Người giàu Trung Quốc dốc tiền tấn sưu tầm thiên thạch

31/10/2014 07:15 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Với nhiều người giàu Trung Quốc, các món đồ quý giá ở dưới Trái đất như siêu xe, túi hàng hiệu, căn hộ cao cấp... chẳng là gì khi so sánh với thiên thạch – những món quà vô giá đã tới đây từ vũ trụ xa xôi.

Tong Xianping hiện nằm trong số các doanh nhân Trung Quốc sẵn lòng trả khoản tiền khổng lồ cho những mảnh thiên thạch.

1 triệu tệ cho “hòn than” vũ trụ

Cụ thể ông đã bỏ ra 1 triệu NDT (163.000 USD) để mua một mảnh của thiên thạch Seymchan. Các mảnh thiên thạch này được tìm thấy lần đầu trong một lòng sông ở Nga vào năm 1967 và người ta tin nó đã hàng tỷ năm tuổi. "Thứ này đáng tiền lắm” – Tong, 50 tuổi, chia sẻ với hãng tin AFP về mảnh thiên thạch nặng 176 kg mà nhìn từ xa chẳng khác nào một hòn than cỡ lớn – “Chúng là tin tức tới từ vũ trụ”.


Tong Xianping bên cạnh khối thiên thạch mà ông đã bỏ 1 triệu NDT để tậu về

Tong đã giữ hàng chục mẫu thiên thạch tại bảo tàng vũ trụ của ông này mới mở tại Urumqi, thủ phủ vùng Tân Cương của Trung Quốc. Chúng gồm một mảnh đá màu nâu, là một phần của Gibeon, thiên thạch đã đâm xuống vùng Nam Phi thời cổ đại. Tong cho biết hòn đá đó cũng khiến ví ông vơi mất 1 triệu NDT. Nói rồi ông tiến tới một cái két sắt, lôi ra một mảnh thiên thạch khác mà ông tự tay kiếm được. “Đây là những mảnh thiên thạch hoàn chỉnh, rất khó kiếm” – ông nói - “Xe sang vẫn có thể sản xuất thêm, nhưng mỗi mảnh thiên thạch thì chỉ có một mà thôi”

Theo lời Tong, kinh doanh thiên thạch ở Trung Quốc đang diễn ra rất thuận lợi. Các sáng lập viên, giám đốc công ty ở đây thường thích mua thiên thạch cỡ lớn, vì nhiều lý do khác nhau. Trong ngày phóng viên AFP tiếp xúc với Tong, một doanh nhân và là nhà sưu tầm thiên thạch có họ Liu cũng tới bảo tàng để gặp ông này. “Nếu thiên thạch là loại hiếm và có chất lượng tốt, tôi sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền ra mua” – Liu chia sẻ với AFP.

Đã xuất hiện nỗi sợ hàng giả

Ngoài những người lắm tiền nhiều của ở Trung Quốc, cộng đồng khoa học cũng rất quan tâm tới thiên thạch. Họ nghiên cứu thiên thạch để tìm hiểu về nguồn gốc của Thái dương hệ. Một số tin rằng thiên thạch đã mang tới Trái đất các phân tử hữu cơ, khiến sự sống hình thành. Không giống các nhà khảo cổ, thường lên án nạn trộm cổ vật, các chuyên gia thiên thạch lại hoan nghênh hoạt động buôn bán mặt hàng này.

"Chúng tôi có mối quan hệ hợp tác với các nhà sưu tầm “ - Monica Grady, một nhà khoa học thiên thạch hàng đầu tại Đại học mở ở Anh nói – “Chúng tôi không có tiền để ra ngoài kia thu gom thiên thạch. Nhưng đội quân nhỏ các nhà buôn thiên thạch lại có thể làm điều đó”.


Một trong nhiều khối thiên thạch đắt tiền nằm trong bảo tàng của Tong

Về phía mình, các nhà buôn phải dựa vào giới nghiên cứu để xác định giá trị của mẫu thiên thạch – nhằm giúp hoạt động định giá trở nên tốt hơn. Grady cho biết khi tiến hành công việc này, các nhà khoa học có thể được giữ một phần thiên thạch để tiếp tục nghiên cứu.

Tuy nhiên việc ngày càng nhiều người Trung Quốc tham gia mua thiên thạch đã khiến giá cả mặt hàng này tăng vọt. Không ít nhà sưu tầm lâu năm đã bày tỏ lo ngại về nạn làm giả thiên thạch. “Họ chỉ quan tâm tới việc thiên thạch có giá bao nhiêu. Họ chẳng hiểu khoa học đứng sau thiên thạch” - Bryan Lee, một công chức người Trung Quốc mê thiên thạch, đã từng dự hội chợ thiên thạch lớn nhất thế giới tổ chức ở Tucson, Mỹ, nhận xét – “Hiện tượng đã dẫn tới việc tăng vọt số lượng thiên thạch giả”.

Các nhà quan sát ở ngoài Trung Quốc cũng ủng hộ quan điểm này. “Người Trung Quốc thích các mẫu thiên thạch lớn và sự hiện diện của họ ở thị trường cao cấp đã trở nên đáng chú ý” – chuyên gia Eric Twelker của tờ Meteorite Times viết. Tuy nhiên ông cho biết phần lớn mẫu thiên thạch được gửi đi thẩm định từ Trung Quốc đều giả mạo hoặc bị nhận lầm là thiên thạch. “Chuyện này đã diễn ra trong nhiều năm khiến tôi trở nên lo ngại trước mọi mẫu (thiên thạch) tới từ Trung Quốc” – ông nói.

Niềm đam mê bất tận

Với Tong, giá trị kinh tế không phải yếu tố chính khiến ông sưu tầm thiên thạch. Người đàn ông này vẫn thường đến sa mạc Taklamakan của Trung Quốc để tìm thiên thạch. Sa mạc nổi tiếng với giới sưu tầm vì là nơi chứa thiên thạch Fukang nặng 1.000 kg, được phát hiện hồi năm 2000. Khi được cắt ra, thiên thạch Fukang trông giống một tổ ong làm từ vàng và bạc. Tong hiện sở hữu một mảnh của thiên thạch này.

Tuy nhiên hoạt động tìm thiên thạch không hề dễ dàng. Ngoài việc đối mặt với khí hậu khắc nghiệt, Tong còn phải chống các đàn sói và những đàn kiến hung dữ trong sa mạc. “Lũ kiến từng đổ tới chúng tôi như một cơn lũ” – ông nói về một lần chạm trán hiếm hoi – “Chúng có thể ăn hết 1 cây xúc xích trong chỉ có 2 phút”.

Theo lời Tong, việc đụng rắn và nhện độc cũng diễn ra rất thường xuyên, nhưng không làm ông thấy e ngại. “Chuyện đơn giản là anh được làm điều mình thích, ở một nơi cách xa khỏi thế giới” – ông nói – “Bí ẩn của vũ trụ là vô tận. Đó là lý do vì sao chúng ta vẫn luôn hứng thú với thiên thạch”.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm