16/07/2020 15:58 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Thị trưởng thành phố Tokyo Yuriko Koike cho biết chính quyền thành phố sẽ công bố có thêm 280 ca mới nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong ngày 16/7.
Đây sẽ là số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục tại thủ đô Tokyo, một ngày sau khi thành phố này nâng cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất.
Theo Thị trưởng Koike, số ca nhiễm mới này, vượt kỷ lục trước đây là 243 ca ghi nhận vào ngày 10/7, phản ánh số lượng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 được triển khai ở thủ đô Tokyo lên tới 4.000 xét nghiệm/ngày, cũng ở mức cao mới.
Sau khi Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp hồi cuối tháng 5, số ca nhiễm mới đã gia tăng tại thủ đô Tokyo, với đỉnh điểm là 243 ca nhiễm được ghi nhận vào ngày 10/7. Giới chức thành phố cho biết nhiều ca nhiễm mới bắt nguồn từ các khu vui chơi giải trí ban đêm và những người mắc bệnh ở độ tuổi 20 và 30, nhóm tuổi vốn ít có nguy cơ mắc COVID-19 thể nặng.
Ngày 15/7, chính quyền thành phố Tokyo đã nâng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm lên mức cao nhất trong thang cảnh báo 4 cấp độ, đồng nghĩa dịch bệnh có thể lan rộng. Chính quyền thủ đô đã kêu gọi người dân tránh các chuyến đi không cần thiết tới các tỉnh khác và hạn chế tới các câu lạc bộ ban đêm và các nhà hàng vốn là những nơi chưa áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch.
Trên toàn Nhật Bản đã ghi nhận 454 ca nhiễm mới trong ngày 15/7, mức cao nhất kể từ khi nước này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 5.
* Theo Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ ngày 16/7, nước này đã ghi nhận số ca nhiễm mới cao kỷ lục, ở mức 32.695 ca trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 968.876 ca, trong đó có 24.915 ca tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, cho đến nay Ấn Độ có 612.814 bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh, với tỷ lệ hồi phục tăng lên đến 63,24%. Bộ trên khẳng định việc đẩy mạnh xét nghiệm, chẩn đoán kịp thời và quản lý hiệu quả bệnh nhân thông qua cách ly tại nhà có giám sát hoặc chăm sóc y tế tích cực tại bệnh viện đã giúp tỷ lệ phục hồi tăng mạnh, vượt xa số ca mắc bệnh.
Ngoài ra, các quy chuẩn cách ly tại nhà kết hợp với sử dụng máy đo oxy đã giúp theo dõi các bệnh nhân không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, từ đó giảm áp lực đối với cơ sở hạ tầng y tế.
Hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng y tế ở Ấn Độ để điều trị bệnh nhân COVID-19 bao gồm 1.378 bệnh viện chuyên dụng, 3.077 trung tâm y tế chuyên dụng và 1.0351 trung tâm chăm sóc sức khỏe. Các cơ sở này được trang bị 21.738 máy thở, 46.487 giường hồi sức tích cực và 165.361 giường hỗ trợ thở oxy.
Minh Châu-Huy Lê/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất