20/12/2018 17:52 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Trong tổng số trên 26 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2018, khách du lịch quốc tế đạt tới 5,74 triệu lượt, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là con số ấn tượng khi thành phố Hà Nội đang nỗ lực xây dựng Thủ đô thành điểm đến hàng đầu trong nước và thế giới. Với kết quả này, du lịch Hà Nội đã về đích trước 2 năm trong việc thực hiện chỉ tiêu đón 5,7 triệu lượt khách quốc tế theo Nghị quyết của Thành ủy Hà Nội về phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020.
Những kết quả ấn tượng
Hà Nội được bình chọn xếp thứ 12/25 điểm đến tốt nhất thế giới năm 2018, là một trong 2 thành phố của Việt Nam lọt vào nhóm nổi bật nhất thế giới 2018 về lượng phòng du khách đặt trước, được Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới đề cử là một trong 17 ứng viên vào hạng mục bình chọn giải thưởng “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2018”. Đó cũng là dấu ấn đáng chú ý của du lịch Hà Nội đạt được trong năm 2018 do các tổ chức du lịch quốc tế ghi nhận.
Đây không phải là lần đầu Hà Nội tự hào được ghi danh. Tuy nhiên, với việc bình chọn trong những năm gần đây ngày càng có chất lượng và chiều sâu, được thực hiện bởi các tổ chức du lịch quốc tế có uy tín, kết quả bình chọn càng củng cố thêm vị thế của du lịch Hà Nội trên các thị trường quốc tế. Hiện ngày càng nhiều khách du lịch nước ngoài lựa chọn Hà Nội trong hành trình khám phá điểm đến mới. Thị trường khách du lịch của Hà Nội ngày càng rộng mở, trải rộng khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, khách từ các quốc gia châu Á chiếm khoảng 60% trên tổng số khách quốc tế đến thành phố, khách từ các quốc gia châu Âu chiếm khoảng 24%, khách từ các quốc gia châu Mỹ chiếm 9%, còn lại thuộc châu Đại Dương và châu Phi. Các thị trường khách du lịch trọng điểm đến Hà Nội là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Anh, Đức, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Canada... Trong đó, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Hà Nội.
Ông Yoshimi Ando, khách du lịch đến từ Nhật Bản đánh giá, Hà Nội hấp dẫn du khách bởi đặc trưng văn hóa, lịch sử và cảnh quan đặc sắc. Trong những ngày tham quan ở Hà Nội, ông Yoshimi Ando không chỉ được thăm các di tích, thắng cảnh, mà còn được tìm hiểu truyền thống văn hóa của Thủ đô, được trải nghiệm cuộc sống của người dân phố cổ. Đó là điều thú vị nhất đối với ông.
Bên cạnh việc khai thác những lợi thế sẵn có để phát triển du lịch, những năm gần đây, ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục xây dựng những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Hà Nội. Khách du lịch đến Hà Nội không chỉ biết đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn… mà còn biết tới du lịch cộng đồng tại Ba Vì, du lịch nông nghiệp sạch ở huyện Mê Linh, Thanh Trì, Ứng Hòa, du lịch làng cổ ở Đường Lâm, Cự Đà… Hạ tầng du lịch từ cơ sở lưu trú, giao thông, bến bãi, hệ thống dịch vụ du lịch được cải thiện. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cũng có nhiều đột phá đáng kể. Ngoài việc quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội cũng như Việt Nam trên kênh truyền hình quốc tế CNN, ngành Du lịch Hà Nội còn xây dựng hệ thống du lịch thông minh, mở rộng hợp tác với các tổ chức du lịch quốc tế.
Khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu
Những năm gần đây, khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng trưởng tốt; vì vậy mục tiêu đón gần 28,6 triệu lượt khách du lịch trong năm 2019, trong đó khách quốc tế là gần 6,7 triệu lượt, không quá xa vời. Các chuyên gia du lịch cũng như các doanh nghiệp lữ hành nhận định, ngành Du lịch Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được con số này, thậm chí vượt chỉ tiêu nếu nhìn vào những gì Hà Nội đã làm được trong thời gian gần đây.
Bà Dương Mai Lan, Giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ lữ hành Thuận An – Ascend Travel cho rằng, du lịch Hà Nội trong những năm qua nhìn chung tăng trưởng tốt. Song theo bà, để có sự đột phá, Hà Nội cần đa dạng hóa thêm các sản phẩm du lịch, đặc biệt là phát huy lợi thế về du lịch ẩm thực. Bởi thực tế, văn hóa ẩm thực Hà Nội mang tính riêng có, nổi danh cả nước và quốc tế, sẽ là yếu tố có sức hút rất lớn đối với khách du lịch.
Thực tế, du lịch Hà Nội cũng đang tính đến việc thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch; trọng tâm là xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa là điểm đến du lịch gắn với di sản, di tích lễ hội, làng nghề, ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng. Ngành Du lịch Thủ đô tập trung cùng các địa phương, các ngành hỗ trợ xây dựng, phát triển, để phát huy loại hình sản phẩm du lịch này hoạt động hiệu quả cao hơn, tăng tỷ trọng trong cơ cấu chi tiêu của khách du lịch.
Theo ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, ngành Du lịch Hà Nội triển khai kế hoạch tổ chức điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng hoạt động của các khu du lịch, điểm tham quan du lịch hiện đang hoạt động trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, ngành đề xuất danh mục các khu, điểm du lịch chất lượng cao cần tập trung đầu tư gắn với các mục tiêu, lộ trình, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng điểm đến du lịch hấp dẫn của thành phố giai đoạn 2018 - 2020.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp tham mưu UBND thành phố thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch và khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp, xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố. Bởi ngoài việc đạt được mục tiêu đón khách, du lịch Hà Nội vẫn cần tiếp tục khẳng định vị thế là điểm đến hàng đầu trong nước và quốc tế.
Đinh Thuận
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất