Dịch Covid-19 thế giới ngày 15/6: 177 triệu ca bệnh, hơn 3,8 triệu người tử vong

15/06/2021 07:15 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 289.848 trường hợp mắc COVID-19 và 6.067 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 177 triệu ca bệnh, trong đó gần 3,82 triệu người không qua khỏi.

Dịch Covid: G7 sẽ tăng một tỷ liều vaccine cho thế giới

Dịch Covid: G7 sẽ tăng một tỷ liều vaccine cho thế giới

Ngày 10/6, Anh cho biết các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 177.006.213 ca, trong đó có 3.826.819 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 161.190.328 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 11.989.066 ca và 84.659 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 14/6, thế giới có 103 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà giảm nhẹ.

Chú thích ảnh
Xét nghiệm COVID-19 tại Ấn Độ. Ảnh: TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới. Đặc biệt, số ca tử vong lại tăng vọt trở lại ở Ấn Độ.

Tại châu Âu, Nga đang trở thành quốc gia có số ca nhiễm mới theo ngày cao tại châu Âu, với 13.721 ca mắc mới và 371 ca tử vong mới trong 24 giờ qua. Theo số liệu thống kê mới nhất, hiện Nga ghi nhận tổng cộng 5.222.408 ca mắc COVID-19 và 126.801 ca tử vong.

Số ca nhiễm mới đang có chiều hướng tăng trở lại trong những ngày qua do tỷ lệ tiêm vaccine tại nước này thấp so với nhiều nước khác. Cho đến nay, Nga mới tiêm chủng được 32.734.213 liều vaccine.

Trong khi đó, số ca mắc mới tăng nhanh xuất phát từ sự lây lan của biến thể Delta, nhiều khả năng nước Anh đã quyết định hoãn kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Ngày 14/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố lộ trình tiếp theo về kiểm soát dịch.

Theo thống kê, hơn 90% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh là nhiễm biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng 50% trong tuần trước. Cơ quan Y tế vùng England cho biết biến thể mới tại Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể mới có nguồn gốc tại nước này.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em tại một trung tâm y tế ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo lộ trình được đề ra trước đó, mọi hoạt động tại Anh sẽ được nối lại từ ngày 21/6. Chính phủ nước này từng hy vọng thành công của một trong những chiến dịch tiêm chủng nhanh nhất thế giới sẽ giúp chấm dứt toàn bộ lệnh hạn chế. Tuy nhiên, trước sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta, nhiều khả năng Thủ tướng Johnson đã hoãn quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thêm một tháng, đến ngày 19/7. Dự kiến, chính quyền các vùng Scotland, Wales và Bắc Ireland cũng sớm thông báo quyết định tương tự.

Theo thống kê, hơn 90% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh là nhiễm biến thể mới có nguồn gốc tại Ấn Độ và tỷ lệ xét nghiệm dương tính đã tăng 50% trong tuần trước. Cơ quan Y tế vùng England cho biết biến thể mới tại Ấn Độ có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến thể mới có nguồn gốc tại nước này.

Ngày 14/6, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết nước này đã đạt số lượt tiêm chủng kỷ lục với 750.000 lượt tiêm trong ngày 14/6.

Trong một tuyên bố trên Twitter, ông nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ đã kiểm soát được dịch bệnh và thời điểm chiến thắng dịch đang đến gần.

Theo giới chuyên gia y tế,  nếu tiếp tục đẩy nhanh tiến độ vaccine với 1 triệu lượt tiêm/ngày, dịch bệnh COVID-19 tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chấm dứt trong vòng 2 tháng.

Cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiêm 34 triệu liều vaccine cho người dân. Dân số nước này ước khoảng 83 triệu người.

Tại Ấn Độ, điểm nóng của thế giới đã ghi nhận số ca nhiễm mới trong 24 giờ thấp nhất trong gần 3 tháng - 70.421 ca nhiễm mới. Tuy nhiên, số ca tử vong hiện nay ở mức cao - với 3.921 ca trong 24 giờ vừa qua. Ngày 14/6, chính quyền bang New Delhi của Ấn Độ đã thông báo nới lỏng thêm các biện pháp hạn chế.

Cụ thể, từ ngày 14/6, các nhà hàng được phép mở cửa trở lại với công suất hoạt động phục vụ là 50% số ghế trong nhà hàng; toàn bộ các cửa hàng được phép hoạt động trở lại thay vì chỉ có 50% cửa hàng được phép mở cửa luân phiên hàng ngày như hiện nay; các văn phòng chính phủ hoạt động với sự có mặt của toàn bộ viên chức cao cấp và 50% viên chức cấp thấp.

Ngày 14/6, Chính phủ Ấn Độ thông báo mở cửa trở lại ngôi đền Taj Mahal tại thành phố Agra vào tuần này, sau hai tháng khu di tích nổi tiếng này phải đóng cửa do tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp trong nước. Giới chức khẳng định sẽ áp đặt mọi biện pháp phòng dịch tại khu vực này. Theo quy định mới, du khách phải thực hiện khử trùng giày dép trước khi vào thăm đền Taj Mahal và không được phép chạm vào lăng mộ bằng đá cẩm thạch.

Liên quan đến phát triển vaccine ngừa COVID-19, ngày 14/6, hãng dược Novavax của Mỹ thông báo vaccine của hãng này đạt hiệu quả tổng thể khoảng 90,4% trong phòng chống bệnh này, bao gồm cả các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Novavax cho hay vaccine NVX-CoV2373 của hãng đạt hiệu quả 100% trong việc chống lại triệu chứng bệnh vừa và nặng và hiệu quả tổng thể là 90,4%.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Novavax . Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là những số liệu sơ bộ của một nghiên cứu quy mô lớn có sự tham gia của gần 30.000 tình nguyện viên tại 119 địa phương tại  Mỹ và Mexico. Không giống như vaccine phòng COVID-19 của các hãng đối thủ khác, vaccine NVX-CoV2373 của Novavax có thể bảo quản ở nhiệt độ từ 2-8 độ C, qua đó giúp cho việc phân phối trở nên dễ dàng hơn. Vaccine Novavax được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nguồn cung vaccine ở các nước đang phát triển.

Novavax cho biết hãng có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng vaccine phòng COVID-19 vào quý III năm nay. Hãng có thể sản xuất tới 100 triệu liều/tháng vào cuối quý này và đến cuối năm, tăng lên mức 150 triệu liều/tháng.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 15/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.995 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 85.100 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca tử vong cao hơn hẳn các nước khác trong vùng.

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 14/6 cũng đứng thứ ba toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.

Ngày 14/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 60 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 223 ca bệnh mới và có 4 trường hợp tử vong.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/6 ghi nhận thêm trên 3.355 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 17 người. Dù vậy, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà giảm.

Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 542 bệnh nhân mới và 13 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 85.108 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 388 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.371.770 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.977.069 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Ngoài Brunei, trong 24 giờ qua, có 9/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Trong bối cảnh Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang nỗ lực đạt được thỏa thuận về chia sẻ vaccine ngừa COVID-19, ngày 14/6, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cảnh báo về thực tế gia tăng các rào cản thương mại đối với các nguồn cung ứng trang thiết bị y tế cần thiết để chống dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi các nước thành viên dỡ bỏ các biện pháp này.

Phát biểu tại một diễn đàn trực tuyến của Liên hợp quốc (LHQ), Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala nhấn mạnh "xu hướng trên đang đi sai hướng", đề cập đến các rào cản đối với việc giao dịch các mặt hàng y tế liên quan đến việc chống dịch.

Bà nêu rõ: "Chúng ta cần dỡ bỏ những biện pháp hạn chế đó để tạo thuận lợi cho hàng hóa y tế và vaccine lưu thông (dễ dàng hơn)". Bà lưu ý hiện có 109 biện pháp hạn chế thương mại được áp đặt ngay khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm ngoái và con số này đã giảm xuống còn 51 trước khi lại tăng lên 53.

Cũng tại sự kiện này, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala kêu gọi các thành viên WTO đạt được thỏa thuận về cải thiện khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 7 tới sau nhiều tháng đàm phán về ý tưởng bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19. Bà thừa nhận sẽ rất khó khăn khi vẫn tồn tại những khác biệt giữa các nước, song vẫn hy vọng "chúng tôi có thể đạt được một cách tiếp cận thiết thực".

Ngày 14/6, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Bruce Aylward cho biết châu Phi sẽ được đối xử ưu tiên trong quá trình phân phối 870 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) quyên tặng.

Phát biểu họp báo ở Geneva, ông Aylward nói: "Các bạn sẽ thấy rằng châu Phi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất, thiếu thốn nhất, vì thế những liều vaccine này rõ ràng sẽ ưu tiên chuyển tới châu Phi. Số lượng cụ thể sẽ được đưa ra trong những tuần tới".

Ông Aylward cũng là điều phối viên của ACT-Accelerator, cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển, phân phối công bằng vaccine, chẩn đoán và điều trị COVID-19.

Theo Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm