Dịch Covid-19: Nam Á vượt mốc 30 triệu trường hợp mắc bệnh

28/05/2021 15:14 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo số liệu thống kê của hãng tin Reuters, số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Nam Á đã vượt mốc 30 triệu người trong ngày 28/5, trong bối cảnh khu vực này đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vaccine ngừa căn bệnh này.      

Dịch Covid-19 khu vực Đông Nam Á: Malaysia lần đầu ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới trong ngày

Dịch Covid-19 khu vực Đông Nam Á: Malaysia lần đầu ghi nhận hơn 7.000 ca mắc mới trong ngày

Malaysia ngày 25/5 ghi nhận thêm 7.289 ca mắc Covid-19, cao nhất từ đầu dịch đến nay.

Khu vực Nam Á - gồm Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Bhutan, Nepal, Maldives và Sri Lanka - ghi nhận 18% tổng số ca mắc bệnh COVID-19 trên toàn cầu, trong khi số ca tử vong tại khu vực này là gần 10%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những con số thống kê này trên thực tế còn cao hơn nhiều.   

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Colombo, Sri Lanka, ngày 24/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ấn Độ - quốc gia đông dân thứ hai thế giới, trong tháng này đã ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi năm ngoái.   

Tính riêng trong tháng này, số người không qua khỏi đại dịch đã chiếm hơn 1/3 tổng số người tử vong kể từ đầu dịch đến nay. Ấn Độ cũng đã bắt đầu tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả mọi người dân từ 18 tuổi trở lên. Tuy nhiên, quốc gia này không thể đáp ứng đủ nhu cầu về vaccine trong nước, mặc dù là một trong những nhà sản xuất vaccine lớn trên thế giới.

Hiện Ấn Độ đang sử dụng 3 loại vaccine ngừa COVID-19: bao gồm vaccine của hãng AstraZeneca do Viện SII sản xuất, vaccine Covaxin do công ty trong nước Bharat Biotech sản xuất và vaccine Sputnik V của Nga.   

Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Ấn Độ đã tạm ngừng xuất khẩu vaccine từ tháng 3 vừa qua, sau khi đã viện trợ hoặc bán hơn 66 triệu liều. Việc Ấn Độ tạm dừng xuất khẩu vaccine đã khiến nhiều quốc gia như Bangladesh, Nepal, Sri Lanka và các nước ở châu Phi đua tranh để trở thành nguồn cung cấp thay thế.   

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân tử vong do COVID-19 tới nhà xác ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 24/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu vaccine, trong bối cảnh chính quyền một số bang của nước này và thậm chí cả các thành phố như Mumbai đã kêu gọi các nhà thầu toàn cầu, hoặc đề nghị các nguồn cung khẩn cấp từ các hãng dược phẩm như Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson.

Những con số thống kê chính thức cho thấy số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đang có chiều hướng giảm. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 186.364 ca bệnh mới – mức thấp nhất kể từ ngày 14/4 vừa qua, trong khi danh sách người tử vong do COVID-19 cũng được nối dài thêm 3.660 trường hợp.

Tính đến ngày 28/5, Ấn Độ ghi nhận gần 27,6 triệu trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 318.895 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại về các trường hợp mắc bệnh đã không được báo cáo, do công tác xét nghiệm được tiến hành không đầy đủ tại nhiều vùng nông thôn của nước này.    

Do Ấn Độ khó có khả năng tiếp tục xuất khẩu vaccine ngừa COVID-19 từ nay cho đến tháng 10 tới, các nước Nam Á khác như Nepal và Bangladesh đang xúc tiến các nỗ lực ngoại giao nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine trong nước.    

Với việc mua vaccine của Trung Quốc cũng như được nhận phân bổ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Liên minh vaccine GAVI, Pakistan hiện đã có hơn 18 triệu liều. Trong ngày 26/5 vừa qua, nước này cũng đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho mọi người dân từ 19 tuổi trở lên.   

Theo số liệu của Our World in Data, tính đến ngày 28/5, đã có ít nhất 219,17 triệu liều vaccine đã được sử dụng ở Nam Á.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm