo chính trị tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội XIX), Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) ngày 18/10 đã kêu gọi nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tăng cường thực thi và giám sát Hiến pháp nhằm đưa Trung Quốc cơ bản trở thành đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại vào năm 2035.
Ông Tập Cận Bình chỉ rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thành lập Tiểu ban Lãnh đạo Trung ương về quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, tăng cường sự lãnh đạo thống nhất trong xây dựng Trung Quốc pháp quyền. Tăng cường thực thi và giám sát Hiến pháp, thúc đẩy công tác rà soát thẩm tra phù hợp Hiến pháp, giữ gìn tính quyền uy của Hiến pháp. Báo cáo yêu cầu tổ chức Đảng các cấp và toàn thể đảng viên đi đầu trong tôn trọng, học tập, tuân thủ và vận dụng Hiến pháp, bất cứ tổ chức và cá nhân đều không có đặc quyền đặt trên Hiến pháp và pháp luật.
Ông Tập Cận Bình sinh ngày 1/6/1953 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ông là con trai của cựu Phó Thủ tướng Trung Quốc Tập Trọng Huân. Gia đình ông Tập gốc ở Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình tốt nghiệp chuyên ngành lý luận chủ nghĩa Mác và Giáo dục chính trị tư tưởng Học viện Xã hội Nhân văn Đại học Thanh Hoa, Tiến sĩ Luật. Phu nhân ông Tập là ca sĩ Bành Lệ Viện - một ca sĩ mang hàm thiếu tướng của lực lượng văn công Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.
Ông Tập Cận Bình đã trải qua thời hoa niên gian khổ, chính thời kỳ đó đã tôi luyện tinh thần Tập Cận Bình, giúp ông hòa mình thân thiện với nông dân, và nổi tiếng như là một người con của nhân dân.
Năm 1974, ông Tập Cận Bình gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Năm 1982, ông Tập Cận Bình khởi đầu sự nghiệp chính trị tại một huyện nhỏ ở tỉnh Hà Bắc.
Từ năm 1982 đến 1985, ông là phó bí thư và bí thư huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc. Trong thời gian này, ông đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình, được truyền hình về làm phóng sự.
Trong năm 1985, ông được luân chuyển đến tỉnh miền Nam Phúc Kiến. Tại đây, ông kinh qua nhiều chức vụ, từ phó chủ tịch TP Hạ Môn, bí thư Thành ủy Phúc Châu, rồi được bầu phó bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh.
Từ năm 2003 đến 2007, ông Tập Cận Bình trở thành người đứng đầu nhất thể hóa: Bí thư kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh lân cận Chiết Giang. Sau đó, ông là bí thư Thành ủy Thượng Hải và được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 15; Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 16, 17.
Tại Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2007, ông được bầu làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng thời được phân công kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương.
Ngày 15/3/2008, ông Tập được Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) bầu làm Phó Chủ tịch nước.
Tháng 10/2010, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Tháng 11/2012, ông được bầu làm Tổng Bí thư BCHTW Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 3/2013, ông Tập được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) Trung Quốc khóa 12 bầu làm Chủ tịch nước.
Ông Tập Cận Bình từng khẳng định ba ưu tiên của Trung Quốc là ổng định trong chính sách đối nội, tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và hài hòa trong chính sách đối ngoại. Về đối nội, quan điểm của ông Tập Cận Bình là duy trì và củng cố sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua việc tăng cường đối phó với nạn tham nhũng, cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy cải cách kinh tế. Về đối ngoại, ông Tập có quan điểm là “hòa bình để phát triển, mở cửa để phát triển và hợp tác để phát triển”.
Ông Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện có con gái Tập Minh Trạch theo học tại Đại học Harvard.
Thảo Nhi (TTXVN, Báo Nhân dân)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất