05/07/2020 10:45 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trangthống kê worldometers.info, tính đến 9h sáng 5/7 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 11,378 triệu ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có hơn 533.000 người tử vong. Hơn 6,43 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục, hơn 4,41 triệu người đang được điều trị, với khoảng 1% trong số này trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch.
Quốc gia chịu tác động nặng nề nhất trên thế giới là Mỹ với 2,93 triệu ca mắc bệnh và hơn 132.000 ca tử vong. Theo thống kê riêng rẽ của đại học Johns Hopkins, trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm hơn 43.000 ca mắc bệnh trong bối cảnh số ca mắc mới trên toàn quốc vẫn tiếp tục gia tăng. Số ca mắc mới vẫn tiếp tục tăng mạnh sau 3 ngày liên tiếp tăng ở mức hơn 52.000 ca, đặc biệt ngày 3/7 quốc gia này có thêm tới 57.683 ca mắc mới.
Cùng ngày, Bộ Y tế Mexico cũng thông báo số người tử vong vì COVID-19 ở nước này tính tới ngày 4/7 đã tăng lên 30.366 người. Như vậy, Mexico đã thay thế Pháp là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao thứ năm thế giới, sau Mỹ, Brazil, Anh và Italy. Hiện Mexico ghi nhận tổng cộng 252.165 ca mắc bệnh.
Các quốc gia châu Phi và Trung Đông vẫn ghi nhận số ca mắc mới gia tăng. Iran thông báo số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này gần chạm mức 240.000 ca sau khi ghi nhận thêm 2.449 ca mắc mới. Hiện tổng số ca tử vong vì dịch bệnh tại Iran là 11.408 ca, tăng 148 ca so với một ngày trước đó. Trong khi đó, Saudi Arabia cũng ghi nhận thêm 4.128 ca mắc mới và 56 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên lầ lượt là 205.929 ca và 1.858 ca.
Ai Cập cũng xác nhận thêm 1.324 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, đưa tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 74.035 người, trong đó có 3.280 ca tử vong. Mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, song do những áp lực về kinh tế, Ai Cập đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế kể từ ngày 27/6 vừa qua. Lệnh giới nghiêm vào ban đêm đã được dỡ bỏ, đồng thời nhà chức trách cũng cho phép các doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh mở cửa trở lại, trong đó có các nhà hàng, quán cà phê và rạp chiếu phim. Ngày 4/7, Kenya cũng ghi nhận số ca mắc mới cao nhất kể từ khi dịch bệnh xuất hiện tại quốc gia này hồi giữa tháng 3. Cụ thể, với 389 ca mắc mới, Kenya hiện có tổng cộng 7.577 ca mắc bệnh COVID-19.
Tại khu vực châu Á, Cơ quan Quản lý và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) sáng 5/7 cho biết tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này tăng thêm 61 ca lên 13.091 ca. Kể từ khi Hàn Quốc nới lỏng lệnh "giãn cách xã hội" vào ngày 6/5 vừa qua, tại nước này xuất hiện các cụm lây nhiễm lẻ tẻ. Theo số liệu thống kê mới nhất, khu vực đô thị Seoul chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới được ghi nhận trong 2 tuần cuối tháng Năm và đầu tháng Sáu. Đây cũng là lý do khiến các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo có thể xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trên quy mô toàn quốc trong bối cảnh các ca lây nhiễm mới trong cộng động tiếp tục tăng.
Nhật Bản cũng đã xác nhận thêm 274 ca nhiễm mới trong ngày 4/7. Đây là ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ khi quốc gia này dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc hôm 25/5. Riêng thủ đô Tokyo đã phát hiện 131 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này lên 6.654 người. Một số chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về khả năng thành phố này có thể sẽ phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai và đề nghị chính quyền thủ đô cân nhắc khuyến cáo người dân hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết hoặc không tới các khu vui chơi, giải trí về đêm. Trước tình hình này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Sin-dô A-bê) vẫn khẳng định chưa cần thiết phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh trong thời gian tới, nhưng cần theo dõi sát sao tình hình. Theo thống kê của worldometers.info, Nhật Bản hiện ghi nhận hơn 19.000 ca mắc bệnh và 977 ca tử vong vì dịch bệnh.
Liên quan tới tình hình nghiên cứu thuốc điều trị và phát triển vaccine phòng bệnh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/7 tuyên bố sẽ không tiếp tục thử nghiệm thuốc chống sốt rét hydroxychloroquine và kết hợp thuốc điều trị HIV lopinavir/ritonavir trên các bệnh nhân COVID-19 nhập viện sau khi nhận thấy những loại thuốc này không thể hạn chế được tình trạng tử vong. Tuyên bố của WHO nêu rõ: “Các kết quả thử nghiệm tạm thời cho thấy hydroxychloroquine và lopinavir/ritonavir hiệu quả rất thấp hoặc không thể làm giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân COVID-19 nhập viện khi so sánh với tiêu chuẩn chăm sóc. Các điều tra viên thử nghiệm thống nhất sẽ ngừng hoạt động thử nghiệm ngay lập tức”.
Lê Ánh/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất