Để lễ hội Việt Nam thêm đẹp trong lòng du khách

02/02/2014 09:04 GMT+7 | Thế giới


(lienminhbng.org) - Ở Việt Nam, mỗi năm có gần 8.000 lễ hội; trong đó lễ hội dân gian chiếm tới 90%, còn lại là lễ hội tôn giáo, lễ hội lịch sử cách mạng và một số loại hình lễ hội khác được du nhập từ nước ngoài.

Các hoạt động lễ hội diễn ra trong cả năm, tuy nhiên tập trung nhiều vào mùa Xuân và chủ yếu là các lễ hội dân gian.

An toàn, lành mạnh và hiệu quả

An toàn, lành mạnh và hiệu quả là đánh giá của Cục trưởng Cục văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Văn Thủy về tình hình hoạt động lễ hội trong năm 2013.

Diễn ra chủ yếu vào mùa Xuân, các lễ hội dân gian đã thu hút hàng vạn, thậm chí hàng chục vạn nhân dân tham gia, tạo nên một không khí náo nhiệt, hào hứng trong đời sống lao động sản xuất của người dân. Được tổ chức với nhiều nội dung, hình thức phong phú, phần lễ đảm bảo tính truyền thống, phần hội với nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn, kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Thông qua các lễ hội, các nhu cầu văn hóa tinh thần của con người được nâng lên, góp phần thắt chặt các mối quan hệ trong xã hội.


Du khách thập phương đi lễ cầu may tại chùa Thiên Trù. Ảnh:Trọng Đức-TTXVN.

Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết việc tổ chức thành công các lễ hội dân gian đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm lành mạnh, phong phú đời sống tinh thần của xã hội, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các lễ hội dân gian đều do nhân dân tự đóng góp và tổ chức, huy động nguồn xã hội hóa, nhà nước đóng vai trò quản lý và định hướng.

Các lễ hội lịch sử cách mạng cũng được tổ chức trang trọng, lành mạnh với tinh thần tiết kiệm đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tưởng nhớ công lao của các bậc tiền nhân, giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông.

Lễ hội ngành nghề đã đi vào nền nếp, giới thiệu được ngành, nghề, sản phẩm cũng như những nét đẹp văn hóa của từng vừng, miền trong cả nước đến bạn bè quốc tế, đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế, du lịch và quảng bá văn hóa ra thế giới.

Đặc biệt, các loại hình lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài vào đều diễn ra trong không khí vui tươi, lành mạnh, thể hiện sự đa dạng văn hóa, thu hút đông đảo nhân dân tham gia.

Vẫn còn những hạt sạn

Để các lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh và hiệu quả, các ban quản lý lễ hội, ban quản lý di tích các tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, giải quyết ách tắc giao thông, cung cấp số điện thoại, đường dây nóng để kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh khi diễn ra lễ hội…

Tuy vậy, theo Cục trưởng Phạm Văn Thủy, mặc dù các địa phương đã có kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội nhưng do triển khai không đúng kế hoạch, sự phối hợp và ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân chưa cao nên vẫn tồn tại cảnh ùn tắc, chen lấn xô đẩy như tại đêm khai Ấn tại Đền Trần ở Nam Định, Đền Hùng ở Phú Thọ, Lễ hội Chùa Hương tại Hà Nội trong ngày chính hội.

Công tác đảm bảo an ninh trật tự ở một số lễ hội chưa được thực hiện tốt, vẫn còn hiện tượng trộm cắp, móc túi… hoặc các trò chơi mang tính cờ bạc trá hình như ở Hội Lim, Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh. Tình trạng ăn xin, xóc quẻ thẻ, hầu đồng, dịch vụ khấn thuê vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội như Phủ Tây Hồ, Đền Đức Thánh Cả ở Hà Nội, Đền Mẫu ở Lạng Sơn…

Việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật, bổ sung hiện vật, trang trí đồ thờ không đúng truyền thống, lắp bia ghi danh công đức, lắp đặt khung sắt, mái tôn, mái vẩy, tận thu dịch vụ đã làm biến thể di tích.

“Đặc biệt, việc đặt nhiều hòm công đức, khay tiền dầu đèn tại các điểm thờ tự; việc thu, chi sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở tín ngưỡng, thờ tự ở một số nơi chưa thống nhất, có nơi chính quyền địa phương quản lý, có nơi thủ từ, thủ nhang hoặc nhà sư trụ trì quản lý, thu giữ nên việc tái đầu tư tu bổ di tích chưa hiệu quả,” Cục trưởng Phạm Văn Thủy cho biết.

Ngoài ra, việc xuất hiện tình trạng đặt giả hòm công đức tại Lễ hội xuân Núi bà Đen ở Tây Ninh, Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh; dịch vụ đổi tiền lẻ giá cao ở hầu hết các khu di tích, lễ hội lớn… đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội; kiên quyết, kịp thời xử lý các sai phạm trong hoạt động tổ chức lễ hội, xâm hại di tích là một trong những biện pháp mà ngành văn hóa sẽ quyết liệt thực hiện trong thời gian tới nhằm giải quyết triệt để những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động lễ hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh yêu cầu các ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích sắp xếp hợp lý hàng quán, dịch vụ, bãi trông giữ phương tiện; hạn chế tối đa hàng quán kinh doanh vàng mã, đổi tiền lẻ, kinh doanh trò chơi dễ biến tướng sang đánh bạc trong lễ hội.

Các ban tổ chức lễ hội, ban quản lý di tích cần tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, chú trọng tuyên truyền về giá trị lịch sử văn hóa của di tích, ý nghĩa của lễ hội; bổ sung các bảng, biển hướng dẫn du khách chấp hành các quy định thực hiện nếp sống văn minh; rà soát hệ thống trang thiết bị phòng chống cháy nổ và công tác tổ chức phòng chống cháy nổ tại di tích.

Các Ban tổ chức, ban quản lý khuyến cáo du khách không đốt vàng mã và thắp hương trong nội thất các công trình thuộc di tích để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho di tích…

Ngành văn hóa tiếp tục tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động quản lý tiền công đức, tiền đặt giọt dầu, hạn chế việc cung tiến tiền mặt không đúng quy định và coi đây là một trong những nội dung đột phá của ngành. Đồng thời, kiên quyết không để tiếp diễn hiện tượng cài tiền, rải tiền lên tay tượng, thả tiền xuống giếng, ao, hồ… cũng như hoạt động dịch vụ đổi tiền lẻ tại các di tích, lễ hội gây phản cảm.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cần thống nhất chỉ đạo các ban quản lý, ban tổ chức, trụ trì di tích sử dụng tiền công đức minh bạch, đúng mục đích và hiệu quả nhất.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm