30/12/2015 14:52 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tôi đến Tây Tạng vào mùa Xuân, dòng sông xuống thấp. Đến khoảng tháng 8 dòng sông sẽ đầy nước. Anh hướng dẫn viên (HDV) nói vào mùa mưa, khi mưa xuống lập tức cây cỏ xanh tươi, đẹp tuyệt trần.
Lhasa là thủ phủ của Tây Tạng, từ này có nghĩa là thành phố của kinh điển, kinh Phật. Mỗi ngày người dân Tạng tay lần tràng hạt, tay quay bánh xe mani (kinh luân) tối thiểu đi vòng quanh Cung điện Potala và chùa Đại Chiêu để cầu nguyện. Lhasa còn được mệnh danh là Nhật Quang - là “Kinh thành Ánh sáng”.Kết thúc một ngày dài, một thử thách đầu tiên, mỗi người chúng tôi một tâm trạng trở về phòng của mình với một niềm sung sướng
Ngày thứ tư
Ăn sáng xong, nghỉ ngơi thoải mái, đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành lên Cung điện Potala - một trong những nơi linh thiêng nhất cần phải đến của Tibet.
Cung điện Potala hay còn gọi là Cung điện mùa Đông là nơi các Đạt Lai Lạt Ma sinh sống. Cung điện nằm ở vị trí cao nhất thế giới, được xây dựng từ năm 637 ở độ cao 3.700m so với mực nước biển, trên ngọn đồi Marpo Ri - biểu tượng của Tây Tạng, là nơi phát sinh ra nhiều huyền thoại kỳ bí của người Tây Tạng.
Từ con số 1.000 phòng được trang hoàng bằng 1 triệu lượng vàng ròng, cho tới những bí mật bên trong mỗi căn phòng, được thiết lập sâu trong lòng núi cùng 10.000 miếu thờ và nhục thân của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma (bao gồm các vị đời 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13).
Ăn tối xong chúng tôi tranh thủ đi mua chè. Chè trên cao nguyên rất sạch và thơm ngon. Đoàn chỉ có nhiều nhất là nửa tiếng để mua. Mọi người đa phần mua chè vua và chè tuyết - hai loại nổi tiếng nhất. Ngoài ra, chúng tôi còn được giới thiệu một loại trà xanh màu đẹp như diệp lục, uống vào miệng rồi còn phải “chẹp, chẹp, chẹp” để cảm nhận độ đắng chát của nó.
Ngày thứ năm
Tuyết đã dày lên trên các mỏm núi chỉ sau một đêm do mưa lạnh. Sau khi thức giấc, tôi ngồi ngắm những dãy núi sau cánh cửa sổ của khách sạn. Có phải lúc nào bạn cũng được thức dậy trong một khung cảnh tuyệt vời này đâu cơ chứ! Những ngày ở đây, tôi toàn dậy lúc khoảng 5h30-6h sáng mà không cần báo thức.
Ăn sáng xong, tôi nai nịt gọn ghẽ giống hệt gấu trúc rồi bắt đầu hành trình leo đèo Gangbala. Mẹ tôi mua sẵn 5 bình ô-xy tại khách sạn vì lên cao không khí sẽ còn loãng hơn nữa. Chúng tôi sẽ lên đỉnh cao nhất, 4.998m so với mực nước biển.
Ô-tô chở chúng tôi đi ra khỏi thành phố và bắt đầu tuyến đường để đến được chân đèo Gangbala. Đây được mệnh danh là đoạn đường đáng nhớ nhất và đáng tự hào nhất khi vượt lên. Xe chạy chừng 15km thì chân đèo hiện ra trước mắt. Khi xe tăng dần độ cao, mọi người bắt đầu thấy khó thở. Tôi thì không biết tại sao mà cảm thấy rất bình thường, không đau đầu, không khó thở. Thấp thoáng dưới chân đèo hình ảnh đôi vợ chồng cùng đôi trâu đang cấy cày, gieo hạt...
Lên cao dần, những đỉnh núi tuyết cứ dần dần hiện ra. Tuyết dày hơn do đêm qua không khí mưa và lạnh. Tôi liên tục dùng rèm lau kính để có thể sẵn sàng tác nghiệp trong bất cứ khoảnh khắc nào. Có những giây phút khi lên cao, đi sát cạnh vực thẳm tôi cũng hơi run sợ khi nhìn xuống dưới nhưng rồi tự trấn an mình và lại quên mất nỗi sợ hãi khi phóng tầm mắt ra phía xa, bên kia những rặng núi trùng điệp.
Đi khá lâu, có lúc ẩn hiện trong mây, lúc thì nắng lại rực rỡ. Nắng ấm, nắng cát tường chứ không phải cái nắng gay gắt thiêu đốt làn da. Không loại máy ảnh nào có thể thu được và lột tả hết vẻ đẹp của thiên nhiên ở đây…
Ngày thứ sáu
10h sáng chúng tôi mới khởi hành đi thăm tu viện Sera, giờ giấc được định sẵn theo quy định như mọi khi để bảo đảm tất cả các lý do an toàn về chính trị cũng như về việc tránh tự thiêu. Vậy nên, tôi có dành một chút thời gian để đi dạo dọc phố hai bên khách sạn và thưởng thức món trà bơ buổi sáng nổi tiếng của người Tạng.
Hôm đó là 1/5, cũng là ngày nghỉ của người Tạng. Từng tốp nam thanh niên ngồi kín cửa hàng trà. Người thì vừa thưởng trà vừa hút thuốc trong không khí của một buổi sớm se se lạnh. Người lại ngồi ăn sáng bằng một loại mì địa phương và bên cạnh là phích trà ấm chờ sẵn....
Tu viện Sera là một trong những tu viện lớn của Tây Tạng, đại diện cho dòng phái Cách Lỗ Mũ vàng. Tu viện được ngài Thích Ca Dã Hiệp xây dựng vào năm 1419 theo yêu cầu của thầy ông là Đại sư Tông Khách Ba. Ở đây những người trẻ thì sống ở dưới còn các bậc cao tăng thì sống ở trên núi. Ở đây các tu sĩ được học kinh điển, học triết học... Có 7 vị Tuku sống ở đây. Vị Tuku đời thứ 5 là giáo viên của vị Đạt Lai Lạt Ma đời 14 hiện tại.
Ngày thứ 7: Ngày cuối ở Tibet!
Sắp rời khỏi cao nguyên Thanh Tạng, lòng tôi dấy lên một cảm giác bồi hồi khó tả, giống như tôi phải tạm rời ngôi nhà thân yêu.
Đoàn chúng tôi ngồi ở sân bay sau khi vượt qua một loạt của kiểm tra an ninh gắt gao. Đúng là không giống chuyến nào cả. Đoàn phải cởi hết giày lục soát, rồi soi từ đầu đến chân, có lúc lại đổ hết cả hành lý xách tay ra kiểm tra. Chúng tôi lại có cả ngày dài để bay hai chặng: Lhasa -Trùng Khánh rồi Trùng Khánh - Nam Ninh.
Ngồi trên máy bay, tôi hồi tưởng lại những ngày kỳ diệu tại Tây Tạng, hồi tưởng lại những phút giây an lạc tràn đầy trong lòng, hồi tưởng lại sự tốt bụng của người dân ở đây, lên tận cửa phòng gõ cửa trả thẻ tín dụng bỏ quên... mà sao thấy bồi hồi xao xuyến. Tôi nhớ giây phút đặc biệt khi lên đến Yamdrok - hồ san hô nơi đỉnh đèo - cao 4.998m so với mực nước biển. Tôi nhớ những đỉnh núi tuyết phủ, rực rỡ màu cờ cầu nguyện hòa cùng màu xanh đặc biệt của con sông linh thiêng…
Diệu Hảo
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất