22/10/2013 13:05 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - El Salvador một trong những quốc gia hiếm hoi còn lại duy trì đạo luật chống phá thai hà khắc nhất trên thế giới. Phụ nữ dù cố tình nạo phá thai hay sảy thai ngoài ý muốn đều có thể bị bỏ tù với tội danh giết người.
Glenda Xiomara Cruz, 19 tuổi, đã bất ngờ bị đau bụng và ra máu nhiều vào sớm 30/10/2012. Khi vào viện, các bác sĩ nói rằng cô đã bị sảy thai.
Trường hợp điển hình
Đó cũng là lần đầu tiên Cruz biết bản thân mang thai do chu kỳ kinh nguyệt của cô vẫn diễn ra đều đặn, trọng lượng cơ thể không tăng và một cuộc xét nghiệm thai diễn ra hồi tháng 5 cho kết quả âm tính. Điều đáng nói là 4 ngày sau khi được xác nhận sảy thai, Cruz đã bị buộc tội giết người ở mức nghiêm trọng - cố ý giết thai nhi khoảng từ 38 đến 42 tuần tuổi.
Sau 3 tuần điều trị trong bệnh viện do quá yếu, Cruz đã phải trình diện trước tòa. Tòa án El Salvador sau đó đã kết án 10 năm tù với Cruz, bất chấp gia đình cô đã kháng cáo. Tòa nói rằng cô lẽ ra đã có thể cứu mạng đứa trẻ.
Một nhà hoạt động bênh vực quyền phá thai ở El Salvador
Luật sư Dennis Munoz Estanley cho biết hệ thống pháp luật của đất nước El Salvador có phần hà khắc với người phụ nữ, gồm việc chứng minh vô tội trong tình huống sảy thai.
"Glenda Xiomara Cruz là nạn nhân của một hệ thống bất công và phân biệt đối xử với phụ nữ. Những người phụ nữ trẻ hầu như sẽ bị kết tội giết người nếu không thể mang thai đứa trẻ thành công" - cha của Cruz nói và mô tả đây là một sự "bất công khủng khiếp".
Ông còn khai trước tòa rằng con gái mình đã bị bạn tình đánh đập tàn bạo trong nhiều năm. Ông có nhắc tới việc cơ quan công tố đã dựa nhiều vào lời khai của người bạn tình rằng con gái ông cố tình giết đứa trẻ, để đề nghị mức án tù 50 năm dành cho cô.
Luật chống phá thai hà khắc nhất
Tổ chức Ân xã Quốc tế mô tả đạo luật cấm phá thai của El Salvaldor mang tính chất "tàn bạo và phân biệt đối xử". "Nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã phải dành quãng thời gian tuổi trẻ ở trong tù do bị sảy thai ngoài ý muốn" - tổ chức này nói. |
Từ năm 1998, luật pháp El Salvador đã siết chặt lệnh cấm phá thai, không ngoại trừ một trường hợp ngoại lệ nào, ngay cả khi người phụ nữ đối mặt với khả năng bị hãm hiếp hoặc sảy thai ngoài ý muốn do những yếu tố chủ quan.
Theo một nghiên cứu của Nhóm Công dân đấu tranh vì sự phi hình sự hóa hoạt động phá thai, từ năm 2000 đến năm 2011 hơn 200 trường hợp phụ nữ sảy thai đã được báo cáo với cảnh sát. Trong số này có 129 người đã bị truy tố và kết án về tội giết người, với khung hình phạt từ 12 đến 35 năm tù. Từ năm 2012 tới nay đã có thêm 7 trường hợp khác bị khởi tố.
Nghiên cứu nhấn mạnh, những phụ nữ bị kết tội đa phần là những người nghèo, chưa lập gia đình và có học vấn thấp. Họ thường bị tố cáo bởi chính các bệnh viện công, nơi đã tiến hành cứu chữa trong quá trình sảy thai. Trong khi đó, không có vụ nào được báo cáo từ các cơ sở y tế tư nhân, nơi được cho là có hàng ngàn vụ nạo phá thai diễn ra mỗi năm.
Luật sư Munoz đã tiến hành làm việc với 29 phụ nữ bị giam giữ do sảy thai và giúp 8 người được trả tự do sớm. "Những gì tôi phát hiện thấy đã chỉ ra rằng chỉ có một người cố ý nạo phá thai, trong khi 28 người phụ nữ khác đã gặp phải những biến chứng sản khoa tự nhiên nhưng đều bị kết tội giết người mà không cần bằng chứng trực tiếp" - ông nói.
Năm ngoái, Tòa án El Salvador từng gây chú ý khi kết án kỷ lục 40 năm tù giam với người phụ nữ có tên Maria Teresa Rivera với tội danh giết người, do cô đã bị sảy thai.
Cristina Quintanilla đã bị tuyên phạt 30 năm tù vì sảy thai
Chưa thể thay đổi tình hình
Bà Morena Herrera đến từ tổ chức chống hình sự hóa hoạt động nạo phá thai cho biết, nhiều người phụ nữ nghèo bị sảy thai thường quá sợ hãi và không có đủ tiền để tìm đến sự trợ giúp của cơ quan y tế.
Luật cấm nạo phá thai hà khắc ở El Salvador còn dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng khác. Tại El Salvador, tỷ lệ phụ nữ tự tử trong khoảng 10 - 19 tuổi đạt mức cao nhất vào năm 2011, với một nửa trong số đó là những người đã mang thai.
Đầu năm nay, cô gái 22 tuổi có tên Beatriz đã bị Tòa án tối cao El Salvador từ chối quyền phá thai, dù cuộc sống của cô và thai nhi bị dị tật trong bụng có thể gặp nguy hiểm. Sức khỏe của Beatriz đã xấu đi trong khi phiên tòa vẫn còn đang mất nhiều tháng tranh cãi về khả năng phá thai. Sự việc sau đó đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.
Bộ trưởng Y tế Maria Isabel Rodriguez đã chỉ trích luật chống phá thai trong hoàn cảnh của Beatriz. Từ năm 2009, chính phủ El Salvador đã không có bất cứ nỗ lực nào nhằm thay đổi các quy định hà khắc của mình do trong chính quyền vẫn còn nhiều người theo khuynh hướng bảo thủ.
Hồng Đăng (theo BBC)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất