06/08/2021 15:41 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Aude ‘Ady’ Alaskar, 27 tuổi, là bệnh nhân trẻ nhất tử vong do COVID-19 tại bang New South Wales kể từ khi đại dịch bùng phát hồi tháng 3/2020 ở Australia. Anh đã đột ngột qua đời tại nhà riêng, ở Tây Nam thành phố Sydney ngày 3/8, chỉ 13 ngày sau khi cách ly tại nhà để điều trị. Nhà chức trách xác nhận anh chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Trước khi mắc biến thể Delta, Alaskar mới lấy vợ được mấy tháng, không uống rượu, không hút thuốc, chăm chỉ tập thể thao và không có bệnh nền. Lúc mới mắc, Alaskar chỉ có triệu chứng nhẹ, song biến thể Delta đã khiến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đột ngột xấu đi, do lượng oxy trong máu giảm bất thường khiến phổi không hoạt động và gây tử vong.
Cái chết của một thanh niên khỏe mạnh như Alaskar đang gióng lên hồi chuông báo động và là thông điệp mạnh mẽ nhất về nguy cơ của đại dịch với giới trẻ, đặc biệt khi biến thể Delta - được đánh giá có khả năng lây lan mạnh hơn các biến thể khác của virus SARS-CoV-2, đã trở nên rất phổ biến trên thế giới. Đơn cử như tại Anh, số ca mắc biến thể Delta đến nay đã vượt quá số ca mắc biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu tại Anh) và biến chủng Beta (xuất hiện đầu tiên ở Nam Phi) và có nhiều dấu hiệu chuẩn bị vượt qua số ca mắc biến thể Gamma có nguồn gốc từ Brazil.
Những ca tử vong đáng tiếc như Alaskar rõ ràng cho thấy làn sóng dịch bệnh COVID-19 mới nhất không loại trừ bất kỳ ai, kể cả thanh niên, nhóm đối tượng trong thời gian đầu của bệnh dịch từng được đánh giá là ít có khả năng bệnh trở nặng, thường mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ, thậm chí không triệu chứng và nguy cơ tử vong thấp.
Các chuyên gia y tế trên khắp thế giới đang khuyến cáo người trẻ tuổi cần tiêm chủng ngay khi có thể, bất kể đó là loại vaccine nào, bởi làn sóng dịch COVID-19 mới do biến thể Delta gây ra hiện được xem là “đại dịch với giới trẻ”. Tại New South Wales - bang đông dân nhất của Australia, 2/3 số ca mắc mới COVID-19 là người dưới 40 tuổi. Dữ liệu này đang cho thấy sự đảo chiều so với làn sóng lây nhiễm đầu tiên.
Thực tế đáng buồn trên cũng đang diễn ra ở nhiều quốc gia khác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện 41% số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện ở nước này là những người trẻ từ 18 - 49 tuổi, trong khi người lớn tuổi chỉ chiếm hơn 25%. Riêng trong tuần qua, tỷ lệ nhập viện điều trị ở nhóm tuổi 18-29 đã tăng 25%. Diễn biến này trái với hồi tháng 1/2021, khi những người từ 65 tuổi chiếm một nửa số bệnh nhân phải nhập viện ở Mỹ trong khi những người dưới 55 tuổi chiếm 22%.
Tại Tây Ban Nha, thống kê cho thấy tỷ lệ lây nhiễm biến thể Delta hiện ở mức rất cao, đặc biệt ở các nhóm tuổi 12-19 và 20-29. Đây cũng là nhóm độ tuổi có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp ở nước này. Dữ liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho thấy, số ca nhiễm mắc COVID-19 ở Anh hiện nay chủ yếu là những người trẻ tuổi, phổ biến nhất là ở nhóm người từ 16-24 tuổi, cao gấp gần 6 lần so với những người từ 50-69 tuổi. Tại Đức, hồi cuối tháng 7, nhóm độ tuổi có tỷ lệ trung bình số ca mắc mới trong 7 ngày cao nhất là từ 14-24, tới 42,4/ca/100.000 người, tiếp đó là độ tuổi 25-34 với 28,3 ca/100.000
Đầu tháng này, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong do COVID-19 ở độ tuổi 20. Đây là ca tử vong thứ hai ở các bệnh nhân trẻ tuổi trong tuần đầu tháng 8 và là ca thứ năm trong năm 2021. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 thể nặng ở độ tuổi dưới 40 cũng tăng lên 22,7%, gần gấp đôi so với mức 12,77% ghi nhận vào đầu tháng 7 vừa qua. Tại Ấn Độ, nơi xuất hiện biến thể Delta, trong làn sóng lây nhiễm thứ hai hồi tháng 4 và 5 vừa qua, tỷ lệ tử vong gia tăng trong nhóm bệnh nhân dưới 45 tuổi đã trở thành một mối lo ngại cho ngành y tế nước này.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng các biến thể của virus SARS-CoV-2 nhìn chung đều nguy hiểm hơn đối với nhóm người trẻ. Tại Brazil, tháng 3/2021, hơn một nửa số bệnh nhân COVID-19 tại các khoa săn sóc đặc biệt là dưới 40 tuổi, chủ yếu do biến thể Gamma (còn gọi là P.1) lúc đó đang hoành hành tại quốc gia Nam Mỹ này.
Biến thể Gamma cũng làm tăng đáng kể tỷ lệ tử vong ở những người trẻ, kể cả những người không có vấn đề sức khỏe trước đó. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, số bệnh nhân COVID-19 tử vong trong độ tuổi từ 30 đến 39 đã tăng đến 353%. Nhà dịch tễ học hàng đầu Brazil, bà Fatima Marinho, cảnh báo: “Chúng tôi thấy nhiều người trẻ nhập viện và tử vong hơn so với năm 2020. Chẳng bao lâu nữa, Brazil sẽ phải triển khai tiêm chủng cho những người trẻ tuổi vì những rủi ro liên quan đến các biến thể mới”.
Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cho biết sau khi biến thể Gamma xuất hiện, từ tháng 12/2020 đến 3/2021, tỷ lệ tử vong tại Brazil đã tăng gấp đôi đối với những bệnh nhân dưới 39 tuổi, tăng gấp bốn đối với những người ở độ tuổi 40 và tăng gấp ba ở những người ở độ tuổi 50. Tại Chile, quốc gia cũng bị biến thể Gamma tấn công, tỷ lệ nhập viện của những người dưới 39 tuổi đã tăng hơn 70% trong vài tháng.
“Cuộc chiến (chống COVID-19) đã thay đổi” - các chuyên gia y tế Mỹ đã nhận định như vậy khi cho rằng các biến thể của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn đối với người trẻ so với chủng gốc xuất hiện ở Vũ Hán. Theo bản phân tích số liệu quy mô đầu tiên của hơn 44.000 trường hợp mắc chủng virus gốc tại Trung Quốc, do các nhà khoa học nước này thực hiện năm ngoái, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 cao tuổi cao gấp 10 lần so với người trung niên. Tỷ lệ tử vong thấp nhất là ở nhóm có độ tuổi dưới 30, khi chỉ có 8 ca tử vong trên 4.500 trường hợp. Tỷ lệ tử vong cũng cao hơn ít nhất gấp 5 lần ở những người mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim hoặc hô hấp.
Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa thể lý giải tường tận vì sao các biến thể của virus SARS-CoV-2 lại tấn công người trẻ tuổi mạnh như vậy. Không ít ý kiến cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhóm người trẻ là một nguyên nhân. Tại Anh, theo Dịch vụ y tế quốc gia (NHS), 1/3 thanh niên từ 18-29 tuổi vẫn chưa tiêm mũi vaccine nào, chiếm khoảng 10% dân số trưởng thành. Nhóm có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất trong số người trưởng thành tại Mỹ là trong độ tuổi 18-24, với khoảng 54% đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, so với hơn 80% người trong độ tuổi từ 65 - 74 được tiêm đầy đủ. Phần lớn những ca phải nhập viện điều trị COVID-19 ở Mỹ hiện nay là những người chưa được tiêm chủng. Có chuyên gia đã nhận định chưa tiêm chủng chính là yếu tố rủi ro độc lập lớn nhất dẫn đến nguy cơ mắc COVID-19, phải nhập viện điều trị và tử vong.
Theo số liệu thăm dò gần đây do Kaiser Family Foundation công bố, có tới 34% người trong độ tuổi 18-29 ở Mỹ cho biết muốn chờ đợi trước khi tiêm vaccine, bên cạnh con số 15% tuyên bố hoàn toàn không muốn tiêm chủng. Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu công bố hồi tháng 7 trên tạp chí Sức khỏe vị thành niên cho thấy trong số những người trẻ tuổi chưa tiêm vaccine, 23% cho biết họ cảm thấy có thể không cần tiêm, do nghĩ rằng mình không phải là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tâm lý chủ quan của những người trẻ cũng là một trong những nguyên nhân chính. Trên thực tế, từ 1 năm trước, khi những làn sóng dịch mới bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Âu sau khi các nước đã khống chế thành công đợt dịch đầu tiên và mở cửa trở lại trước kỳ nghỉ Hè, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo: "Các bằng chứng cho thấy nhiều ổ dịch tại một số quốc gia có một phần nguyên nhân là do những người trẻ mất cảnh giác". Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia của WHO, nhấn mạnh: “Nhiều tụ điểm vui chơi của những người trẻ tuổi đã trở thành các ổ dịch lây nhiễm. Thật không may rằng đã có rất nhiều người trẻ quay trở về với cuộc sống bình trước kia mà không để ý tới nguy cơ dịch COVID-19 đang hiện hữu”.
Các chuyên gia cho rằng hầu hết người trẻ chưa ý thức được về sự nguy hiểm của biến thể Delta cũng như các biến thể khác của virus SARS-CoV-2. Tại Anh, trong tuần đầu tiên sau khi hầu hết các hạn chế phòng dịch được dỡ bỏ ngày 19/7 vừa qua, hình ảnh phổ biến ở các hộp đêm đông đúc là những vị khách, đa số là người trẻ, không đeo khẩu trang và tất nhiên là không giãn cách. Ngoài ra, những người trẻ tuổi khi mắc COVID-19 có xu hướng xem nhẹ các triệu chứng nhẹ mới xảy ra, cho rằng mình có đủ sức khỏe để vượt qua và cuối cùng đến phòng cấp cứu khi đã quá muộn.
Trong khi đó, những người trẻ thường có xu hướng di chuyển nhiều hơn, đảm nhận những công việc thiết yếu hoặc tới trường học, tiếp xúc nhiều hơn, vì thế có nguy cơ lây nhiễm cao hơn. Việc gia tăng số ca mắc COVID-19 trong giới trẻ thực sự trở thành một cuộc khủng hoảng y tế công, bởi đây là lực lượng lao động chủ chốt, làm gia tăng gánh nặng lên lực lượng y tế cũng như cạn kiệt các nguồn lực.
Trước diễn biến phức tạp như vậy, nhiều nước đã thúc đẩy các chương trình tiêm chủng cho nhóm đối tượng thanh niên và triển khai tiêm chủng cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định điều quan trọng hơn cả là nâng cao nhận thức của nhóm đối tượng này trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng, khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn đang biến đổi với nguy cơ sẽ xuất hiện những biến thể mới đe dọa tất cả mọi người.
Lan Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất