Dịch COVID-19 ngày 5/10: Thế giới có hơn 35,47 triệu ca bệnh, 1.042.990 ca tử vong

05/10/2020 22:54 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 35,47 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.042.990 ca tử vong. Hơn 26,68 triệu bệnh nhân COVID-19 đã phục hồi trong khi còn hơn 7,74 triệu bệnh nhân đang điều trị trong đó có khoảng 1% trong tình trạng bệnh nặng hoặc nguy kịch.

WHO: Dịch COVID-19 làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần 

WHO: Dịch COVID-19 làm gián đoạn dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần 

Ngày 5/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch vụ chăm sóc người bệnh tâm thần và bệnh nhân lạm dụng chất gây nghiện đã bị gián đoạn trên toàn thế giới trong thời gian diễn ra dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Tại châu Á, số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở Hàn Quốc trong 5 ngày qua ghi nhận ở mức dưới 100, song vẫn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các ca mắc mới sau kỳ nghỉ lễ Trung Thu (Chuseok) kéo dài vừa qua. Ngày 5/10 Hàn Quốc ghi nhận thêm 73 ca mắc COVID-19 (bao gồm 64 ca lây nhiễm trong nước), nâng tổng số ca bệnh ở Hàn Quốc lên 24.091 ca. Hiện Hàn Quốc vẫn còn 107 bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và đã có 416 người tử vong (tăng 1 ca).

Mặc dù số ca mắc COVID-19 hằng ngày đã giảm mạnh trong kỳ nghỉ lễ Trung Thu vừa qua song giới chức vẫn khuyến cáo cần cảnh giác trước khả năng gia tăng các ca mắc mới.  Số bệnh nhân không xác định được nguồn lây nhiễm virus đang khiến cuộc chiến chống COVID-19 ở Hàn Quốc trở nên khó khăn hơn. Trong hai tuần qua, tỷ lệ lây nhiễm không rõ nguồn gốc là 18,4% và tỷ lệ lây nhiễm cụm là 26,6%, trong đó phải kể đến các ổ lây nhiễm ở một trường trung học nghệ thuật ở phía Tây thủ đô Seoul với 7 ca nhiễm mới. Ngoài ra, một căn cứ quân sự ở thành phố Pocheon, phía Bắc thủ đô Seoul, cũng ghi nhận thêm 36 ca mắc COVID-19, làm dấy lên lo ngại về một đợt lây nhiễm lớn.

Cùng ngày, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo ghi nhận thêm 20 ca mắc mới COVID-19 tại Trung Quốc đại lục trong ngày 4/10, tất cả đều là ca nhập cảnh. Không có thêm ca tử vong nào do COVID-19. Như vậy, tính đến hết ngày 4/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.470 ca mắc COVID-19, trong đó 208 ca đang được điều trị. Số ca bình phục là 80.628 ca.

Tại Đông Nam Á, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo tự cách ly trong vòng 14 ngày sau khi Bộ trưởng Các vấn đề tôn giáo Zulkifli Mohamad Al-Bakri có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, việc các ly sẽ không ảnh hưởng tới công việc điều hành chính phủ, do ông sẽ tiếp tục làm việc ở nhà và họp trực tuyến trong trường hợp cần thiết. 

Tuần trước, số ca mắc COVID-19 tại Malaysia đã tăng cao trở lại, liên tục ở mức cao nhất trong 1 ngày, sau cuộc bầu cử ở bang Sabah vào ngày 26/9. Nhà chức trách Malaysia cảnh báo có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế nếu số ca mắc tiếp tục tăng. Trong 24 giờ qua, Malaysia đã ghi nhận thêm 432 ca mắc COVID-19. Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Malaysia là 12.831 ca, trong đó số ca xuất viện là 10.340, chiếm 80,7% và số tử vong là 137, chiếm 1,07%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/8/2020. Ảnh: AFP/ TTXVN

Philippines đã mở cửa trở lại các trường học công và là nước cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á mở cửa trở lại trường học. Ban đầu, quốc gia Đông Nam Á này dự kiến nối lại hoạt động dạy, học vào ngày 1/6 song đã phải hoãn lại kế hoạch này. Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm tại Philippines đã tăng thêm 2.291 lên 324.726 ca, trong khi số người tử vong tăng 64 lên 5.840 ca. Vùng thủ đô Manila vẫn là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Indonesia đã ghi nhận thêm 3.622 ca mắc COVID-19 và 102 người tử vong, đưa tổng số trường hợp mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lên lần lượt là 307.120 và 11.253.

Trong khi đó, dù đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, giới chức Singapore ngày 5/10 cho biết nước này sẽ không hạ cảnh báo ở mức Cam hiện nay cho tới khi thế giới an toàn trước đại dịch COVID-19. Singapore đã nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức Cam từ ngày 7/2. Cảnh báo Cam là mức nguy hiểm thứ 3 trong thang cảnh báo 4 cấp độ (Xanh-Vàng-Cam-Đỏ) tại Singapore khi dịch bệnh ở mức độ nghiêm trọng, dễ dàng lây từ người sang người, song không lan rộng và có thể kiểm soát được. Mức cảnh báo này sẽ gây ra nhiều gián đoạn tới cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như các biện pháp giãn cách xã hội, đo thân nhiệt, cách ly bắt buộc và hạn chế người thăm tại các bệnh viện. Dù duy trì cảnh giác nhưng Singapore dự kiến sẽ nới lỏng một số biện pháp kiểm soát, trong đó có việc hạn chế tụ tập theo nhóm không quá 5 người, các sự kiện tập trung như hội họp, hội thảo không quá 50 người. Hiện Chính phủ Singapore đang thực hiện cách tiếp cận cẩn trọng hướng tới mở cửa nền kinh tế giai đoạn 3, và sẽ sớm công bố kế hoạch cụ thể trong những tuần tới.

Ủy ban Vaccine quốc gia Thái Lan đang có kế hoạch dành 2,93 tỷ baht (93,4 triệu USD) để mua 66 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm tới. Dự kiến, 66 triệu liều vaccine nói trên sẽ dành cho khoảng 33 triệu người dân, tương đương 50% dân số. Tiến sĩ Nakhon Premsri, Giám đốc Viện Vaccine Quốc gia cho biết: “Chúng tôi hy vọng vaccine sẽ sẵn sàng vào năm tới, và mỗi người sẽ cần hai liều. Thỏa thuận dự trữ vaccine cho người Thái sẽ được thảo luận vào cuối tháng này”.

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern ngày 5/10 cho biết các biện pháp hạn chế chống dịch tại Auckland sẽ được dỡ bỏ trong tuần này, đồng thời bày tỏ tin tưởng một làn sóng lây nhiễm thứ hai tại thành phố này gần như đã chấm dứt. Cụ thể, Auckland sẽ được chuyển về mức cảnh báo số 1 từ 23h59 ngày 7/10 tới, giống như các địa phương khác trên cả nước, sau khi không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào trong 10 ngày liên tiếp. New Zealand, quốc gia với 5 triệu dân, dường như đã ngăn chặn lây nhiễm trong cộng đồng từ đầu năm nay sau một đợt phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt. Nhưng tháng 8 vừa qua, dịch tái bùng phát ở Auckland, với 179 người nhiễm virus, khiến Thủ tướng Ardern phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại đây. Ngày 5/10, New Zealand ghi nhận 1 ca nhiễm mới nhập cảnh từ nước ngoài. Theo đó, hiện tổng số ca nhiễm ở nước này là 1.499 ca, trong đó 25 ca tử vong.

Tại Australia, "điểm nóng" Victoria - bang đông dân thứ hai - đang nghiên cứu cách thức tăng xét nghiệm để kiểm soát sự lây lan của virus trước khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt. Ngày 5/10, số ca nhiễm mới trong ngày đã giảm xuống mức 9 ca, so với 12 ca ngày 4/10. Không có ca tử vong. Thành phố Melbourne, nơi vẫn đang áp đặt phong tỏa nghiêm ngặt trong gần 3 tháng qua, dự báo sẽ được nới lỏng các biện pháp này nếu tỷ lệ ca nhiễm mới hằng ngày trong 2 tuần giảm xuống dưới mức 5 ca. Dự báo điều này sẽ xảy ra vào cuối tháng 10. Hiện tỷ lệ này hiện là 11,6 trong ngày 5/10, giảm so với 11,9 trong ngày 4/10.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Dublin, Ireland ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại châu Âu, Đội khẩn cấp y tế công quốc gia Ireland khuyến cáo nâng các hạn chế để phòng dịch lên mức cao nhất là mức 5 tại 24 trong tổng số 25 hạt, và siết chặt các biện pháp ở mức 3 tại Dublin và Donegal. Theo mức 5, mọi người được yêu cầu ở trong nhà, trừ các hoạt động thể thao trong vòng 5km và chỉ các doanh nghiệp bán lẻ được phép mở cửa. Khác với đợt phong tỏa lần thứ nhất, các trường học sẽ phải đóng cửa. Dự kiến Nội các sẽ thảo luận đề xuất này trong ngày 5/10. Chính phủ Ireland thông qua hầu hết các khuyến nghị của lãnh đạo ngành y từ khi bùng phát dịch đến nay. Tuy nhiên, một nguồn tin cho biết việc tái áp đặt phong tỏa sẽ tác động nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. Giống hầu hết các nước châu Âu khác, Ireland đã chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng từ cuối tháng 7, sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phong tỏa được cho là nghiêm ngặt nhất châu lục. 

Tại Vương quốc Anh, một lệnh phong tỏa 3 cấp độ đang được lên kế hoạch áp dụng tại xứ England. Báo The Guardian cho biết lệnh phong tỏa mới sẽ cụ thể hóa các biện pháp nghiêm ngặt hơn, như đóng cửa các câu lạc bộ và cấm mọi tiếp xúc xã hội ngoài những người trong cùng gia đình. Theo báo trên, kế hoạch dự thảo "Khung giãn cách xã hội đề xuất phòng COVID-19" nhằm đơn giản hóa các biện pháp hạn chế đang được áp dụng tại các địa phương. Một nguồn tin chính phủ cho biết các cấp độ trong hệ thống phong tỏa mới sẽ là "các tiêu chuẩn tối thiểu" và có tính đến đặc thù của từng địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch trên chưa được Nội các thống nhất. Anh từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa toàn quốc trong suốt mùa Hè vừa qua, song nhiều khu vực, trong đó có các thành phố lớn như Manchester và Glasgow hiện đang áp dụng các biện pháp hạn chế. Thủ tướng Boris Johnson cho biết số ca mắc COVID-19 tăng mạnh hiện nay gần chạm mốc dự báo mà chính phủ đưa ra trước đó. Bởi vậy, những tuần tới sẽ là thời điểm quan trọng để kiểm chứng xem liệu các biện pháp phong tỏa cục bộ có phát huy tác dụng trong việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Tại Pháp, Paris thông báo các quán bar và quán cà phê tại thành phố này cũng như tại các vùng phụ cận sẽ phải đóng cửa trong vòng 2 tuần kể từ 6/10 nhằm ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Trong khi đó, các quán ăn vẫn sẽ được phép hoạt động với điều kiện tuân thủ các biện pháp đảm an toàn mới nghiêm ngặt hơn - sẽ được công bố cuối ngày 5/10. Paris đã vượt cả 3 tiêu chí khiến thủ đô này được đặt trong tình trạng cảnh báo cao nhất: bao gồm tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2, tình trạng lây lan ở nhóm những người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh nặng cao hơn và tỷ lệ giường bệnh trong khu điều trị tích cực tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức cao (hiện ở mức 36%).   Pháp ghi nhận gần 17.000 ca nhiễm mới riêng trong ngày 3/10, mức cao nhất kể từ khi bắt đầu mở rộng xét nghiệm virus. Tỷ lệ nhiễm tại Paris hiện là 250 ca trên 100.000 dân. Bệnh nhân COVID-19 chiếm hơn 30% số giường bệnh trong khu điều trị tích cực ở Paris. Chính phủ Pháp cho biết sẽ cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh phải áp đặt tình trạng khẩn cấp như trong làn sóng lây nhiễm thứ nhất từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho bệnh nhân tại một cơ sở y tế ở Moskva, Nga ngày 16/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga thông báo thêm 10.888 ca nhiễm mới, số ca nhiễm trong ngày cao nhất tại nước này kể từ ngày 12/5. Theo giới chức Nga, trong số các ca nhiễm mới có 3.537 ca ở thủ đô Moskva. Nga cũng ghi nhận thêm 117 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 21.475 ca trong tổng số 1.225.889 ca nhiễm.

Tại châu Mỹ, nguy cơ lây lan dịch COVID-19 tại 9 bang của Mỹ, chủ yếu ở vùng Trung Tây và miền Tây, ngày càng hiện hữu khi các bang này ghi nhận gia tăng số ca mắc mới trong tuần qua, trong bối cảnh thời tiết tại đây đang chuyển lạnh, buộc nhiều sự kiện và hoạt động phải diễn ra trong nhà. Tính riêng ngày 3/10, các bang Kentucky, Minnesota, Montana và Wisconsin đã ghi nhận số ca mắc mới tăng kỷ lục và nhiều nhất nước Mỹ với gần 49.000 ca. Tương tự, các bang Kansas, Nebraska, New Hampshire, South Dakota và Wyoming cũng ghi nhận những con số kỷ lục mới về số ca mắc COVID-19. Các quan chức y tế từ lâu  đã cảnh báo thời tiết lạnh buộc nhiều sự kiện phải diễn ra trong nhà, do đó làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm virus. Nhiệt độ cao nhất trong ngày tại khu vực thượng Trung Tây của Mỹ ở mức 10 độ C. Mỹ hiện là quốc gia chịu tác động mạnh nhất thế giới với tổng cộng hơn 7,6 triệu ca mắc và hơn 214.000 ca tử vong.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính cứ 10 người dân trên thế giới thì có 1 người có thể đã nhiễm virus SARS- CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Điều này đồng nghĩa rằng đa số người dân toàn cầu vẫn có nguy cơ mắc căn bệnh này. Giám đốc phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan, đánh giá các điểm bùng phát đang gia tăng tại nhiều khu vực ở Đông Nam Á trong khi số ca mắc và tử vong cũng đang tăng dần ở nhiều khu vực của châu Âu và Đông Địa Trung Hải. WHO cảnh báo thế giới đang bước vào một giai đoạn khó khăn khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng.

Lê Ánh - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm