12/07/2018 10:25 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 11/7, bên lề Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại thủ đô Brussels (Bỉ), Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc thảo luận ngắn về căng thẳng thương mại song phương.
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận nỗ lực cứu vãn Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và những tác động tới tiến trình tái đàm phán hiệp định 24 năm tuổi này sau cuộc bầu cử tổng thống Mexico với chiến thắng thuộc về ông Andres Manuel Lopez Obrador. Nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Trudeau xác nhận cuộc thảo luận diễn ra “tích cực” song không công bố thêm thông tin chi tiết.
Cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh Canada và Mỹ đang vướng vào căng thẳng thương mại nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây với việc hai bên cùng công bố các mức thuế đánh vào hàng hoá của nhau. Trong động thái gần đây nhất hôm 29/6, Chính phủ Canada đã quyết định áp thuế đối với lượng hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá 16,6 tỷ USD. Các biện pháp này có hiệu lực từ ngày 1/7 nhằm đáp trả việc chính quyền Mỹ áp thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ Canada và một loạt nước khác. Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định: “Canada không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải đáp trả Mỹ bằng các biện pháp đối ứng và sẽ duy trì cho tới khi Washington dỡ bỏ các biện pháp hạn chế thương mại đối với Canada".
Ngoài việc công bố quyết định áp thuế trả đũa Mỹ, Chính phủ Canada cũng đưa ra gói hỗ trợ tài chính trị giá nhiều tỷ đôla Canada (CAD) cho các ngành bị ảnh hưởng bởi căng thẳng thương mại song phương, trong đó có 2 tỷ CAD dành cho ngành công nghiệp nhôm, thép và lĩnh vực sản xuất. Đây là lần đầu tiên Canada áp đặt các biện pháp trả đũa cứng rắn như vậy đối với đồng minh và cũng là đối tác thương mại lớn nhất của nước này.
Mỹ hiện nhập tới 75% tổng lượng hàng hoá xuất khẩu của Canada và từng đe dọa sẽ áp thuế đối với mặt hàng ô tô và phụ tùng ô tô của Canada. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định của Canada có thể dẫn tới các hành động trả đũa tiếp theo của Mỹ.
Trong khi đó, sau ngày họp đầu tiên 11/7 tại Brussels (Bỉ), lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí phát triển một Chính sách Không gian toàn diện của liên minh này.
Trong tuyên bố của hội nghị, các lãnh đạo NATO khẳng định: "Công nhận không gian vũ trụ là một lĩnh vực phát triển rất năng động và nhanh chóng, là then chốt đối với vị thế phòng thủ và răn đe của liên minh, chúng tôi nhất trí phát triển một chính sách không gian toàn diện".
Ngoài việc nhất trí tăng cường phòng thủ và răn đe của liên minh trên biển và trên không, NATO đã quyết định khởi động sáng kiến về đảm bảo tăng cường lực lượng sẵn sàng chiến đấu và thiết lập hai đơn vị chỉ huy mới trên đất liền trong cơ cấu chỉ huy của mình. Tuyên bố chung nêu rõ: "Sáng kiến về sẵn sàng hành động" của NATO cho phép tổ chức này có thể huy động các lực lượng quốc gia chất lượng cao với khả năng sẵn sàng chiến đấu. NATO mong muốn thiết lập ít nhất hai đơn vị chỉ huy mặt đất trong thời gian sớm nhất có thể."
Cũng tại hội nghị, NATO một lần nữa nhắc lại kế hoạch thành lập một Trung tâm Điều hành không gian mạng có trụ sở tại Bỉ nhằm điều phối các hoạt động của tổ chức này trên không gian mạng, bên cạnh đó là một sở chỉ huy đóng tại Norfolk (Mỹ) và một sở chỉ huy cho nhiệm vụ triển khai nhanh lực lượng tại châu Âu ở Ulm (Đức).
NATO cũng công bố thành lập một nhóm hỗ trợ và cung cấp trợ giúp cho các đồng minh trong trường hợp bị đe dọa đồng thời tiếp tục ủng hộ các đối tác tăng cường khả năng thích ứng với các thách thức lớn. Trong trường hợp phải đối mặt với mối đe dọa lớn đối với một trong các thành viên, NATO có quyền kích hoạt Điều 5 của Hiến chương NATO về quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể.
Trong tuyên bố của hội nghị, NATO cũng thừa nhận liên minh quân sự này đang phải đối mặt với những mối đe dọa mới đến từ tên lửa hành trình và các thiết bị bay không người lái cũng như việc phổ biến những công nghệ liên quan. Tuyên bố viết: "Chúng tôi đối mặt với những mối đe dọa mới từ tên lửa hành trình và việc phổ biến công nghệ liên quan cũng những từ những thách thức mới, như các phương tiện nay không người lái, và sẽ theo dõi những diễn biến có thể tác động đến an ninh của liên minh".
Hội nghị thượng đỉnh lần này là lần thứ 7 được tổ chức tại Brussels. 54 đoàn đại biểu chính thức tham dự bao gồm 29 nước thành viên, 20 nước đối tác cùng một số tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Thế giới (WB) và Hội đồng Nghị viện NATO.
TTXVN/Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất