31/01/2021 10:14 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 103.107.949 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.227.732 ca tử vong. Có 74.736.766 bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và phục hồi trong khi vẫn còn 108.332 bệnh nhân đang trong tình trạng bệnh nặng, nguy kịch.
Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch bệnh với 26.655.740 ca nhiễm và 450.381 ca tử vong. Tiếp đó đến Ấn Độ với 10.747.091 ca nhiễm và 154.312 ca tử vong; Brazil với 9.176.975 ca nhiễm và 223.971 ca tử vong.
Trong thông báo mới nhất ra ngày 31/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 92 ca mắc ngày 30/1, gồm 73 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 19 ca nhập cảnh. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm 63 ca tại tỉnh Cát Lâm (Jilin), 9 ca tại tỉnh Hắc Long Giang (Heilongjiang) và 1 ca tại tỉnh Hà Bắc (Hebei). Trong ngày 30/1, Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong hay trường hợp bệnh nghi ngờ nào. Tính đến sáng 31/1, Trung Quốc đại lục đã công bố tổng cộng 89.522 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong, 83.218 bệnh nhân được chữa khỏi bệnh.
Nhiều nước tiếp tục siết chặt các quy định phòng, chống dịch trong bối cảnh dịch bệnh chưa giảm. Chính phủ Argentina đã quyết định kéo dài biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc, tuy nhiên thông báo cho phép các cơ sở giáo dục mở cửa đón học sinh các cấp trở lại trường vào năm học mới sau gần một năm áp dụng biện pháp học trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Argentina đã ghi nhận trên 1,9 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 47.775 ca tử vong. Trong 2 tuần gần đây, trung bình quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận gần 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, song con số này được cho là đã giảm so với hồi đầu tháng khi tỷ lệ trung bình số ca nhiễm mới theo ngày là 13.000 ca.
Về phần mình, Chính phủ Cuba công bố các biện pháp kiểm dịch đối với khách quốc tế bắt đầu từ ngày 6/2 tới trong bối cảnh nước này đối mặt với số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày ở mức cao kỷ lục với 910 ca. Theo quy định mới, công dân Cuba sẽ được cách ly miễn phí trong các trung tâm cách ly do chính quyền địa phương thiết lập trên cả nước. Trong khi đó, du khách quốc tế sẽ phải trả tiền ăn ở và dịch vụ tại các khách sạn trong thời gian cách ly. Bên cạnh đó, Cuba cũng sẽ giảm các chuyến bay từ Mỹ, Mexico, Panama, Bahamas, Cộng hòa Dominica, Jamaica và Colombia. Việc tạm dừng các chuyến bay từ Trinidad và Tobago, Nicaragua, Guyana và Suriname vẫn tiếp tục có hiệu lực, trong khi các chuyến bay đến từ Haiti sẽ bị hủy. Cuba đã ghi nhận 25.674 ca mắc và 213 ca tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Chính phủ Algeria chính thức thông báo sẽ tiếp tục áp dụng lệnh giới nghiêm và phong toả một phần thêm 2 tuần (cho đến ngày 15/2 tới) đối với 19 tỉnh thành, trong đó có thủ đô Algiers. Tuy nhiên, ở 29 tỉnh thành còn lại sẽ được dỡ bỏ lệnh phong toả một phần, vốn được áp dụng từ 20 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau, do tình hình dịch tễ đã được cải thiện và số ca nhiễm mới đã giảm. Đến nay, quốc gia Bắc Phi này ghi nhận 107.122 ca mắc, trong đó có 2.888 ca tử vong.
Trong khi đó, các nước tiếp tục tăng cường mua vaccine phòng bệnh. Tổng thống Bolivia Luis Arce cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận nhận khoảng 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 2 tới thông qua Cơ chế phân phối vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và liên minh vaccine Gavi hậu thuẫn.
Truyền thông Ai Cập đưa tin nước này sẽ nhận lô vaccine ngừa COVID-19 của Oxford/AstraZeneca đầu tiên trong ngày 31/1, một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng trên phạm vi toàn quốc, bắt đầu với các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, nhà chức trách Ai Cập chưa công bố thông tin chi tiết về số liều dự kiến nhận được. Theo số liệu thống kê chính thức, đến nay Ai Cập đã ghi nhận tổng cộng 164.871 ca mắc COVID-19, trong đó có 9.217 ca tử vong. Đáng chú ý, số ca mắc mới đang có xu hướng giảm khi những ngày gần đây chỉ ghi nhận khoảng dưới 600 ca/ngày.
Tại châu Âu, Cơ quan quản lý dược phẩm Italy (AIFA) thông báo đã phê chuẩn việc sử dụng loại vaccine COVID-19 do tập đoàn dược phẩm AstraZeneca và Đại học Oxford sản xuất. Thông tin được đưa ra trong thời điểm Italy ngày 30/1 xác nhận có 421 ca tử vong vì COVID-19, giảm so với mức 477 người trước đó một ngày. Thông báo của Bộ Y tế Italy cũng cho biết có 298.010 trường hợp đã được xét nghiệm COVID-19 trong ngày 29/1. Hiện Italy có 88.279 ca không qua khỏi vì COVID-19, cao thứ hai ở châu Âu sau Anh và cao thứ 6 trên thế giới.
Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn thông báo nước này đang đặt mua vaccine cho năm 2022 phòng trường hợp cần sử dụng để người dân có thể hoàn toàn miễn dịch với các biến thể của virus SARS-CoV-2. Ông Spahn nhấn mạnh mục tiêu của Chính phủ liên bang Đức là hoàn thành tiêm chủng cho tất cả mọi người thuộc nhóm nguy cơ cao nhất (trên 80 tuổi) vào cuối tháng 3/2021 và điều này cũng phụ thuộc vào nguồn cung từ hạn ngạch vaccine của châu Âu. Ông cũng cho biết các nhà sản xuất vaccine chủ chốt (BioNTech, Moderna và AstraZeneca) đã cam kết chuyển giao cho Đức thêm 5 triệu liều cho tới cuối tháng 2/2021. Cho tới nay, Đức đã nhận được trên 3,5 triệu liều vaccine, trong đó khoảng 2,2 triệu liều đã được tiêm cho dân chúng. Số liệu của các cơ quan y tế Đức thông báo tối 30/1 cho biết, trong 24 giờ qua, nước Đức ghi nhận có thêm trên 11.100 ca nhiễm mới và 598 ca tử vong.
Nguyễn Hằng - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất