04/06/2021 09:10 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 4/6 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 172.886.624 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.716.341 ca tử vong.
Trong vòng 24 giờ qua thế giới ghi nhận thêm 468.058 ca mắc mới và 10.254 ca tử vong. Hiện có hơn 155.812.989 triệu bệnh nhân COVID-19 đã xuất viện trong khi vẫn còn 13.357.294 triệu bệnh nhân đang điều trị.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đang phát huy hiệu quả. Số ca nhiễm mới và tử vong có chiều hướng giảm tại nhiều khu vực. Mỹ, tâm dịch của thế giới đã ghi nhận những con số tích cực hàng ngày. Từ lúc số ca nhiễm mới hàng ngày lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số mắc mới hàng ngày giảm xuống còn 15.000-16.000 ca/ngày. Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận tổng cộng 34.173.575 ca mắc, trong đó có 611.574 ca tử vong. Xếp đầu danh sách các nước có số ca mắc và nhiễm cao nhất thế giới vẫn là Mỹ, Ấn Độ và Brazil.
Xét theo khu vực, hiện châu Á đang là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất với tổng số ca mắc là 51.904.035, trong đó 699.084 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, khu vực này đã ghi nhận thêm 210.260 ca mắc mới và 4.108 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 46.769.156 ca mắc và 1.075.854 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận 49.645 ca mắc mới và 1.204 ca tử vong. Xếp thứ ba là khu vực Bắc Mỹ với 39.903.942 ca mắc và 900.787 ca tử vong. Trong vòng 24 giờ qua, Bắc Mỹ đã ghi nhận 30.078 mắc mới và 553 ca tử vong.
Tại châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo lục địa này chưa sẵn sàng đối phó với làn sóng dịch COVID-19 thứ ba sắp xảy ra trong bối cảnh khu vực đang chứng kiến số ca nhiễm mới gia tăng và hoạt động phân phối vaccine hầu như đình trệ.
Giám đốc phụ trách khu vực châu Phi thuộc WHO, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nêu rõ: "Nhiều bệnh viện và phòng khám ở châu Phi vẫn còn chưa sẵn sàng đối phó với số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch gia tăng. Mối đe dọa về làn sóng dịch COVID-19 thứ ba ở châu Phi là hiện hữu và đang tăng". Theo WHO, châu Phi ghi nhận hơn 4,8 triệu ca mắc COVID-19 (chiếm 2,9% ca nhiễm trên toàn cầu) và 130.000 ca tử vong (chiếm 3,7% ca tử vong trên toàn cầu).
Một cuộc khảo sát do WHO tiến hành hồi tháng 5 cho thấy nhiều nước châu Phi hầu như không có đủ các cơ sở y tế và nhân viên y tế chủ chốt cần để điều trị các bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Trong số 23 quốc gia châu Phi mà WHO tiến hành khảo sát, phần lớn các nước này có chưa tới 1 giường chăm sóc tích cực (trong khi ở Đức và Mỹ có hơn 25 giường)/100.000 dân và chỉ có 1/3 trong số các nước này có máy trợ thở.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu công bố ngày 3/6, Ấn Độ và Anh đang báo động về việc lạm dụng kháng sinh cho bệnh nhân COVID-19. Tại hai nước này hàng chục nghìn bệnh nhân mắc COVID-19 đã được kê đơn thuốc kháng sinh một cách không cần thiết trong đợt dịch bùng phát đầu tiên.
Trong số gần 49.000 bệnh nhân được khảo sát, phần lớn trong số này được cho dùng kháng sinh mặc dù không bị nhiễm vi khuẩn. Các nhà nghiên cứu cho biết chứng ho khan liên quan đến virus SAR-CoV-2 khiến việc lấy mẫu đờm trở nên khó khăn và các nhân viên y tế không muốn lấy gạc sâu ở phổi vì sợ bị nhiễm trùng.
Vì vậy, các bác sĩ đã chuyển sang dùng thuốc kháng sinh khi đối mặt với các lựa chọn điều trị hạn chế. WHO xếp kháng thuốc là một trong 10 mối đe dọa sức khỏe cộng đồng toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.
Phương Hoa/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất