Nga triển khai tiểu đoàn hệ thống tên lửa S-400 tại Crimea

29/11/2018 21:38 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Hãng thông tấn TASS dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Biển Đen của Nga cho biết ngày 29/11, Moskva đã triển khai một tiểu đoàn hệ thống tên lửa đất đối không S-400 hiện đại tại Bán đảo Crimea. Đây là tiểu đoàn S-400 thứ 4 được Nga triển khai tại đây.

Vì sao Nga tăng cường hệ thống tên lửa hiện đại nhất S-400 tại Crimea?

Vì sao Nga tăng cường hệ thống tên lửa hiện đại nhất S-400 tại Crimea?

Các đơn vị không quân Nga đóng quân tại Crimea được tái trang bị 100% các mẫu vũ khí hiện đại nhất, như máy bay tiêm kích Su-30M, trực thăng Ka-52 Aligator, Mi-28N, còn S-400 và Pantsir-S sẽ được đặt vào tình trạng trực chiến.

Theo người phát ngôn, tiểu đoàn mới này được triển khai tại thành phố Dzhankoy, miền Bắc Crimea.

Thông tin về đợt triển khai mới này được đưa ra sau khi Nga bắt giữ 3 tàu hải quân của Ukraine ở khu vực ngoài khơi bán đảo này hôm 25/11 với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga.

Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để tàu của Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov.

 Moskva đã triển khai một tiểu đoàn hệ thống tên lửa đất đối không S-400 hiện đại tại Bán đảo Crime
 Moskva đã triển khai một tiểu đoàn hệ thống tên lửa đất đối không S-400 hiện đại tại Bán đảo Crimea

Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá".

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng ngày tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng nước này sẽ áp đặt một số hạn chế đối với công dân Nga tại Ukraine. Văn phòng của ông Poroshenko chưa cho biết những "hạn chế" này cụ thể là gì. 
Cũng trong ngày 29/11, người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu cho biết Ủy ban NATO-Ukraine đã họp trong tuần này để thảo luận về các diễn biến mới đây gần Biển Azov.

Ngoài ra, các ngoại trưởng của liên minh quân sự này cũng sẽ gặp Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin vào tuần tới. Bà Lungescu nêu rõ lực lượng NATO đã hiện diện tại Biển Đen, thường xuyên tuần tra và diễn tập tại vùng biển này, đồng thời nhấn mạnh NATO và các nước đồng minh sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine. 

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg , người sẽ chủ trì cuộc họp ngoại trưởng NATO-Ukraine dự kiến diễn ra trong 2 ngày 3 và 4/11 tại trụ sở của NATO tại Brussels, đã có cuộc thảo luận với Tổng thống Ukraine Poroshenko ngày 26/11 vừa qua.

Sau xung đột với Nga trên Biển Đen, Tổng thống Poroshenko đã kêu gọi các đồng minh phương Tây triển khai tàu tới Biển Azov. Tuy nhiên, các lãnh đạo phương Tây tập trung nhấn mạnh các bên tránh làm leo thang căng thẳng.

Minh Ngọc/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm