20/11/2016 10:45 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ai bị bắt làm con tin, người ấy biết số phận mình nằm trong tay hung thủ và được định đoạt bởi những yếu tố thực ra không liên quan gì đến mình. Thông thường, nạn nhân sẽ oán thán số phận, dĩ nhiên căm thù hung thủ - hoặc nảy sinh tình cảm với hung thủ? Trong giới tâm lý học, “Hội chứng Stockholm” là một trong những lý thuyết gây tranh cãi nhất.
Trong nhà băng bên quảng trường Norrmalmstorg...
… Jan-Erik Olsson cố thủ cùng bốn con tin rất trẻ, từ 21-31 tuổi, và trợ thủ của hắn là Clark Olofsson, kẻ vừa được giải thoát khỏi tù. Đến ngày thứ ba thì các hung thủ bắt đầu đàm phán với cảnh sát bên ngoài. Bốn hôm sau, một con tin là Kristin Enmark, 23 tuổi, được tiếp các chuyên gia tâm lý bên giường bệnh viện. Câu hỏi đầu tiên cho Enmark: “Chị yêu Clark Olofsson?”
Đây là vụ nổi tiếng nhất trong lịch sử hình sự Thuỵ Điển, cũng là cái tên được gắn liền với một hiện tượng chưa hề được nghiên cứu thấu đáo - "Hội chứng Stockholm" - được hiểu là “một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc (Wikipedia)”.
Kristin Enmark, vẫn bị ám ảnh sau ngót nửa thế kỷ
Hệ thống quản lý dữ liệu bắt cóc của FBI ước tính ít nhất 8% các nạn nhân có biểu hiện của hội chứng này. Nạn nhân thậm chí ủng hộ động cơ của hung thủ, cả sau khi đã được giải thoát. Như Kristin Enmark.
Vụ cướp nhà băng Svenska Kreditbanken nói trên diễn ra hôm 23-8-1973. Một người đàn ông cầm súng tiến vào, bắt một loạt lên trần nhà và hét: “Bữa tiệc bắt đầu!” Hai cảnh sát xông vào, bị bắn hạ một. Sau đó hung thủ thả 56 người, chỉ giữ lại bốn nhân viên ngân hàng làm con tin. Norrmalmstorgsdramat – tấn kịch Norrmalmstorg – bắt đầu, không phải vụ bắt cóc con tin đầu tiên, nhưng nó được truyền thông trực tiếp tường thuật từ đầu đến cuối và do đó mang tiếng vang lớn hơn cần thiết.
Jan-Erik Olsson...
… trước đó mấy tuần còn ngồi sau song sắt. Hắn đòi nhà nước ba triệu Krona tiền chuộc và phải thả bạn cùng xà lim cũ của hắn là Clark Olofsson. Sáng hôm sau Olofsson được đưa đến nhà băng. Olsson đòi một ô tô tốc độ cao để rời khỏi hiện trường.
Buổi chiều hắn được nối điện thoại trực tiếp với Thủ tướng đương nhiệm Olof Palme. Lần này một nạn nhân lên tiếng - Kristin Enmark: "Palme, ông làm tôi rất thất vọng! Cả đời tôi ủng hộ phe xã hội dân chủ, nhưng ông đánh bạc với mạng sống của chúng tôi. Tôi không sợ hai người đàn ông này, họ bảo vệ chúng tôi!”.
Các tay súng bắn tỉa phục kích cùng nhà báo trước nhà băng
Báo chí và truyền hình tường thuật tỉ mỉ từng chi tiết các cuộc thương lượng, nói chung toàn bộ diễn biến được đưa sốt dẻo ngay ra dư luận. Cả nước Thuỵ Điển ngơ ngác – cái gì đã xảy ra với cô gái trẻ ấy?
Những người bị bắt cóc và doạ giết sẽ sa vào trạng thái sốc, ở mức độ nào đó họ không còn tin vào cảm nhận và năng lực đánh giá của mình nữa. Họ bị tách rời khỏi thế giới xung quanh, dĩ nhiên vẫn muốn sống sót và muốn tình hình không bị đẩy đến cực điểm.
Trong nỗi tuyệt vọng ấy, họ thấy kẻ bắt cóc là thế lực tối cao, định đoạt số phận mình. Nhiều ngày trôi qua, có khi nhiều tháng hay nhiều năm, một số người phát triển lòng tin và đôi khi cả cảm tình với hung thủ, hơn cả với cảnh sát.
Arnold Wieczorek, nhà tâm lý thuộc sở cảnh sát hình sự Baden-Wuerttemberg, viết trong tạp chí Kriminalistik 2003: “Nạn nhân đột ngột mất hết kiểm soát đối với chính mình. Để lấy lòng hung thủ vốn có thể giết họ bất cứ lúc nào, các nạn nhân sẵn sàng làm tất cả những gì chúng đòi hỏi”. Thậm chí tạo ra một dây nối cá nhân với thủ phạm để tăng cơ may sống sót - một hành vi hoàn toàn dễ hiểu ở tình cảnh đó.
Trong vụ này, cảnh sát Stockholm đột nhiên trở thành đối thủ. Cũng phải nói thêm là cảnh sát phạm một loạt sai lầm nghiêm trọng, gây thêm áp lực không cần thiết.
Ngày thứ ba...
… thực phẩm đã cạn. Radio tiết lộ kế hoạch của cảnh sát khoan một lỗ ở tường để phun khí gây mê vào trong. Dĩ nhiên cả nhóm người trong nhà băng đều nghe đài.
Năm ngoái Kristin Enmark xuất bản một cuốn sách (Tôi bị mắc Hội chứng Stockholm) và kể lại trên báo Norran: “Chậm nhất đến lúc đó cảnh sát đã trở thành mối đe doạ, và bỗng dưng bọn người bắt cóc chúng tôi biến thành người tốt”.
Jan-Erik Olsson đầu hàng
Qua lỗ khoan, cảnh sát đưa vào đồ ăn thức uống và chụp cả tấm hình nổi tiếng. 28-8, ngày thứ sáu của sự kiện, Jan-Erik Olsson mất bình tĩnh. Hắn bắn lên trần nhà và làm bị thương một cảnh sát. Các nạn nhân vô sự. Họ nhất nhất tuân theo mọi mệnh lệnh của Olsson, thậm chí còn tỏ ra đồng cảm với hắn. Sau này Olsson khai trước toà: “Họ làm cho chúng tôi không sao giết họ được”.
9 giờ tối, lúc cảnh sát phun khí qua lỗ khoan và các đặc vụ xông vào quật ngã hai hung thủ. Kristin Enmark hét: “Đừng làm đau họ, họ không làm gì chúng tôi cả!” Ra đến bên ngoài, trước hàng trăm ống kính máy ảnh và đèn pha, cô gọi với theo Clark Olofsson: “Hẹn gặp lại anh!”
Bi kịch hạ màn, nhưng không chấm dứt với các nạn nhân. Cách hành xử của Enmark khiến cả Thuỵ Điển tranh luận. Nhà tâm lý Nils Bejerot là cha đẻ của khái niệm “Hội chứng Stockholm-Syndrom” từ đó được sử dụng cho vô số trường hợp tương tự.
Enmark kể: “Chúng tôi bị thẩm vấn nhiều ngày liền, nhưng chẳng ai muốn biết đến các nhu cầu hay nguyện vọng của chúng tôi, ai cũng chỉ hỏi về Hội chứng Stockholm”. Cô bỏ việc ở nhà băng, nghiên cứu xã hội học và trở thành chuyên gia tâm lý trị liệu cho người nghiện ma tuý.
Các nạn nhân trong phòng két sắt (do cảnh sát chụp qua lỗ khoan ở tường)
Cô thú thực đã có cảm tình đặc biệt với Clark Olofsson. Nhiều tháng sau khi được giải thoát, cô liên tục vào thăm hắn trong tù, cho đến hôm nay hai người vẫn thường xuyên trao đổi thư từ, dù hắn đã cưới một cô gái người Bỉ sau song sắt. Jan-Erik Olsson được ân xá sau 8 năm và cùng gia đình chuyển sang Thái Lan.
Khái niệm “Hội chứng Stockholm” dần dần bị hiểu sai, biến thành từ đồng nghĩa với các hoàn cảnh phi lý. Nhưng ít nhất từ đó người ta có cách đánh giá tâm lý thấu đáo hơn đối vứoi nạn nhân của bạo lực.
Cho đến nay Kristin Enmark vẫn nghiên cứu đề tài đó: “Tôi không thể làm gì khác. 43 năm nay tôi tìm cách hoá giải những gánh nặng tôi mang từ ngày đó, và còn lâu mới vượt qua được”, cô nói trong sách. “Không phải vì tôi bị bắt làm con tin, mà vì người ta dồn tôi vào một định kiến, thay vì thực sự tìm hiểu cái gì đã xảy ra”.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất