19/06/2020 22:21 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 19/6, toàn thế giới đã ghi nhận 8.621.822 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 457.341 ca tử vong.
Hiện Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trong tổng số 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có dịch COVID-19, với 2.265.449 ca nhiễm và 120.726 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 984.315 ca nhiễm và 47.897 ca tử vong; Nga 569.063 ca nhiễm và 7.841 ca tử vong; Ấn Độ với 382.497 ca nhiễm và 12.616 ca tử vong.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Chính phủ Peru đã cho phép mở cửa trở lại các trung tâm thương mại kể từ ngày 22/6 tới mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc cho phép các trung tâm thương mại được hoạt động trở lại tại hầu hết các địa phương trên toàn quốc sẽ đi kèm với những quy định chặt chẽ về an toàn vệ sinh dịch tễ, trong đó bắt buộc tất cả mọi người phải sử dụng khẩu trang, giảm 50% số lượng người được có mặt cùng một lúc tại một cửa hàng, giữ khoảng cách 1 m và một số hạn chế khác.
Tuy nhiên, trẻ em sẽ không được phép tới các địa điểm này, trong khi các rạp chiếu phim nằm trong khuôn viên các trung tâm thương mại vẫn tiếp tục bị đóng cửa. Ngoài ra, các quán cà phê và nhà hàng trong các trung tâm thương mại sẽ chỉ được phục vụ cho khách mua hàng mang về nhà. Sắc lệnh trên sẽ có hiệu lực đối với 19 trong tổng số 25 tỉnh và khu vực của Peru. Các địa phương còn lại chưa được phép mở cửa trở lại các trung tâm thương mại do vẫn còn nguy cơ lây nhiễm cao.
Còn tại hầu hết các khu vực ở Cuba, các nhà hàng đã mở cửa trở lại, trong khi nhiều gia đình rời khỏi thành phố để đến các bãi biển từ ngày 18/6, sau khi dịch bệnh được kiểm soát và chính phủ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kéo dài 3 tháng qua. Chỉ có khu vực thủ đô La Habana và tỉnh lân cận Matanzas báo cáo có các ca nhiễm mới trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, Văn phòng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại châu Âu đã cảnh báo tình hình lo ngại do số ca lây nhiễm và số ca mắc COVID-19 tăng tại Đông Âu với tỷ lệ lây nhiễm lũy kế đã tăng hơn 3 lần, từ 6 lên 21 nước.
Theo văn phòng trên, dịch bệnh vẫn hoành hành ở nhiều nước, do đó các chính phủ cần tiếp tục quá trình phục hồi và tái thiết nhưng vẫn duy trì cảnh giác và thận trọng khi nới lỏng phong tỏa. WHO nhắc lại bài học của một số nước đã ghi nhận nhiều ổ dịch địa phương sau khi mở cửa lại trường học. Các nước Đông Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm gia tăng như Slovenia, Croatia, CH Séc...
Tại Anh, giới chức y tế hàng đầu của nước này đã nhất trí hạ mức cảnh báo dịch COVID-19 xuống một nấc sau khi dịch bệnh theo chiều hướng cải thiện.
Theo đó, Trung tâm An ninh sinh học chung của Anh đã khuyến nghị hạ cảnh báo dịch COVID-19 từ mức 4 (mức đánh giá dịch đang lây lan, tình trạng lây nhiễm cao hoặc đang gia tăng mạnh) xuống mức 3 - dịch bệnh nhìn chung đang lây lan.
Các quan chức y tế của các vùng England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland ghi nhận sự sụt giảm ổn định số ca mắc tại 4 khu vực này và chiều hướng này vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, họ cũng cho biết điều này không đồng nghĩa đại dịch đã qua, và virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan khi một số ổ dịch cục bộ có thể bùng phát.
Còn Hungary đã chuyển sang "tình trạng chuẩn bị nghiên cứu bệnh dịch" thay cho tình trạng khẩn cấp mà nước này áp đặt từ ngày 11/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19. Tình trạng chuẩn bị nghiên cứu bệnh dịch sẽ có hiệu lực đến ngày 18/12 tới nhưng Chính phủ Hungary sẽ xem xét lại sự cần thiết của cơ chế này 3 tháng 1 lần.
Với sự thay đổi cơ chế này, cuộc sống gần như trở lại bình thường ở Hungary. Theo đó dỡ bỏ quy định giờ mua sắm dành riêng cho người trên 65 tuổi (từ 9h sáng đến 12h trưa); cho phép tổ chức các sự kiện tập trung tối đa 500 người và người dân có thể tự do đi xem bóng đá. Tuy nhiên, đeo khẩu trang vẫn là quy định bắt buộc đối với những người làm việc trong không gian kín và người đi mua sắm.
Trong khi châu Âu tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục này nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế, thì châu Á - nơi khởi phát đại dịch cuối năm 2019, đang đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ hai khi hàng loạt ca nhiễm mới được phát hiện tại Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia....
Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 32 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 83.325 ca. Trước nguy cơ bùng phát làn sóng đại dịch COVID-19 thứ hai sau khi thủ đô Bắc Kinh liên tục ghi nhận hàng chục ca nhiễm mới mỗi ngày trong 1 tuần qua liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa lớn nhất châu Á ở quận Phong Đài và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến, nhà chức trách đang siết chặt các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo đó, chính quyền Bắc Kinh vừa ban bố một loạt quy định cấm rời thủ đô đối với các trường hợp thuộc 3 nhóm.
Ngành hàng không và đường sắt dân dụng Trung Quốc cũng áp đặt nhiều hạn chế trong việc mua vé đối với các ca mắc, các ca nghi ngờ, các trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân COVID-19 và những người nhiễm bệnh không có triệu chứng tại thủ đô Bắc Kinh, cũng như những người từng có mặt tại chợ Tân Phát Địa hoặc tiếp xúc gần với các nhân viên tại đây từ ngày 30/5.
Ngoài ra, tất cả các dịch vụ xe buýt liên tỉnh của các hãng vận tải ở Bắc Kinh đều sẽ phải tạm ngừng hoạt động kể từ ngày 19/6. Các hành khách đã mua vé sẽ được hoàn tiền. Trung Quốc cũng đã triển khai một chiến dịch trên phạm vi toàn quốc nhằm kiểm tra thực phẩm nhập khẩu.
Trong khi đó, Nhật Bản đã dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế đi lại trong nước nhằm khôi phục nền kinh tế chịu nhiều tác động do đại dịch COVID-19, song người dân vẫn cần tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Hiện Chính phủ Nhật Bản cũng đã cho phép các sự kiện, các hoạt động trong nhà và ngoài trời thu hút tối đa 1.000 người tham dự. Bên cạnh đó, các đội bóng chày chuyên nghiệp của nước này cũng sẽ nối lại các trận tranh tài trong ngày 19/6, song không có khán giả.
Tại thủ đô Tokyo khi tình hình dịch bệnh tại đây đang có những chuyển biến tích cực, chính quyền thành phố đã bắt đầu dỡ bỏ tất cả các hạn chế đối với các cơ sở kinh doanh và hủy bỏ yêu cầu đóng cửa tạm thời đối với các địa điểm phục vụ nhạc sống, các hộp đêm và những cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí tương tự.
Nhiều nước khác ở châu Á tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm gia tăng trong 24 giờ qua như Indonesia có 1.041 ca nhiễm mới và 34 ca tử vong, Singapore 142 ca nhiễm mới, Malaysia 6 ca nhiễm mới, Thái Lan 5 ca nhiễm mới...
Minh Châu/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất