Diễn biến tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 16/3

16/03/2020 22:52 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Tính đến 22h ngày 16/3 (theo giờ Việt Nam), trên thế giới đã ghi nhận hơn 174.600 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra và số ca tử vong đã lên tới gần 6.700 người.

Cập nhật dịch COVID-19: Bộ Y tế xác nhận ca bệnh thứ 61 là người ở tỉnh Ninh Thuận

Cập nhật dịch COVID-19: Bộ Y tế xác nhận ca bệnh thứ 61 là người ở tỉnh Ninh Thuận

Theo đó, vào lúc 20 giờ 30 ngày 16/3/2020, Viện Pasteur Nha Trang cho biết mẫu xét nghiệm do Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận gửi đến dương tính virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam lên 61.

Dịch bệnh đã xuất hiện và lây lan tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý, số ca mắc bệnh COVID-19 của các nước còn lại trên thế giới đã vượt xa tổng số ca nhiễm ghi nhận tại Trung Quốc đại lục - nơi khởi phát dịch bệnh.     

Người phát ngôn WHO cho biết châu Âu hiện đang là tâm dịch mới của đại dịch COVID-19 với Italy là "ổ dịch" lớn nhất. Với 1.809 ca tử vong và 24.747 ca nhiễm tính tới đêm 15/3, Italy hiện là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do dịch COVID-19 ngoài Trung Quốc đại lục. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Italy ở mức 5,8%, trong khi độ tuổi trung bình của bệnh nhân tử vong và dương tính với virus là 79,4 tuổi.   

Cùng với Italy, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Tây Ban Nha cũng đang tăng rất nhanh, lên lên 8.744 người, tăng mạnh so với con số 7.753 người một ngày trước đó, trong khi số người tử vong ở tăng lên 297 người so với 288 người hôm 15/3. Theo Chính phủ Tây Ban Nha, chỉ trong vòng một ngày, tại nước này đã có gần 1.000 ca mới mắc COVID-19.     

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm việc tại một bệnh viện dã chiến ở vùng Lombardy, Italy ngày 13/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Pháp, Bộ trưởng Y tế nước này Olivier Veran thông báo Pháp đã ghi nhận thêm 29 ca tử vong do bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày 15/3, mức tăng mạnh nhất trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong  lên thành 120 ca kể từ dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1 tại Pháp. Trong 24 giờ qua, Pháp ghi nhận thêm 900 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh COVID-19 lên 5.400 ca.   

Bỉ cũng ghi nhận 197 ca mới mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số  lên 886 ca, trong đó 4 người tử vong và 1 người được chữa khỏi. Bắt đầu từ ngày 14/3, Bỉ đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp cho các bệnh viện, theo đó, những đơn vị này ngừng vô thời hạn các ca tư vấn, thăm khám và phẫu thuật không khẩn cấp.     

Thụy Sỹ đã hủy phiên họp Quốc hội trong bối cảnh Chính phủ nước này triệu tập cuộc họp khẩn để ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang có dấu hiệu nguy cấp tại nước này khi chỉ trong 1 ngày, tổng số ca nhiễm virus SARC-CoV-2 mới tại Thụy Sĩ và nước láng giềng Liechtenstein tăng 50%, lên 2.200 ca.     

Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Chính phủ Thụy Sĩ đã quyết định đóng cửa các trường học trên cả nước trong vài tuần, đưa ra các biện pháp kiểm tra y tế tại cửa khẩu, nghiêm cấm mọi sự kiện tụ tập, hội họp như một phần trong những nỗ lực để bảo vệ công dân nước này, đặc biệt là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người cao tuổi.     

Tại Đức, Thủ hiến bang Bayern, ông Marcus Söder đã ban bố tình trạng thảm họa ở bang miền Nam lớn nhất nước này. Cho đến thời điểm này, chính quyền bang Bayern đã cho đóng cửa toàn bộ trường học và nhà trẻ cũng như các địa điểm tụ tập đông người nhằm kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.  Tính đến thời điểm này, trên cả nước Đức ghi nhận 6.612 ca nhiễm SARS-CoV-2 với 13 trường hợp tử vong, trong đó riêng bang Bayern 4 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Cảnh sát Đức kiểm tra hành trình của lái xe tại Oberaudorf, giáp giới Áo trong bối cảnh Berlin áp đặt lệnh kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, ngày 16/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Đức cũng đã áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới với Áo, Đan Mạch, Pháp, Luxembourg và Thụy Sĩ.  Trước Đức, các nước châu Âu  khác như Ba Lan, CH Séc, Serbia, Hungary... cũng đã đóng cửa biên giới hoặc áp dụng biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới ở mức tối đa.    

Trong khi đó, Chính phủ Anh vẫn chưa áp dụng nhiều biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như các nước châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock (Mát Han-cúc) khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3, dự kiến gồm lệnh cấm tụ tập đông người. Theo một số nguồn tin được truyền thông sở tại đăng tải, một số biện pháp khác được cân nhắc như yêu cầu những người trên 70 tuổi cách ly chặt chẽ ở nhà hoặc các trung tâm chăm sóc trong 4 tháng. Hiện đã có tổng cộng 35 ca tử vong do dịch COVID-19 tại Anh trong số hơn 1.500 ca nhiễm.     

Tại châu Á, trong ngày 16/3, Trung Quốc thông báo sẽ rút dần các nhân viên y tế ra khỏi tỉnh Hồ Bắc (Hubei), nơi từng là tâm điểm bùng phát và lây lan dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Trung Quốc.     

Chú thích ảnh
Bệnh nhân nhiễm COVID-19 điều trị tại bệnh viện ở Hồ Nam,Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV ngày 16/3, quyết định trên được đưa ra tại cuộc  họp của nhóm làm việc dưới sự chủ tọa của Thủ tướng Lý Khắc Cường trong bối cảnh Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) trước đó cùng ngày thông báo tỉnh Hồ Bắc chỉ ghi nhận 4 ca nhiễm mới trong ngày 15/3, thấp hơn nhiều con số 14 ca ghi nhận trước đó một ngày. Tuy nhiên, cuộc họp cũng ghi nhận số ca nhiễm mới là người từ nước ngoài vào Trung Quốc gây khó cho nước này trong nỗ lực chấm dứt dịch bệnh.       

Theo NHC, tính đến hết ngày 15/3, số ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc đã lên tới 3.099 ca, sau khi ghi nhận 14 ca tử vong mới trong ngày 15/3, cao hơn con số 10 ca ghi nhận trước đó một ngày. Ngoài 4 ca nhiễm mới ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đại lục ghi nhận 12 ca nhiễm mới là người từ nước ngoài vào Trung Quốc, nâng tổng số ca nhiễm nhập cảnh lên 123.       

Bất chấp số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc đang có chiều hướng giảm (chỉ có  thêm 74 ca mắc mới), Tổng thống  Moon Jae-in tuyên bố nước này đang phải đối mặt với giai đoạn mới cực kỳ quan trọng nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở thủ đô Seoul, thành phố cảng Incheon và tỉnh Gyeonggi lân cận đồng thời yêu cầu chính phủ cần nỗ lực để ngăn chặn dịch bệnh.     

Chú thích ảnh
Một nhân viên y tế nghỉ ngơi sau khi kiệt sức vì chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại một bệnh viện ở Changwon, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Trong khi hai “ổ dịch” chính là thành phố Daegu, cách Seoul 300 km về phía Đông Nam và tỉnh Bắc Gyeongsang gần đó, đã có số lượng ca nhiễm mới giảm liên tục trong vài ngày qua, cơ quan chức năng Hàn Quốc lại phát hiện một số “ổ lây nhiễm lớn” tại khu vực thủ đô Seoul, đặc biệt tập trung tại một tổng đài điện thoại, một quán cà phê Internet, nhà thờ và bệnh viện. Chính vì vậy, Tổng thống Moon Jae-in cho rằng Hàn Quốc không được lơ là mất cảnh giác.      

Trong ngày 15/3, nhóm hành khách và thủy thủ đoàn cuối cùng trên du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đã được trở về nhà sau thời gian cách ly do có hành khách trên tàu nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, đến ngày 16/3, không còn ai trên du thuyền này thuộc diện cách ly.       

Tính đến chiều 16/3, Nhật Bản đã ghi nhận tổng cộng 812 người mắc bệnh COVID-19,  số ca tử vong ở Nhật Bản hiện là 32 người. Con số này bao gồm cả những người trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở Yokohama, gần thủ đô Tokyo.       

Tại Iran thông báo số ca tử vong do mắc COVID-19 tại nước này trong 24 giờ qua là 129. Như vậy, tính tới nay, tổng số người tử vong do mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này là 853.  Theo giới chức Iran, số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này là 14.991 người. Trước tình hình dịch bệnh lây lan khó kiểm soát, nhà chức trách Iran khuyến cáo mọi người dân nên ở trong nhà.     

Chú thích ảnh
Ngày 15/3/2020, nhóm hành khách và thủy thủ đoàn cuối cùng trên du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa, giáp thủ đô Tokyo của Nhật Bản, đã được trở về nhà sau thời gian cách ly do có hành khách trên tàu nhiễm virus SARS-CoV-2. Như vậy, đến ngày 16/3, không còn ai trên du thuyền này thuộc diện cách ly. Ảnh: TTXVN

Malaysia đã trở thành "ổ dịch" ở Đông Nam Á khi nước này ghi nhận thêm 125 ca mắc bệnh COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở nước này tới nay lên 553 người. Trong khi đó, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 17 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 243 trường hợp. Đây cũng là con số tăng mạnh nhất trong một ngày tại Singapore. Trong số các trường hợp nhiễm mới, có 11 người là từ nước ngoài về.     

Tại Thái Lan, chính quyền nước này đã xác nhận thêm 33 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm mắc COVID-19 tại đây lên 147 người. Đây cũng là số ca tăng mạnh nhất trong một ngày tại Thái Lan. Indonesia cũng phát hiện thêm 17 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng số người nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 134 người, trong đó có 5 ca tử vong.   

Trong ngày 16/3, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Philippines, Thượng nghị sỹ Juan Miguel Zubiri (Hoan Mi-ghen Du-bi-ri) cho biết ông đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.     

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ. Ảnh: Medical News Today/TTXVN

Thượng nghị sỹ Zubiri nằm trong số các nghị sỹ và thành viên Nội các Philippines quyết định tự cách ly hồi tuần trước do nghi ngờ có tiếp xúc với một người mắc bệnh COVID-19, người này đã từng được mời tới tham gia phiên điều trần tại Thượng viện. Như vậy, cho đến nay, Philippines ghi nhận 141 ca mắc COVID-19, với 12 người tử vong.   

Tại châu Phi, trong ngày 16/3, đã có thêm Tanzania, Somalia, Liberia và Benin thông báo về các ca đầu tiên mắc COVID-19. Như vậy, hiện đã có khoảng 31 nước tại châu Phi xuất hiện các ca mắc bệnh.   

Một thông tin tích cực từ cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 là nhiều khả năng các nhà khoa học Mỹ sẽ lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người một loạt vaccine phòng virus SARS-CoV-2 từ ngày 16/3.     

Thử nghiệm trên do Viện Y tế quốc gia (NIH) tài trợ sẽ diễn ra tại Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington ở thành phố Seattle, nơi chịu tác động nặng nhất do dịch COVID-19 tại Mỹ. 45 tình nguyện viên có sức khỏe tốt sẽ được tiêm các mũi vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 do NIH và công ty Moderna Therapeutics nghiên cứu và phát triển. Các chuyên gia sẽ theo dõi và đánh giá tác dụng phụ tiềm tàng của vaccine gây ra.    

Hiện dịch bệnh COVID-19 đang lan nhanh khắp các thành phố và các bang ở Mỹ. Cho đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 3.700 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 68 ca tử vong. Trước tình hình này, nhiều thành phố và các bang của Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng như triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan như khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh, đóng cửa trường học, cấm các hoạt động tụ họp đông người, cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm