Dịch COVID-19 ngày 27/11: Thế giới có 61,4 triệu ca bệnh và 1,44 triệu ca tử vong

27/11/2020 22:46 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 26/11 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận hơn 61,4 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1,44 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là hơn 42,5 triệu người.

Dịch COVID-19: Vaccine Sputnik V sản xuất tại Ấn Độ

Dịch COVID-19: Vaccine Sputnik V sản xuất tại Ấn Độ

Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) và công ty dược phẩm hàng đầu của Ấn Độ Hetero đã nhất trí mỗi năm sản xuất hơn 100 triệu liều vaccine Sputnik V phòng bệnh COVID-19 tại quốc gia Nam Á này. Thông tin trên được công bố ngày 27/11 tại tài khoản Sputnik V trên Twitter.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 269.650 ca tử vong trong tổng số 13.256.634 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 135.852 ca tử vong trong số 9.320.130 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 171.497 ca tử vong trong số 6.204.570 bệnh nhân.

Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại châu Âu. Trong 24 giờ qua, Nga và Ukraine tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao chưa từng thấy, lần lượt là 27.453 ca và 16.218 ca. Liên tiếp trong 2 ngày qua, Nga và Ukraine đều ghi nhận số ca mắc mới ở mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca mắc và tử vong do COVID-19 tại Nga lần lượt là 2.215.533 người và 38.558 người, trong khi con số này tại Ukraine là 693.407 và 11.909. 

Tại Đức, số ca mắc COVID-19 đã vượt 1 triệu người, lên mức 1.006.394 người, trong đó có 15.586 trường hợp không qua khỏi. Mặc dù chính phủ liên bang và chính quyền các bang vừa nhất trí nới lỏng các hạn chế phòng chống dịch trong dịp đón Giáng sinh và Năm mới, chính quyền bang Berlin dự kiến giữ nguyên các hạn chế tiếp xúc đang có hiệu lực, kể cả vào các dịp lễ cuối năm. Thị trưởng Berlin Michael Müller cho biết các hạn chế về tiếp xúc (chỉ cho phép tối đa 5 người) sẽ được áp dụng ở Berlin từ ngày 1/12 và sẽ được duy trì kể cả trong các ngày nghỉ lễ cuối năm.

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson cảnh báo nước này sẽ phải đối mặt với một mùa Đông khó khăn do dịch COVID-19, khi thời tiết lạnh tạo thuận lợi cho virus phát triển và làm gia tăng gánh nặng lên Cơ quan Y tế quốc gia Anh (NHS). Ông kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt, đồng thời cho biết các nỗ lực làm chậm tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 đã giúp dịch vụ y tế của NHS tránh rơi vào tình trạng quá tải. Thủ tướng Anh cũng lạc quan rằng trước mùa Xuân, hoạt động xét nghiệm cùng với tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ giúp chấm dứt giai đoạn áp dụng nhiều hạn chế hiện nay.

Trong ảnh: Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia ngày 23/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Pháp đang có tín hiệu tích cực. Theo Thủ tướng Pháp Jean Castex, áp lực dịch COVID-19 đang giảm dần tại nước này so với các quốc gia châu Âu khác. Theo đó, tỷ lệ lây nhiễm ở Pháp hiện là 0,65, tương đương mức mà nước này đã ghi nhận giữa tháng 5 vừa qua sau 3 tháng thực hiện các biện pháp siết chặt để phòng dịch. Thống kê cho thấy ngày 26/11, Pháp ghi nhận 13.563 ca mắc mới, giảm hơn 2.700 ca so với ngày trước đó. Số trường hợp nhập viện cũng giảm 662 xuống 29.310 ca, đồng thời số bệnh nhân phải điều trị tích cực cũng có chiều hướng giảm. Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 28/11, các biện pháp nới lỏng tại Pháp sẽ bắt đầu có hiệu lực. 

Tình hình dịch bệnh phức tạp, số ca lây nhiễm không ngừng tăng khiến mùa Đông năm nay khắc nghiệt hơn với nhiều nước châu Âu. Dịp nghỉ lễ cuối năm cũng vì thế mà ảm đạm hơn so với bình thường.

Tại châu Á, nhiều nước đang ghi nhận số ca nhiễm mới tăng cao, thậm chí lên mức cao nhất từ trước tới nay, trong đó có Indonesia và Iran. Thông báo của Bộ Y tế Indonesia cho thấy số ca mắc mới và tử vong trong ngày tại nước này tăng cao chưa từng thấy, với 5.828 ca mắc và 169 ca tử vong. Như vậy, cho đến nay, Indonesia đã phát hiện tổng cộng 522.581 người mắc COVID-19, trong đó có 16.521 trường hợp tử vong. Hiện nước này có số ca mắc và tử vong cao nhất tại Đông Nam Á. Cũng trong 24 giờ qua, Iran ghi nhận thêm tới 14.051 trường hợp mắc bệnh, đưa tổng số ca mắc tại nước này lên 922.397, trong đó có 47.095 trường hợp tử vong. 

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Banten, Indonesia ngày 11/11/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Nhật Bản cũng đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng cao trở lại. Ngày 27/11, chính quyền Tokyo thông báo có thêm 570 ca mắc - mức tăng trong một ngày cao nhất từ trước đến nay, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại thủ đô Tokyo trong tháng này tính đến nay lên 8.567 ca, cao hơn tổng số 8.125 ca mắc ghi nhận trong tháng 8. Hiện tổng số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản là hơn 137.000 ca, trong đó 2.000 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến Cơ quan Nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA) thông báo quyết định hủy sự kiện chào mừng năm mới ở Hoàng cung.

Đây là lần đầu tiên sự kiện này bị hủy bỏ kể từ năm 1990 khi Nhật Bản để tang Nhật hoàng Hirohito, ông nội của Nhật hoàng Naruhito. Bên cạnh đó, nhà chức trách có thể xem xét ban bố tình trạng khẩn cấp ở những khu vực mà dịch bệnh đang bùng phát mạnh nếu nhóm chuyên gia cố vấn của chính phủ nâng mức cảnh báo ở những khu vực này lên mức cao nhất. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục Koichi Hagiuda cho biết ông không tính đến việc yêu cầu các trường học phải đóng cửa, ngay cả trong trường hợp chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp lần thứ hai. Hiện bộ này đang lên kế hoạch tổ chức các kỳ thi tuyển đầu vào đại học theo đúng kế hoạch vào tháng 1/2021, nhưng sẽ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh triệt để.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Memmingen, miền nam nước Đức, ngày 5/11/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Mặc dù chưa công bố ca mắc nào, song Triều Tiên đã cấm người và phương tiện ra vào thủ đô Bình Nhưỡng, đồng thời phong tỏa các thành phố nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Theo đó, Triều Tiên đã đóng mọi cửa ngõ của thủ đô Bình Nhưỡng từ ngày 20/11 vừa qua. Thành phố Hyesan giáp giới Trung Quốc bị phong tỏa kể từ ngày 1/11, tiếp đến là thành phố Nampo - nơi có cảng biển lớn nhất của Triều Tiên, bị phong tỏa vào ngày 6/11.

Hàn Quốc cũng ghi nhận số ca nhiễm vượt ngưỡng 500 ngày thứ 2 liên tiếp. Khác với hai đợt lây nhiễm trước, làn sóng lây nhiễm mới lần này tập trung chủ yếu ở khu vực thủ đô Seoul và các địa phương lân cận với quy mô tương đương làn sóng lây nhiễm đầu tiên. Do đó, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Đối phó thảm họa và An toàn, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cảnh báo khả năng dịch COVID-19 sẽ tái bùng phát trên toàn quốc, đồng thời nêu rõ nếu không ngăn chặn xu hướng này ngay lập tức, những lo ngại của các chuyên gia y tế về nguy cơ số ca nhiễm mới hằng ngày vượt ngưỡng 1.000 rất có thể sẽ trở thành hiện thực.

Hiện vaccine vẫn được coi là phương pháp hữu hiệu nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, do đó, các nước đều đang lên kế hoạch mua vaccine phòng bệnh, cũng như chuẩn bị sẵn sàng tiêm phòng cho người dân. Theo đó, Thái Lan và Philippines đã đặt bút ký thỏa thuận với hãng dược phẩm liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca để mua vaccine ngừa COVID-19 do hãng này bào chế. Đây là lần đầu tiên Thái Lan và Philippines ký thỏa thuận mua vaccine ngừa COVID-19. Theo thỏa thuận, Thái Lan sẽ mua 26 triệu liều vaccine, còn Philippines sẽ mua 2,6 triệu liều.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thông báo việc phân phối vaccine ngừa COVID-19 sẽ bắt đầu được tiến hành trong tuần tới và tuần kế tiếp, ưu tiên cho những nhân viên tuyến đầu, các nhân viên y tế và người cao tuổi. 

Anh đã yêu cầu Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) thẩm định về vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của công ty AstraZeneca trước khi đưa ra quyết định về cấp phép lưu hành sản phẩm này. Đây là loại vaccine vừa kết thúc giai đoạn thử nghiệm sau cùng và được đánh giá đạt hiệu quả ngăn ngừa COVID-19 lên tới 90%. Trước đó, AstraZeneca thông báo cần tiến hành thử nghiệm bổ sung đối với vaccine do hãng sản xuất, tuy nhiên hoạt động này không ảnh hưởng đến quy trình thẩm định cấp phép sản phẩm vaccine của hãng.

Ngọc Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm