08/10/2021 09:18 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 8/10, thế giới đã ghi nhận 237.515.379 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 4.848.569 ca tử vong. Số người bình phục là 214.609.212 người, song hiện vẫn còn 84.248 ca bệnh nặng.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh, khi số ca nhiễm mới và tử vong trong 24 giờ qua tại nước này ở mức cao nhất thế giới với lần lượt là 99.708 ca và 1.680 ca. Trước bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định yêu cầu tiêm chủng bắt buộc đã trở thành cần thiết và là một công cụ hiệu quả nhằm chấm dứt đại dịch.
Trong nỗ lực thúc đẩy việc thực hiện các quy định bắt buộc tiêm chủng cũng như giải thích lý do Nhà Trắng phải quyết liệt đối với nhiệm vụ này, Tổng thống Biden khẳng định: “Những yêu cầu này đã cho thấy tác dụng”, đồng thời cho biết thông báo quy định tiêm chủng bắt buộc mà ông đưa ra đã khuyến khích các doanh nghiệp cảm thấy họ có thể đến và yêu cầu nhân viên của họ điều tương tự. Chính vì vậy, hiện có nhiều người hơn đang được tiêm chủng cũng như đang được cứu sống.
Tại châu Á, Bộ trưởng điều phối các vấn đề kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ nước này đang chuẩn bị lộ trình “bình thường mới” để triển khai khi đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Theo Bộ trưởng Airlangga, các điều kiện tiên quyết bao gồm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, tiêm chủng được thúc đẩy với 2,5 triệu liều mỗi ngày và số ca mắc mới ở mức dưới 5.000 ca/ngày.
Theo ông Airlangga, chiến lược chống COVID-19 của Indonesia – trong đó nhấn mạnh việc xử lý ở cả gốc và ngọn - đã chứng minh được hiệu quả, thể hiện qua hệ số lây truyền (Rt) ở mức 0,6, thấp hơn nhiều so với trung bình toàn cầu và Rt của các nước khác. Ông Airlangga cũng cho rằng nỗ lực triển khai các hạn chế hoạt động cộng đồng (PPKM), tăng cường xét nghiệm và truy vết, đồng thời tăng tốc tiêm chủng đã giúp giảm 94,59% số bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly so với mức đỉnh ngày 24/7 và giảm 53,81% trong hai tuần qua.
Tại châu Âu, Bộ Y tế Séc cho biết trong 2 ngày 5-6/10, nước này liên tiếp ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới/ngày, mức cao nhất kể từ giữa tháng 5. Đến nay, quốc gia Trung Âu này có gần 300 ca mắc phải nhập viện, trong đó 60 trường hợp trong tình trạng nghiêm trọng. Đáng chú ý, hơn 75% số ca nhập viện gần đây là những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19. Hiện dịch bệnh đang lây lan nhanh nhất ở những người dưới 20 tuổi chưa tiêm vaccine.
Anh và Italy tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế được áp đặt trước đó nhằm kiềm chế dịch bệnh. Anh thông báo từ ngày 11/10 tới sẽ dỡ bỏ yêu cầu cách ly phòng dịch COVID-19 đối với du khách đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện nằm trong "danh sách đỏ", trong đó có Nam Phi và Thái Lan, đồng thời nới lỏng các quy định đối với một số nước, trong đó có Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Danh sách đỏ của chính phủ Anh gồm các nước có tỷ lệ mắc COVID-19 cao, theo đó những người đến từ các quốc gia này phải cách ly 10 ngày tại khách sạn do chính phủ chỉ định, đồng thời phải thực hiện xét nghiệm PCR và các xét nghiệm khác. Các chi phí này thậm chí cao hơn chi phí cho một chuyến bay. Đây là động thái mới nhất của Chính phủ Anh trong việc tiếp tục nới lỏng các quy định hạn chế phòng dịch nhằm hỗ trợ ngành du lịch. Đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng 8.046.390 ca mắc, trong đó có 137.417 trường hợp tử vong và 6.560.683 bệnh nhân bình phục hoàn toàn.
Chính phủ Italy đã phê chuẩn sắc lệnh cho phép tăng số người tham dự tối đa tại các địa điểm văn hóa và thể thao, qua đó tiếp tục nới lỏng dần các hạn chế phòng dịch COVID-19. Cụ thể, kể từ ngày 11/10 tới, các rạp chiếu phim, nhà hát và phòng hòa nhạc được phép lấp đầy tất cả các chỗ ngồi, loại bỏ giới hạn hiện nay là 50% sức chứa. Sức chứa tối đa của các nhà thi đấu thể thao sẽ được nâng từ 35% lên 60% đối với địa điểm trong nhà và từ 50% lên 75% ở ngoài trời.
Chính phủ Italy cũng cho phép các vũ trường và hộp đêm được mở cửa trở lại lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, nhưng hạn chế số lượng khách ở mức 50% trong nhà và 70% ngoài trời. Số lượng khách tham quan viện bảo tàng không bị giới hạn, nhưng du khách phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chỉ những người có thẻ xanh, giấy chứng nhận đã tiêm vaccine (bản giấy hoặc kỹ thuật số), có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc hồi phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, mới được phép tham dự các sự kiện văn hóa, thể thao và vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang.
Ở khu vực Trung Đông, Bộ Y tế Israel đã công bố chương trình thử nghiệm phương pháp xét nghiệm PCR nhằm phát hiện bệnh COVID-19 qua mẫu nước bọt, thay vì dùng tăm bông lấy dịch mũi khiến đa số mọi người đều cảm thấy khá khó chịu như hiện nay. Phương pháp xét nghiệm COVID-19 mới cũng sẽ cho kết quả nhanh hơn, chỉ mất khoảng 45 phút. Xét nghiệm PRC bằng nước bọt đã được đưa vào thử nghiệm kể từ tuần này tại trạm xét nghiệm lưu động ở quảng trường Rabin, trung tâm thành phố Tel Aviv, và sẽ kéo dài trong nửa tháng.
Nhằm đảm bảo sức khỏe của cộng đồng, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi tài trợ 8 tỷ USD để tiêm chủng một cách công bằng cho 40% dân số thế giới cho đến cuối năm nay, trong bối cảnh Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho 70% dân số thế giới đến giữa năm 2022.
Ông Guterres nhấn mạnh nếu không có một cách tiếp cận công bằng và được điều phối, việc giảm số ca mắc COVID-19 ở bất kỳ một quốc gia nào sẽ không được duy trì theo thời gian. Ông Guterres đã kêu gọi các nước giàu trong Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đưa ra cam kết "cả thế giới đều được tiêm chủng" tại hội nghị thượng đỉnh của G20 sắp diễn ra vào cuối tháng này tại Rome (Italy).
Trần Quyên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất