17/04/2019 07:13 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Nhà thờ Đức Bà Paris, biểu tượng sừng sững giữa thủ đô nước Pháp suốt hàng trăm năm qua vừa hứng chịu ngọn "lửa địa ngục" kinh hoàng vào hôm qua 15/4, khiến phần mái bị thiêu rụi và đổ sập.
Nhưng như một lẽ tự nhiên, không có tòa nhà nào tồn tại hơn 850 năm mà không gặp phải những số thăng trầm. Trước thảm kịch kinh hoàng này, “trái tim của Paris” từng trải qua không ít sóng gió trong lịch sử.
Những lần bị hủy hoại
Hoàn thành vào năm 1345, như là kết quả của một dự án xây dựng khổng lồ, đầy phức tạp khởi công từ năm 1163, Nhà thờ Đức Bà ngự trên một hòn đảo nhỏ ở giữa sông Seine, nơi mà nhà thờ Saint-Étienne đã tồn tại ít nhất 400 năm trước đó. Khi Maurice de Sully được bầu làm giám mục Paris năm 1160, ông đã đề xuất phá hủy Saint-Étienne để xây dựng một nhà thờ mới, quy mô hơn, dành cho Đức Mẹ Maria.
Vào thế kỷ XVII, một trong những biến đổi nghiêm trọng đã xảy đến với nơi này. Theo tờ National Geographic, vua Louis XIV “nổi hứng” quyết định thay các cửa sổ kính màu trong nguyên gốc bằng kính trơn. Một cây cột ở ô cửa chính cũng bị đập bỏ nhằm mở rộng cửa để xe ngựa có thể đi qua.
Cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 thậm chí còn gây cho kiến trúc này những thiệt hại nặng nề hơn. Theo sách sử chính thức của Nhà thờ, năm 1793, những người theo cách mạng đã chặt đầu 28 bức tượng các vị vua đặt ở đây vì cho rằng chúng là biểu tượng của nền quân chủ mà họ đang muốn lật đổ. Nhưng kỳ thực, đó là bức tượng các vị vua trong Kinh thánh chứ không phải tượng các vị vua Pháp.
Ngoài ra, trong biến cố này, nhiều bức tượng khác cũng bị phá hủy, đồng thời một ngọn tháp trong kiến trúc gốc của nhà thờ, (được dựng lên vào thế kỷ XIII) bị đánh sập. Sau đó, Nhà thờ Đức Bà còn được đổi tên thành “Goddess Reason” (tạm dịch là “Nữ thần Lẽ phải”), trước khi biến nơi này thành một hầm rượu.
Phải đến khi Napoleon Bonaparte, vị tướng và sau đó trở thành Hoàng đế Pháp, chọn nhà thờ bị hư hại này làm nơi đăng quang năm 1804, rồi thường xuyên sử dụng nó cho các nghi lễ hoàng gia, vai trò văn hóa của Nhà thờ Đức Bà mới dần được phục hồi.
Cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, xuất bản năm 1831, tiếp tục khơi dậy sự quan tâm đúng mức của người dân đến tòa nhà đổ nát giữa lòng Paris.
Với sự tham gia của các quan chức thành phố và sự hỗ trợ của công chúng, kiến trúc sư Eugène-Emmanuel Viollet-le-Duc đã khởi động một dự án cải tạo lớn để cứu nhà thờ vào năm 1843. Sau 20 năm trùng tu, Nhà thờ Đức Bà mới có được diện mạo như trước khi xảy ra đám cháy vừa qua.
Lời cảnh báo với các công trình văn hóa trên thế giới
Thu hút hơn 14 triệu du khách ghé thăm mỗi năm, nhà thờ có tuổi đời hơn 850 năm không chỉ là biểu tượng văn hóa, tín ngưỡng của Pháp, mà còn cả của thế giới.
Câu chuyện buồn mà Nhà thờ Đức Bà Paris vừa trải qua là mất mát sâu sắc đối với nhiều người, và điều đó được thể hiện rất rõ qua các bình luận và sự quan tâm của công chúng trên phương tiện truyền thông.
Như nhiều phân tích, đây là sự cố mới nhất, nhưng chưa hẳn sẽ là sự cố cuối cùng đối với những địa điểm được coi là kho báu văn hóa thế giới. Mới năm ngoái, thế giới đã chứng kiến một vụ hỏa hoạn phá hủy tới 90% các cổ vật quý giá và nhiều vật phẩm khác được đặt trong Bảo tàng Quốc gia Brazil. Và trong giai đoạn xa hơn, thật khó để quên đi con số khổng lồ những di sản văn hóa của Syria đã bị phá hủy một cách có hệ thống trong cuộc nội chiến kéo dài suốt nhiều năm.
Sự thực, những kho báu văn hóa của nhân loại luôn dễ dàng bị đe dọa bởi cả rủi ro tự nhiên lẫn nhân tạo nhưng lại thường không có đủ nguồn lực tài chính hoặc sự đầu tư về thời gian để đảm bảo cho các chương trình ứng phó khẩn cấp. Và dù có thể được mua bảo hiểm, nhưng rõ ràng các địa điểm văn hóa và cổ vật sẽ vĩnh viễn mất đi một khi bị phá hủy.
Điển hình, sẽ không thể đong đếm được số tiền đền bù đủ cho sự mất mát, khi công chúng khi chứng kiến một phần của Nhà thờ Đức Bà sụp đổ trong ngọn lửa rợp trời vào ngày 15/4 vừa qua.
Thực tế, nhiều tổ chức đã lên tiếng về việc xây dựng một chiến lược để giúp bảo vệ những kho tàng văn hóa và lịch sử của thế giới. Ví dụ, tại Mỹ, từ năm 2003, tổ chức Alliance for Feedback đã cung cấp bộ công cụ và chiến lược để có thể tập hợp các chuyên gia di sản văn hóa nhằm ứng phó với các sự cố kiểu này ở mọi địa phương. Và thế giới đang cần nhiều hơn những chương trình như vậy.
Còn trước mắt, ngày hôm qua 16/4, Paris phải đón nhận nỗi đau không thể tưởng tượng nổi khi mất đi một phần di sản kiến trúc tiêu biểu nhất của mình.
Vụ hỏa hoạn với nhiệt độ 1000 độ C Đám cháy bùng phát lúc 18h50 ngày 15/4 giờ địa phương (tức 23h 50' ngày 15/4 giờ Việt Nam) ở phần đỉnh ngọn tháp Nhà thờ Đức Bà Paris, sau đó lan ra toàn bộ phần mái của nhà thờ và đã cháy liên tục trong 8 giờ trước khi ngọn lửa được khống chế hoàn toàn. Trước mắt, phần mái của kiến trúc này bị sập, tuy nhiên lực lượng cứu hỏa đã kịp thời ứng cứu để giữ nguyên được phần tháp chuông chính và phần tường phía bên ngoài nhà thờ. Trong khi dập lửa, lực lượng cứu hỏa đã cố bảo toàn các di tích tôn giáo và những bức họa vô giá trong nhà thờ. Theo BBC, nguyên nhân của vụ cháy chưa được xác định cụ thể, nhưng nhiều khả năng là có liên quan đến quá trình cải tạo đang diễn ra tại đây. Venkatesh Kodur, giáo sư kỹ thuật dân dụng và môi trường tại Đại học bang Michigan (Mỹ) và là một chuyên gia về cháy cấu trúc cho biết: "Nhiệt độ ngọn lửa có thể lên tới gần 1.700 đến 1.900 độ F (930-1.037 độ C). |
Duy An (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất