11/01/2021 11:02 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 11/1 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 90.669.019 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 1.942.512 ca tử vong do COVID-19. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 64.793.331 người.
Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 22.910.140 ca nhiễm và 383.242 ca tử vong do COVID-19. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
Tại châu Á, Trung Quốc đại lục ngày 10/1 đã ghi nhận thêm 103 ca nhiễm mới, trong đó có 85 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong số các ca lây nhiễm trong nước có 82 ca tại tỉnh Hà Bắc (Hebei), 2 ca tại Liêu Ninh (Liaoning) và 1 ca tại thủ đô Bắc Kinh. Đây là mức tăng theo ngày mạnh nhất trong 5 tháng. Tính đến hết ngày 10/1, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 87.536 ca nhiễm và 4.634 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, Nhật Bản ngày 10/1 thông báo vừa phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có cấu trúc khác với chủng đã phát hiện ở Anh và Nam Phi. Biến thể này có trong 4 người đến Nhật Bản từ Brazil và có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tại sân bay. Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm quốc gia Nhật Bản đã báo cáo các trường hợp này lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại Australia, Brisbane, thành phố lớn thứ ba của nước này, đã dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau khi việc xét nghiệm và truy vết trên diện rộng không phát hiện thêm ca nhiễm mới nào.
Tại châu Mỹ, Brazil đã ghi nhận thêm 1.111 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 10/1. Đây là lần đầu tiên số ca tử vong mới theo ngày tại Brazil vượt 1.000 ca kể từ đầu tháng 8. Tính đến ngày 10/1, Brazil đã ghi nhận tổng cộng hơn 8,1 triệu ca mắc và 203.100 ca tử vong do COVID-19.
Liên quan đến tình hình vaccine, trong ngày 11/1, Pháp sẽ tiếp nhận hơn 50.000 liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược dược phẩm Moderna, vừa được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn, để sử dụng trong tuần tiếp theo tại các vùng miền Đông và Đông Nam nước này. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nhấn mạnh rằng những liều vaccine này sẽ được chuyển ngay tới những khu vực mà dịch bệnh lây lan mạnh nhất, bao gồm các thành phố Mulhouse, Colmar, Strasbourg, Reims, Nancy, Metz, Lons-le-Saunier, Besançon, Dijon, Moulins, Nice và Toulon. Dự kiến đến cuối tháng 6 tới, Pháp sẽ nhận khoảng 8 triệu liều vaccine Moderna, được bảo quản ở nhiệt độ -20°. Mỗi người phải được tiêm hai liều, cách nhau ít nhất 28 ngày.
Chính quyền Palestine (PA) ngày 10/1 thông báo từ tháng 3, họ sẽ nhận lô vaccine COVID-19 đầu tiên theo thỏa thuận với hãng dược phẩm AstraZeneca. Trước đó, PA cũng đã tìm cách mua vaccine từ Moderna, Johnson & Johnson và Nga.
Trong khi đó, Bộ Y tế Israel thông báo đến nay đã có 72% số người trên 60 tuổi ở nước này đã được tiêm phòng. Ước tính hơn 1,8 triệu người được tiêm xong đợt 1 vaccine phòng COVID, chiếm hơn 20% dân số. Chính quyền Israel sẽ tăng số người được tiêm phòng COVID-19 lên 170.000 người/ngày.
Tại Nga, Cố vấn Bộ Y tế Nga Sergey Glagolev ngày 10/1 thông báo, vòng tham vấn đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về việc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 Sputnik-V của Nga sẽ diễn ra vào cuối tháng 1. Phát biểu trên truyền hình, ông Glagolev nêu rõ vòng tham vấn chuyên gia đầu tiên sẽ diễn ra trực tuyến vào khoảng sau ngày 20/1. Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết đến nay đã có hơn 1,5 triệu người trên thế giới được chủng ngừa COVID-19 bằng vaccine Sputnik V.
Tại châu Phi, Tổng thống Cộng hòa Seychelles, ông Wavel Ramkalawan và hàng chục quan chức nước này đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19, đưa quần đảo Ấn Độ Dương này trở thành quốc gia châu Phi đầu tiên khởi động chiến dịch tiêm phòng COVID-19.
Đặng Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất