Học giả Mỹ: Trung Quốc đang hủy hoại môi trường tự nhiên ở Trường Sa

25/05/2015 11:53 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) cuối tuần qua đã tổ chức cuộc hội thảo với chủ đề “Hội tụ Khoa học Biển và Địa chính trị tại Biển Đông”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các học giả và chuyên gia hàng đầu tại các trường đại học, các viện nghiên cứu của Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, các chuyên gia đã tập trung thảo luận những vấn đề như điều kiện tự nhiên khoa học, thực trạng và những diễn biến địa chính trị thời gian gần đây tại Biển Đông, mức độ ảnh hưởng của các hoạt động đó đối với vùng biển này. Các học giả Mỹ đồng nhất quan điểm cho rằng những hoạt động cải tạo và san lấp thời gian qua là hết sức đáng quan ngại, đe đọa hủy hoại môi trường tự nhiên và môi trường sinh thái biển ở Biển Đông.

Giáo sư John McManus, Giám đốc phụ trách chuyên ngành sinh vật học hải dương và nghề cá thuộc Đại học Miami đã đi sâu phân tích môi trường sinh thái đa dạng ở quần đảo Trường Sa nói riêng và Biển Đông nói chung, nhất là các cấu trúc hệ san hô, tính đa dạng sinh thái vùng đảo này. Trong phần phát biểu của mình, Giáo sư John McManus bày tỏ lo ngại trước những thông tin khẳng định Trung Quốc đang tiến hành đổ cát, bồi đắp và mở rộng các đảo đá và bãi ngầm với qui mô lớn ở Biển Đông. 

Theo ông, những hoạt động như thế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái biển ở khu vực quần đảo Trường Sa, tàn phá các rạn san hô, các loài sinh vật biển.


Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thanh Tuấn – TTXVN

Giáo sư John McManus cũng nhận định hoạt động đánh bắt cá bừa bãi ở Biển Đông hiện rất đáng báo động, đặc biệt việc Trung Quốc điều các đội tàu tải trọng lớn và hiện đại, đánh bắt dài ngày ở Biển Đông là phi khoa học và rất đáng quan ngại. Giáo sư John McManus đưa ra ý tưởng xây dựng “Công viên Hòa bình Biển” (Marine Peace Park) ở quần đảo Trường Sa, trong đó nhấn mạnh yêu cầu giữ nguyên hiện trạng, không cải tạo các đảo và bãi đá với qui mô lớn. Việc đàm phán Bộ Qui tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) cũng cần phải bao hàm cả việc kiểm soát các hoạt động tác động xấu đến môi trường ở vùng biển này.

Một trong những bài phát biểu được đánh giá cao tại cuộc hội thảo là của James Borton, cựu phóng viên tờ “Thời báo Washington” và là tác giả của cuốn sách mang tựa đề “Biển Đông: Thách thức và Triển vọng”. Ông James Borton cho rằng Biển Đông đang đối mặt với thực trạng là các tranh chấp chủ quyền liên tục leo thang, trong đó Trung Quốc ngày càng uy hiếp các quốc gia láng giềng nhỏ hơn và có tiềm lực quân sự yếu hơn. 

Việc Trung Quốc gia tăng các vụ xung đột và đụng độ với các nước láng giềng liên quan tới chủ quyền tại Biển Đông có nguy cơ gây ra một thảm họa về môi trường, tự do hàng hải, gây phương hại ngành đánh bắt cá, đe dọa các hệ sinh thái biển và một trong những vùng biển có hệ san hô đẹp nhất của thế giới. Ông cho biết dù Trung Quốc khẳng định các dự án bồi đắp các đảo và bãi đã không gây hại cho môi trường, song chứng cứ thu thập được cho kết quả hoàn toàn trái ngược.

 Theo ông James Borton, hoạt động bồi đắp và mở rộng đảo đá của Trung Quốc được giới khoa học và chuyên gia nhìn nhận là vi phạm trực tiếp Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS). Ông cũng cho rằng hoạt động đánh bắt cá của Trung Quốc đang hủy hoại môi trường tự nhiên tại Biển Đông, nhất là sau khi nước này triển khai một đội tàu đánh bắt lên tới 30 chiếc xuống quần đảo Trường Sa hồi năm 2012, trong đó có một tàu chế biến tải trọng 3.000 tấn.

 Về giải pháp cho thực trạng trên, ông James Borton đề xuất thành lập Ủy ban Đa phương Biển Đông Xanh, với sự can dự và ủng hộ của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Và quan trọng hơn là các quốc gia liên quan cần phải kiềm chế, giải quyết các khác biệt quyền lợi qua cơ chế đối thoại hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm