Hà Nội ô nhiễm nhất Đông Nam Á

22/03/2012 08:57 GMT+7 | Thế giới

Hà Nội là thành phố có mức ô nhiễm không khí cao nhất Đông Nam Á, theo nhiều ý kiến đánh giá tại Hội thảo Cải thiện chất lượng không khí và giao thông đô thị ngày 21-3 ở Hà Nội.



Số người nhiễm bệnh do ô nhiễm không khí có thể tăng gấp đôi tại Hà Nội vào năm 2020 Ảnh: Nguyễn Hoài.

Nguy cơ mắc bệnh tăng gấp đôi

Theo Trung tâm Quan trắc Môi trường (Tổng cục Môi trường), kết quả quan trắc thời gian gần đây cho thấy, chất lượng môi trường không khí của Hà Nội đang suy giảm, vấn đề ô nhiễm bụi đang có chiều hướng gia tăng. Tại một số khu vực của thủ đô có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn cục bộ. Tại nhiều nút giao thông như Kim Liên - Giải Phóng, Phùng Hưng - Hà Đông, khu vực Thượng Đình (Thanh Xuân), khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Nội Bài, khu Bia Hà Đông (Hà Đông) nồng độ bụi, NO2, CO đều vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng không khí xung quanh.

Kết quả công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos cho thấy, Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có môi trường không khí tệ nhất thế giới, đứng thứ 123 trong tổng số 132 nước.



Ông Jacques Moussafir, Cty ARIA Technologies (Pháp) cho biết, hàm lượng bụi kích thước nhỏ ở Hà Nội cao gấp bốn lần mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). ARIA Technologies chuyên cung cấp giải pháp phần mềm tính toán, mô phỏng ô nhiễm môi trường không khí và hỗ trợ dự báo khí tượng. “Hà Nội là một trong những thành phố ô nhiễm nhất châu Á và chắc chắc là thành phố ô nhiễm nhất khu vực Đông Nam Á”, ông Moussafir nói. Mức độ ô nhiễm của Hà Nội tương đương thành phố Dehil và Karachi, 2 trong 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, ông nói.

Nếu không có biện pháp nào thì nồng độ phát thải bụi mỗi năm tại Hà Nội có thể đạt 200 mg/m3 vào năm 2020, gấp 10 lần mức khuyến cáo của WHO, theo ông Jacques. Nếu tình huống này xảy ra thì số lượng trường hợp nhiễm bệnh do ô nhiễm không khí sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Nguy cơ mắc bệnh viêm phế quản cấp và mạn tính, hen suyễn, vấn đề tim mạch sẽ tăng gấp đôi, đặc biệt là với trẻ nhỏ và người già.

Giảm phương tiện giao thông cá nhân

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, hoạt động giao thông chiếm tới 70% tỷ lệ đóng góp ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Với khoảng bốn triệu phương tiện giao thông, hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng khí thải CO và 95% lượng (Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs). VOCs là các độc tố làm giảm trí nhớ, khả năng nhận thức, phối hợp động tác giữa mắt và tay, gia tăng tỷ lệ ung thư.

“Giảm phương tiện giao thông cá nhân, tăng tỷ lệ người tham gia phương tiện giao thông công cộng sẽ là biện pháp hữu hiệu nhất để cải thiện chất lượng không khí ở Hà Nội”, bà Marie Cécile Tardieu Smith (Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam), nói.

Phương án phát triển hệ thống tàu điện được nhiều nhà khoa học đưa ra. Bà Marie nói: “Việc xây dựng hệ thống tàu điện ngầm sẽ có lợi cho chất lượng không khí ở Hà Nội”. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho hay tại Bangkok (Thái Lan) cách đây 10 năm, tình hình ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi thành phố này phát triển hệ thống tàu điện trên cao và tàu điện ngầm, môi trường không khí được cải thiện rất nhiều.

Tuy nhiên, vấn đề trước mắt của Hà Nội là cần thiết lập hệ thống quan trắc môi trường đầy đủ hơn. Hà Nội hiện chỉ có hai trạm quan trắc đặt tại 36A Phạm Văn Đồng (Cầu Giấy) và Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội). Con số này là quá ít để đánh giá tổng quan môi trường không khí của Hà Nội. Cần ít nhất là 10 trạm quan trắc trở lên ở Hà Nội, ông Tùng nói.

Cần minh bạch hóa thông tin về môi trường

Theo GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia hàng đầu về môi trường không khí Việt Nam, tất cả dữ liệu về môi trường không khí cần phải được tập hợp, làm tường minh và công bố trên website để các nhà khoa học và người dân có thể theo dõi. Đồng thời, dữ liệu phải được tổng hợp từng tháng, từng năm. Trên cơ sở đó mới đánh giá được diễn tiến của môi trường không khí ở Việt Nam năm này so với năm khác, giai đoạn này so với giai đoạn khác. Đồng thời sẽ giúp đánh giá được hiệu quả đầu tư cho cải thiện môi trường không khí. Việc làm trên đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện nhưng tại Việt Nam còn yếu, GS Hiển nói.

 
Theo Tiền phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm