29/07/2020 22:40 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 29/7, thế giới đã ghi nhận 16.956.288 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 664.602 ca tử vong. Số ca nhiễm tại Mỹ nhiều nhất, chiếm 1/4 số ca toàn thế giới (4.500.130 ca), trong khi số ca nhiễm tại Mexico tương đương 1/2 tại Mỹ (2.484.649 ca), đứng thứ hai thế giới.
Khu vực Bắc Mỹ hiện ghi nhận 5.280.562 ca nhiễm, trong đó có 212.644 ca tử vong, là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 1.592 ca tử vong, mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi qua, nâng tổng số ca tử vong lên 148.488 ca. Mỹ có 4 bang miền Nam và Tây, gồm Arkansas, Florida, Montana và Oregon, ghi nhận số ca tử vong tăng ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Số ca nhiễm ở bang Florida, vốn chủ yếu dựa vào du lịch để phát triển kinh tế, đã tăng trở lại sau khi chính quyền bang này hồi tháng 5-6 nỗ lực vực dậy ngành "công nghiệp không khói" khi tình hình dịch có dấu hiệu lắng dịu.
Hiện Florida có số ca nhiễm cao thứ hai ở Mỹ, chỉ sau bang California với 441.997 ca - tăng 9.230 ca trong 24 giờ qua. Trong khi đó, số ca nhiễm ở bang Texas đã vượt ngưỡng 400.000 ca, cụ thể đang là 401.477 ca. Như vậy, Mỹ hiện có 4 bang có số ca nhiễm trên mức này, gồm Texas, California, Florida và New York. Đây là 4 bang đông dân nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, bang Texas và California ghi nhận điểm sáng khi số ca nhập viện do COVID-19 đang có chiều hướng giảm.
Châu Á là khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới, với hơn 4 triệu ca, trong đó hơn 93.400 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại khu vực này đang "nóng" trở lại. Tại Đông Nam Á, Indonesia và Philippines ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Cụ thể, Indonesia ngày 29/7 thông báo có thêm 2.381 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 104.432 ca. Thủ đô Jakarta ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất cả nước với 577 ca, trong khi số ca tử vong cũng tăng thêm 74 ca lên tổng cộng 4.975 ca.
Trong khi đó, số ca mắc bệnh tại Philippines cũng tăng lên 85.486 ca, sau khi ghi nhận thêm 1.874 ca mới trong ngày 29/7. Tại Thái Lan, chính phủ đã quyết định gia hạn tình trạng khẩn cấp đến cuối tháng 8 tới để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan, mặc dù hơn 2 tháng qua quốc gia này không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng. Hiện Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.298 ca nhiễm, trong đó có 58 ca tử vong.
Tương tự, Campuchia cũng tăng cường các biện pháp phòng dịch trước dịp nghỉ bù Tết Khmer. Bộ trưởng Nội vụ Sar Kheng chỉ đạo các tỉnh thành trên cả nước chuẩn bị các biện pháp phòng dịch trước thời điểm nghỉ bù cho lễ đón năm mới Khmer, từ ngày 17-21/8 tới. Các biện pháp này bao gồm các khách sạn, nhà nghỉ, siêu thị và chủ nhà hàng phải chuẩn bị dung dịch rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt khách hàng, đảm bảo thực hiện các quy định giãn cách xã hội, yêu cầu người dân tránh tụ tập và tìm những nơi thông thoáng nếu có nhu cầu đi lại, tránh các hoạt động có nguy cơ lây nhiễm cao như múa hát truyền thống mà không đảm bảo giãn cách xã hội. Đến nay, Campuchia ghi nhận 233 ca nhiễm, chưa có ca tử vong.
Tại Đông Bắc Á, Nhật Bản ngày 29/7 lần đầu tiên ghi nhận số ca nhiễm mới trong một ngày vượt 1.000 ca kể từ khi dịch bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 vừa qua. Diễn biến này làm dấy lên quan ngại về sự lan rộng của dịch bệnh ở các địa phương khác ngoài thủ đô Tokyo. Hiện thủ đô Tokyo vẫn tiếp tục là "điểm nóng" của dịch COVID-19, với 250 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, giảm 16 ca so với một ngày trước đó. Chính quyền thủ đô đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao nhất. Đến nay, Nhật Bản đã ghi nhận hơn 34.000 ca nhiễm trên cả nước, trong đó có hơn 1.000 người tử vong.
Cùng ngày, nhà chức trách y tế Trung Quốc thông báo đã ghi nhận 101 ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục, trong đó có 98 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 3 ca nhập cảnh. Tính đến nay, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 84.060 ca nhiễm, trong đó 4.634 ca tử vong. Trong khi đó, chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo ghi nhận thêm 118 ca nhiễm mới, đưa tổng số trường hợp mắc bệnh tại đây lên 3.002 ca.
Theo quyết định mới nhất của chính quyền Hong Kong, từ ngày 29/7, toàn bộ cư dân sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất. Cụ thể, người dân Hong Kong bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi, cấm mọi hình thức tụ tập từ 2 người trở lên (nếu không phải người trong cùng gia đình) tại nơi công cộng và người vi phạm sẽ bị phạt tới 5.000 dollar Hong Kong (625 USD).
Khu vực Nam Mỹ hiện ghi nhận 3.856.744 ca nhiễm, trong đó có 137.361 ca tử vong. Colombia đã quyết định gia hạn các biện pháp cách ly xã hội đến ngày 30/8 tới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch. Đây là lần thứ 8, chính phủ quốc gia Nam Mỹ này kéo dài biện pháp cách ly xã hội được áp dụng lần đầu vào ngày 25/3. Trước đó, thủ đô Bogota đã áp dụng biện pháp giãn cách xã hội quyết liệt đối với một số khu phố nhất định trong thời gian hai tuần, với việc mỗi hộ gia đình chỉ có 1 người được phép mua sắm trong khu phố để có nhu yếu phẩm mỗi ngày. Thời gian đầu tiên áp dụng đã kết thúc và chính quyền sẽ tiếp tục triển khai biện pháp này tại các khu vực khác trong thành phố. Tính đến thời điểm hiện tại, Colombia đã ghi nhận 267.385 ca nhiễm, trong đó có 9.074 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực đứng thứ 5, với 2.824.995 ca nhiễm, trong đó có 202.346 ca tử vong. Tại Pháp, mối đe dọa bùng phát làn sóng lây lan dịch thứ hai vẫn hiện hữu, mặc dù số ca bệnh phát hiện trong ngày 28/7 ở mức 725 ca, dưới mức trung bình 924 ca/ngày ghi nhận trong tuần vừa qua. Nhà chức trách Pháp cảnh báo nguy cơ dịch bệnh vẫn còn, đồng thời cho biết tỷ lệ lây nhiễm duy trì ở mức 1,3 (tức 100 người mắc bệnh có thể lây nhiễm cho 130 người khác). Tại Bồ Đào Nha, đeo khẩu trang ở nơi công cộng sẽ là quy định bắt buộc mọi lúc, mọi nơi trên hòn đảo Madeira nổi tiếng của nước này kể từ ngày 1/8 tới. Đảo Madeira cũng là khu vực đầu tiên tại Bồ Đào Nha áp dụng quy định phòng dịch này. Khẩu trang cũng là một vật thiết yếu đối với người dân ở thành phố Ostend (miền Bắc nước Bỉ) trong mùa Hè này, ngay cả khi họ đi dạo một mình bên bờ biển.
Chính quyền thành phố đã yêu cầu người dân luôn đeo khẩu trang từ ngày 25/7, nếu không sẽ bị phạt tiền. Bỉ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên tại châu Âu. Nước này hiện vẫn dẫn đầu về số người tử vong do COVID-19 nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Sau khi các hạn chế xã hội dần được dỡ bỏ, số các ca nhiễm tại tăng lên đáng kể trong 3 tuần qua, khiến dư luận lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai. Ngoài quy định bắt buộc đeo khẩu trang, các nhà hàng, quán bar và quán cà phê ở Bỉ được yêu cầu phải thu thập thông tin cá nhân của các khách ghé thăm, để dễ dàng truy vết trong trường hợp có người bị mắc COVID-19.
Để tăng cường ngăn chặn dịch, Nhật Bản đã triển khai phương pháp xét nghiệm kháng thể tại sân bay. Kể từ ngày 29/7, chính phủ nước này triển khai xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp kháng thể sử dụng mẫu nước bọt đối với những người nhập cảnh. Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Kato Katsunobu cho biết phương pháp xét nghiệm mới sẽ rút ngắn thời gian, nâng cao năng lực xét nghiệm tại sân bay, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. Theo ông, trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực để khôi phục hoạt động đi lại quốc tế, kể từ tháng 9, năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 tại các sân bay của nước này sẽ được nâng lên mức 10.000 mẫu/ngày. Việc áp dụng các phương pháp xét nghiệm mới sẽ góp phần giải quyết vấn đề khôi phục hoạt động kinh tế đồng thời kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19.
Tương tự, sân bay Heathrow của Anh đã đề xuất giải pháp thay thế cách ly tại sân bay, theo đó kêu gọi chính phủ nước này lập một chương trình kiểm tra y tế cho du khách. Giám đốc điều hành sân bay Heathrow, ông John Holland-Kaye cho biết: "Anh cần một cơ chế kiểm tra y tế cho hành khách và phải thật nhanh". Ông nhấn mạnh: "Kiểm tra y tế là cách để mở cửa an toàn cho du lịch và thương mại cho những thị trường lớn nhất của Anh hiện đang bị đóng". Tuy nhiên, lập luận cho quyết định cách ly toàn bộ du khách đến từ Tây Ban Nha sau đợt gia tăng ca nhiễm mới tại nước này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo cần hành động "mau lẹ và quyết liệt" khi châu Âu đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm thứ hai. Nhà chức trách lo ngại rằng hệ thống kiểm tra y tế tại sân bay sẽ bỏ sót những người đã nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng.
Một tin vui trong ngày hôm nay, thêm một công ty thử nghiệm thành công vaccine phòng virus SARS-CoV-2 trên khỉ. Đó là vaccine mRNA-1273 của nhà sản xuất thuốc Moderna (Mỹ). Vaccine này đã kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mạnh khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể và ngăn chặn virus tự nhân bản trong mũi và phổi của khỉ thí nghiệm. Kết quả cho thấy, tất cả khỉ thí nghiệm được tiêm vaccine đều sản sinh ra lượng kháng thể trung hòa ở mức cao, nhờ đó có thể tấn công protein gai mà virus SARS-CoV-2 dùng để tấn công các tế bào trong cơ thể. Đáng chú ý, lượng kháng thể sản sinh trong cơ thể khỉ được tiêm vaccine cao hơn lượng kháng thể ở những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục. Theo các nhà nghiên cứu, việc vaccine ngăn chặn virus nhân bản ở phổi sẽ giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh phát triển nặng hơn, trong khi ngăn chặn virus trong mũi sẽ giúp giảm nguy cơ truyền bệnh. Hiện vaccine mRNA-1273 đang bắt đầu giai đoạn 3 thử nghiệm phòng COVID-19 ở người với sự tham gia của 30.000 tình nguyện viên tại Mỹ.
Trong một diễn biến khác, Anh đã ký thỏa thuận mua 60 triệu liều vaccine phòng COVID-19 do hai tập đoàn dược phẩm Sanofi và GlaxoSmithKline nghiên cứu và phát triển. Đây là thỏa thuận thứ 4 về vaccine phòng COVID-19 mà Chính phủ Anh đã ký kết tính tới thời điểm này. Sanofi và GlaxoSmithKline - vừa bắt đầu hợp tác nghiên cứu vaccine từ tháng 4 vừa qua, xác nhận rằng loại vaccine mà họ đang phối hợp phát triển có thể sẽ được phê chuẩn để lưu hành trong nửa đầu năm 2021, nếu có những tín hiệu tích cực trong các kết quả thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ Anh đã sớm thúc đẩy các thỏa thuận mua vaccine phòng chống COVID-19, nhằm đảm bảo nguồn cung sớm nhất cho các loại vaccine tiềm năng. Hồi tuần trước, Anh cũng đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine do BioNTech/Pfizer đang thử nghiệm và một thỏa thuận về nguyên tắc đối với 60 triệu liều vaccine của tập đoàn Valneva. Trước đó, nước này cũng đã thông báo về thỏa thuận với AstraZeneca để sản xuất 100 triệu liều vaccine tiềm năng, do tập đoàn này phối hợp phát triển cùng Đại học Oxford.
Hiện thế giới chưa có loại vaccine hay thuốc nào có thể phòng ngừa và điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 - căn bệnh hiện đã cướp đi sinh mạng của hơn 663.000 người và gây thiệt hại rất lớn đối với kinh tế trên toàn thế giới.
Trong khi đó, tại Ấn Độ, công ty dược phẩm Hetero Labs Ltd ngày 29/7 thông báo đã được cấp phép bán thuốc Favipiravir kháng virus do công ty này sản xuất để điều trị bệnh COVID-19. Loại thuốc trên sẽ được sử dụng để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa. Thuốc sẽ có bán tại các cửa hàng dược phẩm kể từ ngày 29/7.
Cơ quan Y tế Canada cũng vừa ra thông báo cho phép sử dụng có điều kiện thuốc Remdesivir, có tên thương mại là Veklury, do công ty dược phẩm Gilead Sciences Canada, Inc. sản xuất, để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 với triệu chứng nặng. Đây là loại thuốc đầu tiên được Cơ quan y tế Canada cấp phép sử dụng trong điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Remdesivir được cho phép sử dụng đối với người lớn và trẻ vị thành niên từ 12 tuổi trở lên với cân nặng ít nhất 40 kg, tuy nhiên chỉ được sử dụng tại các cơ sở y tế, nơi sức khỏe người bệnh được theo dõi chặt chẽ. Cơ quan Y tế Canada khẳng định sẽ tiếp tục giám sát độ an toàn của thuốc Remdesivir và sẽ hành động nếu phát hiện thuốc trên không đảm bảo an toàn cho người bệnh. Remdesivir đã được Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản cấp phép sử dụng có điều kiện hoặc trong trường hợp cấp cứu.
Bích Liên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất