Dịch Covid-19 ngày 5/3: Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất

05/03/2021 22:44 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 5/3 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 116.354.535  ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.583.824 ca tử vong. Gần 92 triệu bệnh nhân đã bình phục.

Dịch Covid-19: Thử nghiệm tiêm chủng cho tinh tinh và đười ươi tại vườn thú Mỹ

Dịch Covid-19: Thử nghiệm tiêm chủng cho tinh tinh và đười ươi tại vườn thú Mỹ

Ban quản lý vườn thú San Diego ngày 4/3 cho biết đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 4 con đười ươi và 5 con tinh tinh lùn, một sự kiện nổi bật trong lịch sử ngành thú y. Đây là lần đầu tiên trên thế giới các loài động vật linh trưởng không phải người được tiêm vaccine phòng COVID-19. 

Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất (29.527.245 ca) và số ca tử vong cao nhất (533.641ca). Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai (11.178.767 ca) nhưng nếu tính về số ca tử vong thì Brazil đứng thứ hai với 261.188 ca. 

Tại Mỹ, lần đầu tiên trong 5 tháng qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày ở mức dưới 40.000 ca. Trước đó, Mỹ đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất vào ngày 8/1 vừa qua với gần 300.000 ca. Hiện số ca nhiễm mới hằng ngày ở Mỹ đã trở lại mức như trước dịp Lễ Tạ ơn và Giáng sinh, thời điểm người dân gia tăng hoạt động đi lại và tập trung đông người bất chấp cảnh báo - được xem là nguyên nhân khiến virus SARS-CoV-2 lây lan nhanh hơn. Bên cạnh đó, số ca nhập viện và tử vong hằng ngày do dịch bệnh này cũng giảm.

Chú thích ảnh
Châu Á vẫn còn nhiều ca nhiễm

Tại châu Âu, Chính phủ Pháp đang cố gắng tránh áp đặt lệnh phong tỏa thứ ba trên toàn quốc. Theo đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa 2 ngày cuối tuần tại khu vực Pas-de-Calais, miền Nam nước này, do số ca lây nhiễm mới tăng nhanh. Đây là khu vực thứ ba tại Pháp buộc phải siết chặt kiểm soát phòng dịch. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ 8h ngày 6/3 đến 18h ngày 7/3. Trong khi lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h vẫn có hiệu lực trên cả nước.

Tại châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu lục này cho biết 21 nước ở châu Phi ghi nhận tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao hơn so với tỷ lệ trung bình 2,2% trên toàn cầu. Trong đó, 5 nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do COVID-19 gồm Sudan 6,2%, Ai Cập 5,9%, Mali và Liberia mỗi nước 4,2%, Zimbabwe 4,1%. 

Tính đến sáng 5/3, số ca mắc COVID-19 ở châu Phi đã lên tới 3.937.028 ca, trong đó có 105.001 ca tử vong. 

Tại châu Á, nhiều nước tiếp tục ghi nhận các ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó, Philippines có số ca nhiễm mới cao nhất trong 4 tháng qua với 3.045 ca; Thái Lan 79 ca, Mông Cổ  77 ca , Campuchia 23 ca, Lào 2 ca....

Tại Nhật Bản, chính phủ của Thủ tướng Suga Yoshihide đã quyết định gia hạn lệnh tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận thêm 2 tuần, tức đến ngày 21/3 tới, do tình hình dịch COVID-19 ở khu vực này chưa cải thiện như kỳ vọng. Đây là lần thứ hai liên tiếp tình trạng khẩn cấp được gia hạn ở khu vực này. Theo Thủ tướng Suga, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp ở thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận là việc làm cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sinh kế của người dân. Ông nhấn mạnh nếu có sự hợp tác của người dân, việc gia hạn tình trạng khẩn cấp sẽ giúp giảm đáng kể số ca mắc mới và giúp khống chế dịch bệnh.

Tại Hàn Quốc, chính quyền thủ đô Seoul thông báo sẽ tăng cường biện pháp phòng dịch nhằm ngăn chặn các vụ lây nhiễm tập thể trong nhóm lao động người nước ngoài.

Thành phố Seoul cho biết nhiều người nước ngoài đang trốn tránh xét nghiệm do lo ngại sẽ gặp những rắc rối trong sinh hoạt, làm ăn hay bị phát hiện việc họ sinh sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Do đó, chính quyền thành phố đã quyết định sẽ miễn phí tiền xét nghiệm, hỗ trợ toàn bộ chi phí sinh hoạt và chi phí điều trị khi lao động người nước ngoài mắc COVID-19, miễn trừ nghĩa vụ khai báo đối với người cư trú bất hợp pháp. Các nội dung này sẽ được thông báo bằng 13 thứ tiếng.

Tại Indonesia, Bộ Nội vụ nước này công bố quyết định kéo dài lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM) từ ngày 9-22/3, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng thêm 3 tỉnh bên ngoài đảo Java và Bali.

Theo Chỉ thị của Bộ Nội vụ, PPKM sẽ được áp dụng cho đến khi tình hình được cải thiện tại các địa phương liên quan trong 6 tuần liên tục. Ngoài 7 tỉnh và thành phố trên đảo Java và Bali với khoảng 150 triệu dân, PPKM lần này bổ sung thêm 3 tỉnh gồm North Sumatra, East Kalimantan và South Sulawesi. Một số hạn chế vẫn tiếp tục được áp dụng như 50% nhân viên văn phòng làm việc tại nhà, giới hạn công suất phục vụ của các nhà hàng và địa điểm thờ tự ở mức tối đa 50%, và trung tâm mua sắm phải đóng cửa vào lúc 21h00. PPKM được triển khai lần đầu tiên từ ngày 11/1/2021 và đến nay đã được gia hạn 3 lần. 

Còn Campuchia thông báo siết chặt di chuyển đến và đi từ tỉnh Preah Sihanouk, Tây Nam nước này, sau khi số ca mắc mới gia tăng liên tiếp trong những ngày qua tại đây. Theo đó, người và phương tiện không được phép ra vào tỉnh này, trừ phương tiện chở hàng hóa. Việc vận chuyển hành khách bằng xe buýt, taxi và một số phương tiện vận chuyển khác đi và đến từ tỉnh Preah Sihanouk sẽ phải tạm dừng cho đến khi có thông báo mới. Phương tiện chở hàng được phép ra vào tỉnh song chỉ được chở  tối đa 2 người.

Liên quan tới vaccine và chương trình tiêm chủng, Hàn Quốc đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của công ty dược phẩm Mỹ Pfizer Inc. trong bối cảnh nước này đang đẩy mạnh chương trình tiêm chủng. Đây là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ hai được Hàn Quốc cấp phép, sau vaccine của hãng AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất. Theo thỏa thuận giữa Pfizer và Hàn Quốc, lô vaccine của Pfizer sẽ được vận chuyển tới Hàn Quốc trong tháng 3 này. Cơ quan Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) sẽ nhóm họp để quyết định có đưa nhóm người trẻ vào diện tiêm vaccine Pfizer hay không.

Moldova đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 theo cơ chế cung cấp vaccine toàn cầu COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đứng đầu. Lô hàng đầu tiên gồm 14.400 liều vaccine đã đến Moldova tối 4/3.

Còn Đan Mạch đã phê duyệt sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca cho những người từ 65 tuổi trở lên, khi viện dẫn kết quả nghiên cứu về vaccine này ở Scotland (Vương quốc Anh), theo đó, vaccine AstraZeneca làm giảm mạnh nguy cơ nhập viện của các bệnh nhân COVID-19 và cũng ở bệnh nhân lớn tuổi. Kết quả này đã được khẳng định trên quy mô lớn.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã bắt đầu tiến trình xem xét cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V của Nga, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc thiếu nguồn cung vaccine cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Vaccine Sputnik V do Trung tâm Dịch tễ và vi sinh học Nga phát triển. Đối tác của trung tâm này là R-Pharm Germany GmbH đã nộp đơn xin cấp phép sử dụng loại vaccine nói trên. Tính đến thời điểm hiện tại, vaccine Sputnik V đã được cấp phép sử dụng tại 44 nước.

Minh Châu/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm