IMF: Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nguy hại cho tăng trưởng toàn cầu

24/05/2019 14:59 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 23/5, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cho rằng cuộc chiến này không chỉ "gây nguy hại" cho tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019, mà còn làm suy yếu niềm tin cũng như đẩy giá cả tiêu dùng tăng cao.              

LHQ cảnh báo hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

LHQ cảnh báo hậu quả chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tìm được giải pháp đột phá cho vấn đề thương mại, Liên hợp quốc ngày 4/2 đã cảnh báo việc Mỹ dự định áp thuế nhập khẩu với hàng hóa Trung Quốc sẽ để lại hậu quả lớn cho thương mại toàn cầu, cũng như châm ngòi cho sự suy giảm kinh tế thế giới.

Bà Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF, đã thẳng thừng bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump cho rằng các mức thuế mà Trung Quốc đang phải trả mang đến nguồn thu lớn cho kho bạc Mỹ, giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ.

Trong bài viết đăng trên blog cá nhân, bà Gopinath và một số cộng sự đã cảnh báo rằng thiệt hại kinh tế thậm chí còn tồi tệ hơn nếu ông chủ Nhà Trắng không chỉ dừng ở lời đe dọa mà sẽ áp mức thuế cao nhất đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, vì điều đó sẽ làm giảm khoảng 1/3 GDP toàn cầu trong ngắn hạn.       

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Ngân hàng Thế giới (WB). Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Mặc dù ông chủ Nhà Trắng nói rằng mục tiêu chính từ chiến lược thuế cao của chính quyền Washington là nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc, đã lên tới 379 tỷ USD trong năm 2018, tuy nhiên, bà Gopinath lập luận rằng căng thẳng thương mại trên thực tế đã gây thiệt hại cho cả hai nền kinh tế lớn này, vừa giảm thương mại tổng thể và vừa tác động đến các công ty, trong khi thâm hụt thương mại song phương vẫn không hề thay đổi. Thậm chí, kể từ khi các nhà nhập khẩu chuyển sang mua hàng của các nước khác, tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ cũng không thay đổi đáng kể.              

Bà Gopinath khẳng định mặc dù tác động đến tăng trưởng toàn cầu là khá khiêm tốn tại thời điểm này, nhưng căng thẳng leo thang vừa qua có thể ảnh hưởng đáng kể thị trường tài chính và kinh doanh, gây bất ổn cho chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí nguy hiểm cho sự phục hồi được dự báo của tăng trưởng toàn cầu năm 2019.

Ngoài ra, nếu mức thuế quan tiếp tục leo thang, khiến hàng loạt mặt hàng tiêu dùng trở nên đắt đỏ hơn và điều này tác động trực tiếp đến các hộ gia đình thu nhập thấp không tương xứng.              

Tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gặp trở ngại sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh "quay lưng" với những cam kết giữa hai bên, liên quan việc phía Trung Quốc muốn điều chỉnh một số điểm trong dự thảo thỏa thuận thương mại đã được dày công xây dựng sau 10 vòng đàm phán.

Căng thẳng gia tăng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 10/5 ra lệnh áp mức thuế bổ sung, tăng từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, đúng thời điểm hai bên đang tiến hành đàm phán. Ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn đe dọa áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị khoảng 325 tỷ USD, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể khiến Trung Quốc đáp trả và đẩy cuộc chiến thương mại tưởng như sắp kết thúc này leo thang trở lại. Trung Quốc cũng thông báo sẽ tăng thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ ngày 1/6 tới.                             

Phương Hoa/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm