04/05/2021 20:03 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ấn Độ đã 13 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 300.000 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mới/ngày, với tổng số ca nhiễm hiện đã vượt mốc 20 triệu ca, tăng thêm 8 triệu ca chỉ trong vòng một tháng. Làn sóng lây nhiễm dâng cao đột ngột như vậy có thể đánh sập bất cứ hệ thống y tế tân tiến nhất nào, chứ chưa nói cơ sở hạ tầng y tế mong manh ở Ấn Độ.
Nhưng Ấn Độ chao đảo vì khủng hoảng, thế giới cũng không thể bình yên, bởi "quả bom hẹn giờ" COVID-19 nằm ở một quốc gia có quy mô dân số lớn thứ hai thế giới, nền kinh tế lớn thứ sáu toàn cầu, được mệnh danh là "nhà thuốc của thế giới" và cũng là nơi xuất hiện các biến thể virus mới đáng lo ngại.
Theo các nguồn tin y tế, trong giai đoạn đỉnh dịch của làn sóng đầu tiên, các bệnh viện tại Ấn Độ chỉ có 2-3 bệnh nhân ốm nặng vì COVID-19 mỗi ngày. Nhưng giờ đây, do số lượng bệnh nhân nguy kịch quá lớn, các nhân viên y tế ở nhiều thành phố đang phải đưa ra những quyết định khó khăn và đau đớn về việc đưa bệnh nhân nào vào khu điều trị tích cực (ICU), ai được sử dụng máy thở, ai được thở bằng oxy, nếu những phương tiện đó có sẵn.
Bản thân đội ngũ nhân viên y tế và tuyến đầu chống dịch tại Ấn Độ cũng đang thiếu hụt lực lượng trầm trọng. Các bệnh viện đã không thể áp dụng chế độ làm việc 48 giờ/tuần nữa, thay vào đó các bác sĩ và y tá phải làm việc 90-120 giờ/tuần. Một bác sĩ/y tá phải căng mình đảm đương công việc của 2-3 người. Họ đã sức cùng lực kiệt và có thể suy sụp bất cứ lúc nào. Giờ đây, mỗi giây phút là một thời khắc sinh tử trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Ấn Độ.
Đây là thực tế nghiệt ngã về làn sóng lây nhiễm thứ hai đang bùng phát dữ dội ở Ấn Độ. Các ca nhiễm mới không ngừng gia tăng trong nhiều tuần, đến mức chính phủ nước này đã phải lên tiếng kêu gọi thế giới giúp đỡ, động thái đánh dấu sự thay đổi lớn về chính sách của New Delhi trong 16 năm qua, trong đó thường nhấn mạnh đến khả năng tự lực và hình ảnh cường quốc mới nổi của mình.
Mỹ mới đây đã chuyển 3 chuyến hàng viện trợ y tế khẩn cấp đến Ấn Độ và sẽ cung cấp thêm tổng lượng viện trợ cam kết lên đến hơn 100 triệu USD. Hàng loạt quốc gia khác như Anh, Pháp, Nga, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)… cũng đang gấp rút gửi viện trợ y tế để giúp Ấn Độ đẩy lùi đại dịch, trong đó bao gồm máy tạo oxy, máy thở, khẩu trang, đồ bảo hộ… Nhưng các nỗ lực mang tính tình huống như vậy đến nay dường như là chưa đủ để làm dịu quy mô bất thường của cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ, hoặc một trường hợp khẩn cấp COVID-19 tiếp theo, cho dù nó sẽ xảy ra ở đâu.
Các chuyên gia cho rằng Ấn Độ sẽ không phải là quốc gia cuối cùng chứng kiến sự gia tăng lớn về số ca mắc COVID-19. Nhiều nơi cho đến nay đã tránh được các làn sóng lây nhiễm trước đó vẫn dễ bị tổn thương. Điều đó đặc biệt đúng ở những quốc gia có thu nhập thấp, nơi tốc độ tiêm chủng và nguồn cung sẵn có thấp đến bất ngờ. Theo các chuyên gia, một đại dịch toàn cầu đòi hỏi một phản ứng phối hợp trên toàn thế giới. Ấn Độ là một ví dụ hoàn hảo về điều sẽ xảy ra khi mỗi nước đều tự đi theo cách của riêng mình.
Chuyên gia Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm an ninh y tế Johns Hopkins (Mỹ) nói: “Chừng nào đại dịch này chưa được kiểm soát ở mọi quốc gia trên thế giới, khi đó thế giới sẽ vẫn đối diện với rủi ro và chúng ta sẽ chứng kiến sự phát triển của các biến thể mới tác động đến vaccine. Chúng ta sẽ vẫn ở trong một thế giới bị gián đoạn”.
Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Với tốc độ tăng trưởng khá cao (từ 4-8% thời kỳ trước COVID-19) và với quy mô lớn của mình, Ấn Độ có tác động đáng kể đến nền kinh tế thế giới. Các chuyên gia từng kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ ở cả Ấn Độ và thế giới trong năm 2021, nhưng đã hoài nghi kịch bản đó sau những gì đang diễn ra. Sonal Varma, nhà kinh tế trưởng người Ấn Độ tại tập đoàn đầu tư Nomura, dự báo GDP của Ấn Độ sẽ giảm khoảng 1,5% trong quý hiện tại với triển vọng tiêu cực.
Cùng với các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến dịch bệnh ở Brazil và Nam Phi, hãng này dự báo tăng trưởng thế giới sẽ bị tác động đáng kể, ngay cả trước khi tính đến bất kỳ tác động gián tiếp nào. Bên cạnh đó, quy mô cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ có thể sẽ khiến các biện pháp hạn chế quốc tế kéo dài lâu hơn dự kiến. Theo bà Soumya Swaminathan, nhà khoa học chính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), virus không biết phân biệt biên giới, quốc tịch hay tuổi tác, giới tính hoặc tôn giáo.
Và nhiều người khác đã đặt câu hỏi liệu một quốc gia có quy mô như Ấn Độ có thể bị cô lập hay không? Việc ngăn chặn sự lây lan từ Ấn Độ đòi hỏi các biện pháp kiểm dịch và hạn chế đi lại nghiêm ngặt. Đây là tin xấu đối với các hãng hàng không, sân bay và các doanh nghiệp phụ thuộc ngành này. Do đó, điều này cũng sẽ gây tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Khả năng đó là rất cao, bởi các chuyên gia đã nhiều lần cảnh báo việc virus lây lan không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới nguy hiểm và khiến đại dịch kéo dài. Trên thực tế tại Ấn Độ đã xuất hiện biến thể mới (phiên bản đột biến kép) của virus SARS CoV-2 có tên B.1.617. Biến thể này được cho là một nguyên nhân chính gây ra làn sóng lây nhiễm mới tại Ấn Độ và đến nay đã được phát hiện tại hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Ngành công nghiệp dược phẩm ở Ấn Độ lớn thứ ba thế giới về khối lượng và lớn thứ 11 về giá trị. Ngành này đóng góp 3,5% tổng lượng thuốc men và dược phẩm xuất khẩu trên toàn cầu và khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu thuốc gốc toàn cầu. Nếu những mặt hàng xuất khẩu này bị ảnh hưởng, điều đó sẽ gây ra nhiều hậu quả đối với ngành y tế thế giới, và rốt cuộc sẽ lại ảnh hưởng đến tăng trưởng toàn cầu.
Trên hết, trong tình hình hiện tại, Ấn Độ sản xuất 70% lượng vaccine của thế giới. Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII) đã được trao quyền sản xuất vaccine AstraZeneca cho 64 quốc gia thu nhập thấp trong chương trình Covax của WHO, cũng như 5 triệu liều cho Anh.
Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ khiến việc xuất khẩu vaccine này bị trì hoãn hoặc đình chỉ, khiến nhiều quốc gia dễ bị tổn thương bởi làn sóng lây nhiễm mới và phải ngừng nối lại hoạt động kinh doanh. Nếu Ấn Độ không thể cung cấp vaccine cho phần còn lại của thế giới, chúng ta sẽ có thể chứng kiến những tác động lan tỏa dưới dạng các lệnh phong tỏa được tái áp dụng, các biện pháp giãn cách xã hội và những hoạt động kinh tế bị suy giảm đáng kể.
Cũng cần phải lưu ý rằng Ấn Độ là nguồn cung ứng nhân viên hành chính văn phòng cho nhiều hoạt động ở Tây Âu và Mỹ, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế và tài chính. Với việc những dịch vụ này hiện đang bị ảnh hưởng trong làn sóng lây nhiễm mới, Phòng Thương mại Mỹ lo ngại rằng nền kinh tế Ấn Độ có thể tạo ra lực cản đối với kinh tế toàn cầu.
Đối với Anh cũng vậy, quan hệ thương mại giữa nước này với Ấn Độ đặc biệt quan trọng trong thời kỳ hậu Brexit. Điều này được thể hiện qua hai lần Thủ tướng Anh Boris Johnson lên kế hoạch thăm Ấn Độ trong năm 2021, nhưng đã đều bị hủy vào phút chót vì đại dịch bùng phát.
Những nguy cơ hiện hữu cùng cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại Ấn Độ cho thấy thế giới cần hành động khẩn cấp để hỗ trợ nước này, cho dù sự giúp đỡ đó có được yêu cầu hay không.
Hiện hàng loạt quốc gia trên thế giới đã triển khai hành động để giúp Ấn Độ xoa dịu khủng hoảng. Mặc dù sự trợ giúp đó có thể chỉ như “muối bỏ bể” so với nhu cầu của New Delhi, nhưng ít nhất nó cho thấy chúng ta nhận ra được những tác động của khủng hoảng trên quy mô toàn cầu và có ý thức cùng nhau hành động. Nếu các nước không làm mọi cách để giúp đỡ, cuộc khủng hoảng của Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng của thế giới, không chỉ về y tế mà trong cả vấn đề kinh tế.
Huy Lê - Phóng viên TTXVN tại Ấn Độ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất