Dịch COVID-19 sáng 11/8: Hơn 737 nghìn người tử vong, 13 triệu ca đã hồi phục

11/08/2020 10:30 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê wordometers.info, tính đến khoảng 8h00 sáng 11/8 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 20.236.927 ca nhiễm, trong đó 737.863 ca tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Toàn thế giới đã có 13.082.695 ca phục hồi.   

Dịch COVID-19: Mỹ ghi nhận thêm 1.262 ca tử vong trong 24 giờ qua

Dịch COVID-19: Mỹ ghi nhận thêm 1.262 ca tử vong trong 24 giờ qua

Theo số liệu thống kê của Đại học Johns Hopkins công bố sáng 6/8 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm 1.262 ca tử vong do bệnh COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân không qua khỏi tại đây lên 157.930 ca. Số ca mắc COVID-19 cũng tăng thêm 53.158 ca lên hơn 4,8 triệu ca.

Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 6.174.881 ca, tiếp đó là châu Á với 5.120.861 ca. Khu vực Nam Mỹ đứng thứ ba với 4.792.199 ca, tiếp theo là châu Âu với 3.064.246 ca. Số ca nhiễm tại châu Phi đã vượt con số 1 triệu, trong khi châu Đại Dương đến thời điểm này ghi nhận 23.309 ca nhiễm.   

Mỹ là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất vì dịch, với 5.249.805 ca nhiễm và 166.160 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai với 3.057.470 ca nhiễm và 101.857 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với 2.267.153 ca nhiễm và 45.353 ca tử vong.   

Tại châu Á, Ấn Độ đã ghi nhận 62.064 ca nhiễm mới và 1.007 ca tử vong. Đáng chú ý trong số bệnh nhân nhiễm mới có cả cựu Thủ tướng Pranab Mukherjee. Sau Ấn Độ, Iran là nước bị ảnh hưởng nhiều thứ hai châu Á với 328.844 ca nhiễm và 18.616 ca tử vong, tiếp đó là Saudi Arabia với 289.947 ca nhiễm và 3.199 ca tử vong. Riêng tại Đông Nam Á, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 6.958 ca nhiễm mới trong ngày 10/8, nâng tổng số ca nhiễm tại đây lên 136.638 ca. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất tại quốc gia Đông Nam Á này. Số ca tử vong đã tăng thêm 24 ca lên 2.293 ca. Thủ đô Manila là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 4.163 ca nhiễm mới trong ngày 10/8, tiếp đó là các tỉnh Laguna, Rizal, Cavite, Bulacan.

Chú thích ảnh
Bệnh nhân COVID-19 hiến huyết tương sau khi bình phục tại bệnh viện ở Manila, Philippines. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia bị ảnh hưởng thứ hai ở Đông Nam Á. Nước này ghi nhận 1.687 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 127.083 ca, trong đó 5.765 ca tử vong. Trong khi đó, Campuchia đã ghi nhận thêm 3 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 251 ca. Tất cả các ca mới đều là ca nhập khẩu. Hiện Campuchia chưa có ca tử vong nào do COVID-19. Cùng ngày, chính quyền Malaysia đã ghi nhận thêm 11 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 9.094 ca, trong đó có 5 ca "nhập khẩu" và 6 ca lây nhiễm trong cộng đồng.    

Tại châu Mỹ, một báo cáo mới từ Học viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng của Mỹ cho thấy ít nhất 97.000 trẻ em ở Mỹ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới trong hai tuần cuối cùng của tháng 7, chủ yếu ở các bang miền Nam, đánh dấu sự gia tăng 40% số ca mắc bệnh ở trẻ em. Theo báo cáo trên, tổng cộng 338.000 trẻ em ở Mỹ đã nhiễm virus kể từ đầu đại dịch. Kết quả báo cáo trên đã đặt ra một câu hỏi lớn về việc liệu trẻ em có nguy cơ gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh hơn hay không.    

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cũng trong ngày 10/8, Cơ quan Y tế Công cộng Canada đã ban hành Hướng dẫn về mở cửa lại trường học, khuyến nghị bố trí các lớp học xen kẽ, tăng cường hệ thống thông gió và trẻ từ 10 tuổi trở lên được khuyến cáo nên đeo khẩu trang. Theo văn bản hướng dẫn, các giáo viên nên đeo khẩu trang và bảo vệ mắt, chẳng hạn như dùng tấm che mặt chống dịch. Văn bản trên cũng khuyến nghị các trường điều chỉnh các hoạt động nhằm giảm thời gian tiếp xúc, như giảm số lượng học sinh sử dụng cùng một không gian trong cùng một thời điểm, phân nhóm học sinh, bố trí các lớp học xen kẽ và thời gian nghỉ giải lao lệch nhau. Canada hiện ghi nhận 119.451 ca nhiễm, với 8.981 ca tử vong. Hiện 87% số ca nhiễm đã khỏi bệnh.   

Cùng ngày, Cuba ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất kể từ đầu mùa dịch. Trong tổng số 93 ca mắc mới, có tới 72 ca được ghi nhận ở thủ đô La Habana, địa phương tới nay vẫn luôn là tâm dịch của cả nước và mới đây đã phải quay trở lại thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt do sự tái bùng phát của dịch bệnh.    

Tại châu Âu, Nga ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất với 892.654 ca, trong đó có 15.001 ca tử vong. Tiếp đó là Tây Ban Nha với 370.060 ca nhiễm và 28.576 ca tử vong. Vương quốc Anh đứng thứ ba với 311.641 ca nhiễm và 46.525 ca tử vong. Ngày 10/8, Cơ quan y tế của Liên minh châu ÂU (ECDC) cho biết có bằng chứng cho thấy chủng virus SARS-CoV-2 đang tăng tốc độ lây nhiễm.

Cơ quan này cho hay trong khi nhiều quốc gia hiện đang xét nghiệm các trường hợp nhẹ và không có triệu chứng, điều này đã dẫn đến việc gia tăng báo cáo các ca nhiễm, nhưng thực sự có tình trạng gia tăng trở lại ở một số nước vì quyết định nới lỏng các biện pháp chống dịch. ECDC kêu gọi các quốc gia đang chứng kiến tình trạng gia tăng số trường hợp mắc COVID-19 tái áp đặt các biện pháp hạn chế với cảnh báo về sự gia tăng các ca bệnh trên nhiều khu vực của châu Âu.

Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm