06/09/2020 22:31 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometer.info, cập nhật đến 21h30 ngày 6/9 theo giờ Việt Nam, toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 27.113 459 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 884.527 ca tử vong. Tổng số bệnh nhân bình phục là 19.230.075 người. Trong số 6.998.857 người đang điều trị, có 60.145 ca đang trong tình trạng nguy kịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với 6.432.209 ca mắc, trong đó có 192.864 ca tử vong.
Ngày 6/9, Ấn Độ đã vượt Brazil trở thành nước thứ hai trên thế giới, sau Mỹ về số ca mắc COVID-19. Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết với 90.632 ca mắc mới và 1.065 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua, tổng số ca mắc COVID-19 ở Ấn Độ đã tăng lên 4.113.811 ca với số ca tử vong 70.626, đồng thời đánh dấu ngày có số ca mắc nhiều nhất từ trước đến nay ở nước này.
Theo số liệu của Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ (ICMR), trong vài tuần gần đây, Ấn Độ tập trung mở rộng xét nghiệm, dẫn tới số ca mắc mới hằng ngày tăng mạnh. Tính đến hết ngày 5/9, nước này đã thực hiện 48.831.145 xét nghiệm, trong đó riêng ngày 5/9 có 1.092.654 xét nghiệm. Với số ca mắc mới liên tục gia tăng ở mức hơn 80.000 ca trong 4 ngày liên tiếp, ngày 6/9 Ấn Độ đã trở thành một trong 3 quốc gia trên thế giới ghi nhận hơn 4 triệu ca. Đứng thứ ba sau Ấn Độ là Brazil với hơn 4.123.000 ca mắc và 126.203 ca tử vong.
Trong khi đó, tại châu Phi, số ca mắc COVID-19 đã vượt qua con số 1,29 triệu. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Phi, tổng cộng đã có 1.291.724 ca mắc tại "lục địa đen", trong đó 31.056 ca tử vong trong. Tổng số ca bình phục tại châu lục này là 1.031.453.
Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 5/9 thông báo nước này đã bắt đầu chuyển viện trợ y tế tới 30 nước châu Phi nhằm đối phó với dịch bệnh COVID-19 đang lây lan nhanh tại lục địa này.
Tại châu Á, Indonesia, Philippine và Bangladesh ghi nhận số ca mắc mới vẫn tăng cao. Indonesia có thêm 3.444 ca mắc mới trong vòng một ngày, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 194.109, trong đó 8.025 ca tử vong. Philippine có thêm 2.839 ca mắc mới được ghi nhận, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 237.365, trong đó 3.875 ca tử vong. Trong khi đó, Bangladesh ghi nhận thêm 1.592 ca, nâng tổng số ca mắc lên 325.157.
Trong khi đó, Brunei ngày 6/9 ghi nhận không có thêm ca mắc mới nào, theo đó tổng số ca mắc ở nước này hiện là 145. Theo một báo cáo nghiên cứu toàn cầu, Brunei nằm trong số 50 điểm đến an toàn nhất trên thế giới trong đại dịch COVID-19.
Tại châu Âu, Pháp ghi nhận 8.550 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 317.706 ca, trong đó có 30.724 ca tử vong. Số ca mắc mới tại Pháp tăng trở lại sau khoảng thời gian kiềm chế được dịch, song chủ yếu tập trung ở người trẻ có triệu chứng nhẹ. Hơn 12 triệu trẻ em Pháp đã trở lại trường học vào ngày 1/9.
Trong khi đó, Nga ghi nhận thêm 61 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 17.759 ca. Số ca mắc tăng thêm 5.195 lên 1.025.505 ca. Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận thêm 1.673 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 278.228 ca. Trong 24 giờ qua, nước này cũng ghi nhận thêm 56 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 6.620 ca.
Liên quan các biện pháp phòng dịch, Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) cho biết đã có khoảng 96% người trưởng thành ở nước này được khảo sát cho biết họ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà để giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh. Có tới 98% người được hỏi ở Scotland cho biết họ đeo khẩu trang hoặc sử dụng các vật dụng để che mũi miệng ít nhất 1 lần khi ra ngoài tuần trước, trong khi con số này ở xứ England là 97% và xứ Wales là 73%. Cả ba vùng này đều ghi nhận gia tăng việc sử dụng khẩu trang trong hơn 2 tháng qua.
Trong khi xu hướng đeo khẩu trang để ngăn nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 đang gia tăng tại Anh, một số nước như Italy và Croatia lại chứng kiến sự phản đối của người dân đối với biện pháp này.
Ngày 5/9, khoảng 1.000 người đã xuống đường biểu tình tại trung tâm thủ đô Rome của Italy phản đối quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với trẻ em trong độ tuổi đi học cũng như việc tiêm chủng bắt buộc đối với các em. Các nhà tổ chức cuộc biểu tình, bao gồm đảng cực hữu Forza Nuova, phong trào chống vaccine và một số nhóm dân sự, chỉ trích tất cả các biện pháp đề phòng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Cùng ngày, hàng nghìn người Croatia cũng tiến hành biểu tình tại thủ đô Zagreb nhằm phản đối các biện pháp chống dịch của chính phủ, cho rằng các biện pháp này ảnh hưởng tới quyền tự do của họ, đồng thời kêu gọi không đeo khẩu trang.
Tại Australia, giới chức nước này thông báo quyết định kéo dài thêm 2 tuần lệnh phong tỏa nghiêm ngặt đối với Melbourne, thành phố lớn thứ hai của nước này, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 tuy giảm song chưa đủ để ngăn chặn một đợt bùng phát mới.
Lệnh phong tỏa kéo dài 6 tuần tại Melbourne dự kiến kết thúc vào tuần tới, song Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews thông báo biện pháp này vẫn được duy trì tới ngày 28/9. Ông Andrews cảnh báo việc vội vàng nới lỏng các biện pháp chống dịch có thể khiến virus SARS-CoV-2 bùng phát mạnh và vượt ngoài tầm kiểm soát. Theo quan chức này, các tính toán cho thấy số ca mắc mới sẽ tiếp tục duy trì trung bình 60 ca/ngày vào tuần tới, và bang này sẽ có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ ba vào giữa tháng 11 tới nếu mở cửa trở lại quá nhanh.
Phương Hoa/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất