Dịch Covid-19 đến sáng 15/1: Thế giới có hơn 93,4 triệu ca bệnh, hơn 2 triệu ca tử vong

15/01/2021 08:12 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometters.info, đến 8h00 sáng 15/1, thế giới đã ghi nhận hơn 93,4 triệu ca nhiễm, trong đó có hơn 2 triệu ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Đức ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ đầu dịch

Đức ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất từ đầu dịch

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trong 24 giờ qua, nước Đức đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ đầu dịch, với trên 13.000 ca, trong khi số ca nhiễm mới cũng ở trên 22.000 ca.

Tính theo khu vực, Bắc Mỹ có nhiều ca nhiễm nhất (27.189.376 ca) trong khi châu Âu ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (612.762 ca). Châu Á hiện có hơn 21,8 triệu ca nhiễm và 353.324 ca tử vong trong khi Nam Mỹ đã ghi nhận hơn 14,3 triệu ca nhiễm và 383.490 ca tử vong.   

Tại Bắc Mỹ, nước Mỹ chiếm đa số ca nhiễm của khu vực (23,8 triệu ca), trong đó có 397.767 ca tử vong. Mexico đã ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm và 136.917 ca tử vong. Giới chức y tế Chile cho biết nước này vừa phát hiện 15 trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc ban đầu từ Anh. 12 người trong số này đi cùng một chuyến bay từ Tây Ban Nha đến thủ đô Santiago de Chile hồi tháng trước, trong khi 3 người còn lại là những người đã tiếp xúc gần với những người trên. Hiện cả 15 bệnh nhân này đều trong tình trạng sức khỏe ổn định và không xuất hiện các triệu chứng điển hình của COVID-19.    

Tại châu Âu, Nga và Anh đã ghi nhận hơn 3,2 triệu ca nhiễm trong khi Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức đều có hơn 2 triệu ca; Ba Lan và Ukraine cũng ghi nhận hơn 1,1 triệu ca. Anh là nước có nhiều ca tử vong nhất với 86.015 ca, Italy đứng thứ hai với 80.848 ca. Thị trưởng thủ đô Moskva của Nga, ông Sergei Sobyanin ngày 14/1 cho biết tình hình sẽ cải thiện nhờ tiêm phòng, đồng thời tuyên bố thành phố này có thể quay trở lại cuộc sống bình thường vào khoảng tháng 5. Chính quyền Moskva cũng đang phát triển một hệ thống nới lỏng hạn chế cho những người đã nhiễm SARS-CoV-2 và có kháng thể.   

Chú thích ảnh
Chuyển bệnh nhân tới bệnh viện ở Essex, miền Đông xứ England ngày 1/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo EU đang thúc đẩy phát triển 24 dự án liên quan tới việc thu thập huyết tương của những người được chữa khỏi bệnh COVID-19. Các huyết tương này được sử dụng phục vụ cho công tác nghiên cứu nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Công tác nghiên cứu này được cơ chế “Công cụ Hỗ trợ Khẩn cấp” của EU (ESI) tài trợ với tổng chi phí 36 triệu euro. Các dự án sẽ được thực hiện tại 14 quốc gia thành viên EU và tại Vương quốc Anh.

Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex tuyên bố kể từ ngày 16/1, nước này sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm trên quy mô toàn quốc vào lúc 18h00 hàng ngày (theo giờ địa phương) để đối phó với đại dịch. Ông Castex cũng cho biết những người đến Pháp từ các điểm xuất phát không nằm trong khu vực EU sẽ phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dưới 72 tiếng kể từ lúc khởi hành và sẽ phải tự cách ly trong vòng 7 ngày.  

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Roubaix, Pháp, ngày 11/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại châu Á, Ấn Độ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất, hiện đã lên hơn 10,5 triệu ca và nhiều ca tử vong nhất (151.954 ca). Số ca nhiễm tại Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt 2,3 triệu trong khi của Iran vượt 1,3 triệu. Iran cũng là nước có nhiều ca tử vong thứ hai châu lục với 56.538 ca. Tại Nhật Bản, số ca nhiễm mới gia tăng mạnh trong những ngày gần đây đã khiến hệ thống y tế tại nhiều địa phương  đối mặt với nguy cơ quá tải. 

Hiện tỷ lệ sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện và cơ sở y tế điều trị bệnh nhân COVID-19 ở thủ đô Tokyo là 80%, Osaka 66%, Fukushima 60% và Gifu 63%. Riêng tại thành phố Kobe thuộc tỉnh Hyogo, tỷ lệ này lên tới 96% với 154/160 giường đang được sử dụng. Về lây nhiễm dịch bệnh, có nhiều ca lây nhiễm trong gia đình (347 trường hợp), tiếp đến là lây nhiễm tại nơi làm việc và các địa điểm ăn uống. Tuy nhiên, lây nhiễm tại nơi làm việc dường như đang có xu hướng tăng lên sau kỳ nghỉ Tết dương lịch vừa qua.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 lên xe cứu thương tại Toluca, Mexico ngày 8/1/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Nam Mỹ, Brazil có nhiều ca nhiễm nhất với 8,3 triệu ca. Colombia, Argentina và Peru đã ghi nhận trên 1 triệu ca nhiễm và trên dưới 40.000 ca tử vong.   

Châu Phi ít bị ảnh hưởng hơn nhưng cũng đã ghi nhận hơn 3,1 triệu ca nhiễm và 76.822 ca tử vong. Nam Phi chiếm đa phần trong số này với 1.296.806 ca nhiễm và 35.852 ca tử vong. Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khu vực châu Phi Matshidiso Moeti cho biết các quốc gia trong châu lục hiện đang trải qua làn sóng thứ 2 của dịch COVID-19 với mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với làn sóng thứ nhất.

Đề cập tới biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tìm thấy tại Nam Phi hồi tháng 12/2020, bà Moeti nhấn mạnh theo kết quả từ các phân tích gần đây thì đây là biến thể 501Y.V2 có khả năng lây lan nhanh và do đó có thể là nguyên nhân khiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến không chỉ tại Nam Phi mà còn cả khu miền Nam châu Phi. Hiện biến thể này đã được tìm thấy ở Botswana, Zambia và Gambia. 

Theo Giám đốc WHO khu vực châu Phi, hiện tổ chức này đang tiếp tục mở rộng việc tìm hiểu sự lây lan của chủng 501Y.V2 tại các nước khác trong khu vực. Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi kêu gọi các quốc gia trong châu lục khẩn trương tiến hành các bước chuẩn bị để sẵn sàng phân phối vaccine ngừa COVID-19 sau khi Liên minh châu Phi (AU) thông báo đã đảm bảo được 270 triệu liều.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm