15/04/2020 08:40 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, trong vòng 24h qua, tính tới 8h sáng 15/4 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận thêm 73.421 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 6.947 người tử vong.
Tổng số ca mắc bệnh trên toàn cầu đã lên tới khoảng 2 triệu người, trong đó số ca tử vong là 126.565 người. Mỹ tiếp tục là điểm dịch nóng nhất với 26.016 người đã tử vong vì COVID-19, tiếp đó là các nước Italy, Tây Ban Nha, Pháp và Anh. Các nước cũng ghi nhận 478.326 bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, trong khi vẫn còn tới 51.595 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Tại Mỹ, tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 trên toàn nước Mỹ đã lên tới 613.624 người, trong đó có 26.016 ca tử vong. Trong 1 ngày qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 2.248 ca tử vong và 24.215 ca mắc bệnh mới. Nước này dường như đang tiệm cận giai đoạn đỉnh dịch khi chứng kiến ngày thứ 6 liên tiếp có số ca tử vong do COVID-19 ở mức trên 1.000 người.
Bang New York tiếp tục là nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, chiếm trên 48% số ca mắc bệnh của toàn nước Mỹ. Bang New York ghi nhận 671 ca tử vong mới, giảm 87 ca so với 24 giờ trước đó. Đây là mức giảm nhiều nhất trong một tuần dù đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của trên 10.000 người tại bang này. Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo ngày 14/4 cho biết ông từ chối bất kỳ mệnh lệnh nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trước khi tình hình đủ an toàn để thực hiện điều này mà không gây ra nguy cơ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/4 tuyên bố ông đã chỉ thị cho chính phủ tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) do cách tổ chức này xử lý đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết WHO đã "thất bại trong chính nhiệm vụ cơ bản của mình và cần phải chịu trách nhiệm".
Italy vẫn là quốc gia châu Âu có số ca tử vong cao nhất vì COVID-19, với 21.067 trường hợp, tăng 602 ca so với ngày 14/4. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại quốc gia Nam Âu này hiện là 162.448 ca, tăng 2.972 trường hợp. Tuy nhiên, số liệu cho thấy dường như Italy đã qua đỉnh dịch, khi số người chết và mắc bệnh mới đi vào chu kỳ giảm.
Trong khi đó, giới chức y tế cho biết Tây Ban Nha dường như đã vượt qua đỉnh dịch sau khi ghi nhận mức tăng số ca tử vong cao nhất trong ngày (950 ca) vào ngày 2/4 vừa qua. Mặc dù số ca tử vong do COVID-19 ở Tây Ban Nha đã vượt ngưỡng 18.000 người, song số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc vào tháng trước.
Tới sáng 15/4 (theo giờ Việt Nam), Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 174.060 ca mắc bệnh (tăng 3.961 trường hợp so với 1 ngày trước đó), đồng thời xác nhận 18.255 trường hợp tử vong (tăng 300 ca so với ngày 14/4). Chính phủ Tây Ban Nha đang cân nhắc thận trọng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Từ ngày 13/4, công nhân làm việc tại các nhà máy và công trường xây dựng ở nước này đã trở lại làm việc sau khi lệnh hạn chế đi lại kéo dài 2 tuần hết hạn.
Tại Anh, Bộ Y tế nước này thông báo số ca tử vong do mắc COVID-19 là 12.107 người, tăng 778 ca so với một ngày trước đó. Trong số 302.599 người được xét nghiệm, có 93.873 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tăng thêm 5.252 trường hợp. Với 778 trường hợp, Anh là nước chứng kiến số ca tử vong mới nhiều thứ hai thế giới trong vòng 1 ngày qua.
Nước Pháp trong vòng 24h qua cũng ghi nhận số ca tử vong vì virus SARS-CoV-2 tăng mạnh, với 762 trường hợp. Bộ Y tế Pháp cho biết dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của 15.729 người tại nước này, trong khi tổng số ca mắc bệnh tăng lên 143.303, tăng 6.524 trường hợp so với 1 ngày trước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thông báo quyết định kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến ngày 11/5. Phát biểu trên truyền hình, ông Macron nhấn mạnh rằng nước Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Ông thừa nhận rằng Pháp "rõ ràng đã không chuẩn bị đầy đủ" cho đại dịch COVID-19. Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn. Tuy nhiên, nỗ lực của toàn xã hội cũng đem đến một số thành công, như số giường hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi so với trước, hợp tác tốt trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh, mạng lưới giáo dục trực tuyến hoạt động hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần hỗ trợ giữa người dân...
Ban chỉ đạo phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga cho biết trong vòng 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 2.774 ca nhiễm - mức tăng cao kỷ lục tính trong 1 ngày. Tổng số ca trên cả nước hiện là 21.102 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất với 1.489 ca trong một ngày qua, đưa tổng số ca ở thành phố này lên 13.002 ca, trong đó 1.016 người đã khỏi bệnh, 95 người tử vong.
Trong khi đó, cùng ngày Chính phủ Ba Lan thông báo nước này sẽ từng bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa được áp đặt nhằm kiểm soát đà lây lan của dịch COVID-19 từ ngày 19/4 tới, bắt đầu với việc dỡ bỏ các hạn chế đối với các cửa hàng, trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức bầu cử tổng thống qua đường bưu điện vào ngày 10/5 tới.
Tại Nhật Bản, tới 8h sáng 15/4, Bộ Y tế nước này đã ghi nhận thêm 27 ca mới, nâng tổng số ca lên thành 7.645 ca. Đây là con số mới nhất sau một tuần Thủ tướng Shinzo Abe ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác. Tổng số ca tử vong tại Nhật Bản hiện ở mức 143 người, không bao gồm những bệnh nhân từ du thuyền Diamond Princess, bị cách ly ngoài khơi thành phố Yokohama gần thủ đô Tokyo.
Trong ngày 14/4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố gia hạn phong tỏa cả nước thêm 21 ngày, đến ngày 3/5, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ấn Độ đến nay đã xác nhận 10.453 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó 358 ca tử vong.
Tại khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Iran thông báo trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 1.574 ca mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 74.877 người. Số ca tử vong là 4.683 ca, trong đó 24 giờ qua là 98 người. Đây là ngày đầu tiên nước này ghi nhận số ca tử vong về mức 2 con số. Cho tới nay đã có tổng cộng 48.129 người bình phục và được xuất viện, trong khi vẫn còn 3.691 ca trong tình trạng nguy kịch. Iran là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19 ở khu vực Trung Đông.
Tính tới sáng 15/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có tổng cộng 21.526 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.115 trường hợp mắc bệnh mới. Dịch COVID-19 đã khiến 932 người dân ở khu vực này thiệt mạng, tăng 87 trường hợp so với một ngày trước đó. Khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 5.586 trường hợp.
Trong vòng 24h qua, Thái Lan có số ca mắc COVID-19 mới nhiều nhất khu vực (334 người), trong khi Indonesia tiếp tục là điểm nóng nhất khi ghi nhận 60 ca tử vong mới. Tại ASEAN, Philippines đã vượt qua Malaysia để đứng đầu khu vực về tổng số ca mắc bệnh (5.223).
Trong tình hình đó, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã xúc tiến hai hội nghị quan trọng là Hội nghị trực tuyến Cấp cao Đặc biệt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về COVID-19 và Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN+3 do Việt Nam chủ trì. Hai hội nghị đã thành công tốt đẹp khi các nhà lãnh đạo khu vực ra được các tuyên bố chung nhấn mạnh tinh thần đoàn kết, tầm nhìn và quyết tâm chung trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Thanh Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất