Dịch Covid-19 ngày 22/1: Thế giới có 98.227.352 ca bệnh, 2.103.341 ca tử vong

22/01/2021 22:39 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 22/1 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 98.227.352 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.103.341 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 70.616.618 người.       

Dịch Covid-19: Trung Quốc xét nghiệm quy mô lớn tại thủ đô Bắc Kinh

Dịch Covid-19: Trung Quốc xét nghiệm quy mô lớn tại thủ đô Bắc Kinh

Ngày 22/1, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã khởi động chiến dịch xét nghiệm cho 2 triệu người trong vòng 48 giờ, trong bối cảnh thành phố này đang đẩy nhanh việc khống chế các ổ dịch mới bị cho là có liên quan đến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tính đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất trên thế giới. Với 4.383 người không qua khỏi trong 24 giờ qua - mức cao nhất từ trước tới nay, hiện tổng số ca tử vong ở nước này là 415.926 ca tử vong trong tổng số 25.001.446 ca nhiễm. Tính trung bình, mỗi ngày Mỹ có khoảng 194.000 ca mắc mới và khoảng 3.000 ca tử vong do COVID-19.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố chiến lược quốc gia nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 và ký các sắc lệnh hành pháp bổ sung để ngăn chặn dịch bệnh, trong đó có việc cải thiện chuỗi cung ứng, bảo đảm an toàn cho người lao động, thúc đẩy đi lại an toàn và mở rộng điều trị cho bệnh nhân COVID-19... Theo ông Biden, kế hoạch này sẽ bắt đầu với chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại quận Đại Hưng, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 20/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Trung Quốc - quốc gia đầu tiên ghi nhận sự xuất hiện của virus SARS-CoV-2, Ủy ban Y tế quốc gia cho biết trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 103 ca nhiễm mới, trong đó 94 ca lây nhiễm cộng đồng. Đáng lo ngại, Trung Quốc đã phát hiện ổ dịch COVID-19 tại một nhà máy chế biến thịt tại thành phố Cáp Nhĩ Tân (Harbin), Đông Bắc nước này, với 10 ca nhiễm.

Khu vực này có số ca nhiễm tăng lên trong những tuần qua và ổ dịch đã được phát hiện nhờ công tác xét nghiệm định kỳ. Giới chức thành phố cho biết các mẫu xét nghiệm lấy bên trong khu vực giết mổ, kho đông lạnh và bên ngoài bao bì sản phẩm đã cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã khởi động chiến dịch xét nghiệm cho 2 triệu người trong vòng 48 giờ, trong bối cảnh thành phố này đang đẩy nhanh việc khống chế các ổ dịch mới được cho là có liên quan đến biến thể của virus SARS-CoV-2. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 88.804 ca nhiễm, trong đó 4.635 ca tử vong do COVID-19.     

Quan ngại tình hình dịch bệnh, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua hai dự luật quy định các hình phạt đối với các tổ chức và cá nhân không tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch cũng như bệnh truyền nhiễm khác. Theo đó, thống đốc các tỉnh, thành sẽ được phép yêu cầu các cơ sở kinh doanh rút ngắn thời gian hoạt động và sau đó có thể ra lệnh nếu yêu cầu  bị từ chối mà không có lý do chính đáng.

Chủ cơ sở kinh doanh không tuân thủ sẽ bị phạt 300.000 yen (khoảng 2.900 USD) trong tình huống chưa ban bố tình trạng khẩn cấp và tới 500.000 yen khi tình trạng khẩn cấp đã được ban bố. Nếu chủ cơ sở kinh doanh không cho phép chính quyền thanh tra tại hiện trường, họ có thể bị phạt 200.000 yen. Những bệnh nhân COVID-19 từ chối nhập viện sẽ bị phạt tiền tới 1 triệu yen hoặc phạt tù lên đến 1 năm. Các biện pháp trên được thông qua trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại nước này tăng thêm lần lượt là 5.668 ca và 94 ca, trong khi số bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch vẫn ở mức 1.044 người.  

Chú thích ảnh
Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 trên xe buýt tại Bangkok, Thái Lan, ngày 5/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Còn ở Đông Nam Á, số ca nhiễm mới tại một số nước trong đó có Indonesia và Philippines vẫn tăng cao. Cụ thể, trong 24 giờ qua, Indonesia đã có thêm 13.632 ca nhiễm mới và 250 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 965.283 ca và 27.453 ca. Trong những tuần gần đây, số ca mắc mới và tử vong tại Indonesia liên tục tăng cao, làm dấy lên quan ngại các bệnh viện của nước này có thể quá tải và sụp đổ trong những ngày tới.

Thống kê cho thấy, số giường điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện hiện đã chiếm tới 87% công suất, trong khi số giường tại khoa hồi sức tích cực chiếm 82%. Trước tình hình trên, Bộ Y tế Indonesia yêu cầu các bệnh viện trên khắp cả nước chuyển đổi 40% năng lực dịch vụ y tế, nhất là các phòng khoa nội trú, sang điều trị bệnh nhân COVID-19.   

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 2.178 ca nhiễm mới, đưa tổng số ca nhiễm tại quốc gia Đông Nam Á này lên 509.887 ca, trong đó có 10.136 trường hợp không qua khỏi.        

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Thái Lan cho biết nước này đã ghi nhận thêm 309 ca nhiễm mới, chủ yếu thông qua việc chủ động xét nghiệm. Trong số các ca nhiễm mới, có 297 ca là lây nhiễm trong nước, và 12 ca trở về từ nước ngoài. Tính đến nay, Thái Lan có tổng cộng 13.104 ca nhiễm, trong đó có 71 ca tử vong do COVID-19. Do số ca nhiễm tại thủ đô đã giảm đi, giới chức Bangkok đã cho phép một số doanh nghiệp mở lại từ ngày 22/1, bao gồm các trung tâm giải trí, cơ sở làm đẹp, các phòng tập.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Barcelona, Tây Ban Nha, ngày 12/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhiều nước tại châu Âu cũng vẫn ghi nhận tình hình dịch bệnh phức tạp. Tây Ban Nha thông báo có thêm 44.357 ca mắc COVID-19 - mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, đưa tổng số ca bệnh trên cả nước lên 2.456.675 ca. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình tại Tây Ban Nha trong 14 ngày qua đã tăng lên 795 ca/100.000 người, gấp hơn 3 lần tỷ lệ lây nhiễm (250 ca/100.000 người) mà Bộ Y tế nước này cho là "mức cực kỳ nguy hiểm".   

Trong khi đó, số ca nhiễm mới tại Anh cũng lên tới  37.892 ca, đưa tổng số ca bệnh trên cả nước lên hơn 3,5 triệu ca, trong đó 94.580 ca tử vong. Nhằm kiểm soát dịch bệnh, Bộ trưởng Y tế Anh Priti Patel cho biết sẽ nâng mức phạt và bổ sung đối tượng bị phạt do vi phạm lệnh phong tỏa được áp dụng để ngăn chặn dịch COVID-19. Theo đó, cảnh sát vùng England sẽ tăng gấp đôi mức phạt, lên tới 6.400 bảng Anh (khoảng 8.755 USD) đối với những người vi phạm. Mức phạt trên, dự kiến có hiệu lực vào tuần tới, áp dụng với những người tham gia các buổi tiệc và các buổi tụ họp đông người. Những người bị bắt gặp tham gia tiệc có hơn 15 người tham dự sẽ bị phạt lần đầu ở mức 800 bảng và phạt tối đa 6.400 bảng nếu tái phạm. Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã buộc lễ hội âm nhạc Glastonbury nổi tiếng của Anh phải hủy năm thứ hai liên tiếp.       

Tại Pháp, số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là gần 23.000 ca.  Bộ trưởng Y tế Olivier Veran nhấn mạnh chính phủ đang chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn dịch bệnh sau khi sự lây lan biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh buộc nhiều quốc gia châu Âu phải áp đặt lệnh phong tỏa. Theo ông Veran, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn sẽ được thực thi nếu biến thể này tiếp tục lây lan.       

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Essen, Đức, ngày 18/1/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong khi đó, số ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ Anh gia tăng tại Đan Mạch. Số liệu do Viện State Serum của Đan Mạch công bố cho thấy trong tuần thứ hai của tháng 1/2021, trong số các mẫu xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 có 7% liên quan đến biến thể mới. Tỷ lệ này tăng so với mức 4,1% của tuần đầu tiên của tháng 1 và mức 2,4% trong tuần cuối cùng của tháng 12/2020. Kể từ giữa tháng 11/2020 đến nay, Đan Mạch phát hiện tổng cộng 464 trường hợp nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2.       

Số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Bồ Đào Nha cũng tăng thêm 234 người. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp, số ca tử vong tại nước này ở mức cao chưa từng thấy. Hiện số ca nhiễm và tử vong do COVID-19 tại nước này lần lượt là 609.136 và 9.920.       

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến lãnh đạo 27 nước Liên minh châu Âu (EU) thống nhất tăng tốc chiến dịch tiêm chủng, công nhận lẫn nhau kết quả xét nghiệm và xem xét hạn chế hoạt động di chuyển không cần thiết qua biên giới. Phát biểu sau hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nhận định biên giới nội khối EU phải được mở, vận chuyển hàng hóa sẽ được tiếp tục nhưng cần phải xem xét hạn chế các hoạt động di chuyển không thiết yếu.       

Đáng chú ý, Quốc hội Hà Lan đã thông qua lệnh giới nghiêm do Thủ tướng Mark Rutte đề xuất. Đây là lần đầu tiên Hà Lan ban bố lệnh giới nghiêm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Theo đó, biện pháp này được thực hiện từ 19h tối hôm trước đến 4h30 sáng hôm sau, hiệu lực từ ngày 23/1 cho đến ít nhất tới ngày 19/2 tới. Những người vi phạm sẽ chịu mức phạt 95 euro (115 USD).  Theo Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, biện pháp này là cần thiết nhằm  giảm số ca lây nhiễm mới trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh có khả năng lây lan nhanh hơn.  

Phát biểu tại cuộc họp bất thường của Nhóm Chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch (SAGE) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo số ca bệnh trên toàn cầu có thể tăng lên mức 100 triệu người vào cuối tháng này, song cho rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể giúp kiểm soát dịch bệnh. Hiện chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang được triển khai ở hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ông Tedros nhấn mạnh các nước trên thế giới cần phối hợp cùng nhau nhằm bảo đảm việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 một cách nhanh chóng và công bằng.   

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) cũng kêu gọi hợp tác toàn cầu trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 và hối thúc cộng đồng quốc tế cùng phản đối việc chính trị hóa vấn đề này.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm