09/06/2019 21:28 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Chiều 9/6, lãnh đạo tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã ra tuyên bố chung kết thúc cuộc họp tại Fukuoka (Nhật Bản), trong đó nhấn mạnh nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt các thách thức lớn như căng thẳng thương mại, căng thẳng địa chính trị, vấn đề già hóa dân số...
Sau 30 giờ thảo luận, các bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương G20 đã ra tuyên bố chung thừa nhận rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn thấp trong khi các căng thẳng thương mại và địa chính trị đang ngày càng gia tăng. Tuyên bố chung nêu rõ thương mại quốc tế và đầu tư cần tiếp tục là những động lực quan trọng của tăng tăng trưởng, sản xuất, cải cách, tạo việc làm và phát triển. Tuy nhiên, tuyên bố chung không đề cập tới vấn đề chủ nghĩa bảo hộ trong bối cảnh cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, cũng như không nhắc đến cụm từ "cần khẩn cấp giải quyết các căng thẳng thương mại" như trong bản dự thảo, do yêu cầu của Mỹ.
Trong hai ngày qua, các lãnh đạo tài chính G20 cũng đã thảo luận nhiều vấn đề gai góc như đánh thuế những "gã khổng lồ" Internet, và lần đầu tiên nói về các thách thức kinh tế mà tình trạng già hóa dân số đặt ra... Tuy nhiên, các tranh cãi thương mại vẫn là trọng tâm khi Mỹ và Trung Quốc tiếp tục cảnh báo áp thuế lẫn nhau, khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại đây có thể trở thành "phanh hãm" tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các mức thuế trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,5% GDP toàn cầu vào năm 2020, tương đương 455 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh cần giải quyết các bất đồng để tránh nhấn chìm nền kinh tế thế giới vào một cuộc khủng hoảng mới.
Liên quan vấn đề này, trước khi cuộc họp diễn ra, Mỹ và Mexico đạt một thỏa thuận về vấn đề người di cư, giúp ngăn chặn kế hoạch Washington đánh thuế 5% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico. Tuy nhiên, phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Washington sẵn sàng áp thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc nếu Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không đạt thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh G20 cuối tháng này ở Osaka (Nhật Bản).
Có một cách nhìn khác với các đồng nghiệp, ông Mnuchin cho rằng sự chậm lại của một vài nền kinh tế trên thế giới không phải do bất đồng thương mại, thậm chí còn nói rằng tranh cãi thương mại này có thể có lợi cho một số quốc gia nếu các công ty di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh bị đánh thuế.
Một vấn đề khác được nêu trong tuyên bố chung là việc cải cách hệ thống thuế toàn cầu nhằm tính đến sự nổi lên của các "gã khổng lồ" Internet như Google và Facebook. Trong tuyên bố, các nước G20 nhất trí tăng cường nỗ lực để tìm ra một giải pháp cải cách hệ thống đánh thuế quốc tế dựa trên đồng thuận, và ra báo cáo cuối cùng vào năm 2020. Tuy nhiên, cả trong vấn đề này, hội nghị ở Fukuoka cũng có những khác biệt về quan điểm, liên quan đến việc sẽ cải cách như thế nào. Sốt ruột vì thiếu một hành động toàn cầu trong vấn đề này, một số nước như Anh và Pháp đã áp dụng thuế kỹ thuật số, nhưng Bộ trưởng Mnuchin cho biết Mỹ "đặc biệt lo ngại" về hai khoản thuế mà Pháp và Anh đang áp dụng. Mặc dù vậy, ông Mnuchin thừa nhận việc Anh và Pháp áp thuế kỹ thuật số cho thấy sự cần thiết phải sớm đạt đồng thuận chung nhằm giải quyết vấn đề này.
Về vấn đề dân số già, các bộ trưởng G20 cảnh báo cần giải quyết vấn đề này trước khi quá muộn. Tuyên bố chung nêu rõ "những thay đổi về dân số... đặt ra các thách thức và cơ hội đối với tất cả các thành viên G20" và vấn đề này đòi hỏi "sự phối hợp các chính sách tài chính, tiền tệ, thuế khóa và cấu trúc". Hội nghị gợi ý nên khuyến khích nhiều phụ nữ và người già tham gia lực lượng lao động, và "thúc đẩy các ngành công nghiệp thân thiện với người già", cũng như cải cách các hệ thống thuế khóa và ngân hàng để tính đến dân số đang già hóa. Công nghệ có thể giúp huấn luyện người lao động già cũng như hỗ trợ họ tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe và quản lý tài chính. Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) Angel Gurria nhấn mạnh giải quyết vấn đề này đòi hỏi những thay đổi lớn về cách tổ chức xã hội./.
Bích Liên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất