13/07/2019 14:28 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Ngày 12/7, với 251 phiếu thuận và 170 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thông qua một nội dung sửa đổi trong một dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020 nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp quân sự nhằm vào Iran.
Nội dung sửa đổi dự thảo Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) cấm cấp ngân sách cho việc triển khai hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Iran nếu Quốc hội không tuyên bố tình trạng chiến tranh hoặc không ban hành một văn kiện pháp lý cụ thể cho phép điều này.
Có 27 nghị sĩ đảng Cộng hòa đứng về phía phe Dân chủ ủng hộ quyết định trên, trong đó có Hạ nghị sĩ Matt Gaetz, người đồng bảo trợ cho nội dung sửa đổi. Trong khi đó, 7 nghị sĩ Dân chủ bỏ phiếu chống.
Trao đổi với báo giới, Hạ nghị sĩ Ro Khanna thuộc đảng Dân chủ, người bảo trợ chính cho nội dung sửa đổi trên, nhấn mạnh biện pháp này phát một tín hiệu mạnh mẽ tới Tổng thống Trump rằng người Mỹ, cả Dân chủ lẫn Cộng hòa, đều không muốn có thêm một cuộc chiến ở Trung Đông. Theo ông Khanna, Tổng thống Trump hiểu rõ điều này và đó cũng là điều mà ông chủ Nhà Trắng đã cam kết khi vận động tranh cử. Do đó, việc thông qua nội dung sửa đổi trên là sự nhắc nhở Tổng thống Trump về tâm tư, quan điểm của công chúng để không đưa nước Mỹ sa lầy vào một cuộc chiến "hao tiền tốn của" khác.
Nội dung sửa đổi trên là yêu cầu chủ chốt của những nhân vật cấp tiến tại Hạ viện Mỹ, trong bối cảnh giới lãnh đạo phe Dân chủ tìm cách giành được các lá phiếu ủng hộ để thông qua NDAA mà không cần sự ủng hộ của phe Cộng hòa. Những người cấp tiến cho rằng mức chi tiêu lên tới 733 tỷ USD của đạo luật này là quá cao, song cũng ngỏ ý sẽ ủng hộ dự luật này nếu các sửa đổi quan trọng được thông qua, cụ thể là những sửa đổi liên quan đến quyền phát động chiến tranh của Tổng thống Trump.
Trước đó, một nội dung sửa đổi tương tự đối với NDAA đã gặp thất bại tại Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát. Hai viện quốc hội Mỹ sẽ phải thương lượng để hoàn tất NDAA.
Căng thẳng đã gia tăng trong quan hệ Mỹ-Iran sau khi Tổng thống Trump năm ngoái quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và các cường quốc, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran.
Quan ngại về khả năng đụng độ quân sự gia tăng kể từ khi xảy ra các vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman hôm 13/6 và 4 tàu chở hàng ở ngoài khơi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 12/5. Cả hai đợt tấn công này đều xảy ra gần Eo biển Hormuz án ngữ tuyến vận chuyển dầu mỏ và khí đốt quan trọng của thế giới. Mỹ và đồng minh khu vực là Saudi Arabia cáo buộc Iran tiến hành các vụ tấn công này, điều mà Tehran bác bỏ.
Quân đội Mỹ đã điều động các lực lượng, gồm nhóm tác chiến tàu sân bay và máy bay ném bom chiến lược B-52 đến Trung Đông. Cho dù Tổng thống Trump tuyên bố không muốn chiến tranh với Iran, nhưng những diễn biến này khiến dư luận lo ngại nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm hoặc căng thẳng hơn nữa có thể đẩy Mỹ và Iran vào một cuộc xung đột.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất