Phiên tòa xử sự cố y khoa tại Hòa Bình: Ngày làm việc thứ bảy - Bác đề nghị hoãn phiên tòa của luật sư

21/01/2019 20:41 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngày 21/1, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục bước vào ngày làm việc thứ bảy, xét xử sơ thẩm đối với bảy bị cáo liên quan đến tội “Vô ý làm chết người” và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" trong sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 29/5/2017 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình làm chín bệnh nhân tử vong.

Xét xử vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: Dành thời gian cho các gia đình nạn nhân và người có nghĩa vụ liên quan

Xét xử vụ sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa Hòa Bình: Dành thời gian cho các gia đình nạn nhân và người có nghĩa vụ liên quan

Trong 2 ngày (17, 18/1), phiên toà dành chủ yếu thời gian để hỏi gia đình các nạn nhân tử vong, bị thương về yêu cầu đền bù, khoản đền bù và chi tiết số tiền hỗ trợ đến bù.

Tại phiên tòa, Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh, Chủ tọa phiên tòa, đã thông báo kết quả tiếp nhận, xử lý yêu cầu của luật sư Phạm Quang Hưng thuộc Văn phòng Luật sư Thăng Long, là người bảo vệ cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn trong phiên xét sử ngày 19/1. Theo đó, luật sư Phạm Quang Hưng đã đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để cung cấp thêm chứng cứ mới có liên quan đến vụ án về hành vi đầu độc chết người mà luật sư Hưng nói “chỉ cung cấp cho Cơ quan điều tra”.

Chú thích ảnh
Các bị cáo trong phiên tòa  Ảnh: TTXVN

Thẩm phán Nghiêm Hoài Anh nêu rõ: Sau khi nhận được yêu cầu của luật sư Hưng, Hội đồng xét xử đã thảo luận và làm các thủ tục tiếp nhận yêu cầu cung cấp chứng cứ mới có liên quan đến vụ án. Quá trình tiếp nhận có đại diện Viện kiểm sát tham gia chứng kiến. Tuy nhiên, luật sư Hưng đã không cung cấp được chứng cứ, tài liệu gì mới mà chỉ cung cấp bản đề nghị xem xét trên cơ sở trình bày các suy luận, căn cứ cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự cố là do một nguyên nhân khác, tác nhân khác. Qua xem xét, Hội đồng xét xử nhận thấy tất cả những chứng cứ, tài liệu mà luật sư cung cấp đều có trong hồ sơ vụ án và hoàn toàn không phải là chứng cứ mới.

Hội đồng xét xử lưu ý các luật sư nói chung và luật sư Hưng nói riêng tại phiên tòa, đồng thời giải thích, nhắc nhở để tránh việc xét xử bị ảnh hưởng, gián đoạn. Các luật sư, những người tham gia tố tụng có quyền cung cấp đồ vật, tài liệu, chứng cứ liên quan để Hội đồng xét xử xem xét, giải quyết vụ án một cách khách quan và toàn diện. Tuy nhiên, đối với luật sư Hưng, việc cung cấp này ảnh hưởng đến việc xét xử. Tại phiên toà ngày 19/1, luật sư không trình bày mà yêu cầu được xem xét, trình bày, cung cấp riêng, ảnh hưởng đến dư luận cũng như nhân dân. Các luật sư và những người khác khi phát ngôn, khi yêu cầu cung cấp chứng cứ cũng cần phải rõ ràng, tránh sự mập mờ.

Cũng tại phiên toà, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hoà Bình nhấn mạnh: Qua kiểm tra và đánh giá, Viện Kiểm sát xác định luật sư Phạm Quang Hưng không có tài liệu, chứng cứ mới để giao nộp cho Hội đồng xét xử; luật sư chỉ có bản đề nghị xem xét lại hướng điều tra vụ án. Viện Kiểm sát cũng cho rằng đây là những quan điểm, phân tích mang tính cá nhân của luật sư đối với các kết luận giám định có trong hồ sơ vụ án. Việc này đã ảnh hưởng đến quá trình xét xử, hơn nữa đã dẫn đến việc một số cơ quan báo chí đưa thông tin làm dư luận hiểu sai về sự thật khách quan của vụ án. Do vậy, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc và có hình thức xử lý đối với luật sư Phạm Quang Hưng. Đồng thời, đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục nhắc nhở đối với các luật sư và những người tham gia tố tụng khác, nếu có chứng cứ mới thì giao nộp ngay cho Hội đồng xét xử để đảm bảo việc xét xử minh bạch, khách quan. 

Trên cơ sở những chứng cứ, suy luận của cá nhân thì đề nghị luật sư Hưng hoặc những người tham gia tố tụng dành những suy luận, lập luận của mình ở phần tranh luận. Hội đồng xét xử sẽ xem xét đánh giá, lập luận mà những người tham gia tố tụng đưa ra để có nhận thức đầy đủ, đúng đắn nhất.

Tại phiên tòa hôm nay (21/1), Hội đồng xét xử vẫn tiếp tục phần thẩm vấn các bác sỹ, điều dưỡng, những người có liên quan; đọc bản luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố giữ quyền công tố đề nghị mức án đối với bị cáo Hoàng Công Lương từ 36 - 42 tháng tù giam; Bùi Mạnh Quốc từ 48 - 60 tháng tù giam cùng với tội danh “Vô ý làm chết người” theo khoản 2, điều 98 Bộ luật Hình sự năm 1999 nay là Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Các bị cáo: Trần Văn Sơn, nguyên cán bộ phòng Vật tư, bị đề nghị xử phạt mức án từ 42 - 48 tháng tù giam; bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng phòng Vật tư, bị đề nghị mức án từ 36 - 42 tháng tù giam; bị cáo Hoàng Đình Khiếu, nguyên Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Hồi sức tích cực, bị đề nghị mức án từ 36 - 42 tháng tù giam; bị cáo Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, bị đề nghị mức án từ 30 - 36 tháng tù giam và Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên Sơn, bị đề nghị mức án từ 36 - 42 tháng tù giam cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 2, điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999 nay là điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Về trách nhiệm dân sự, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hòa Bình cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét buộc phía Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Sơn liên đới bồi thường chi phí hợp lý theo quy định cho gia đình chín nạn nhân tử vong.

Ngày 22/1, phiên tòa bước sang phần tranh tụng giữa các luật sư và Cơ quan tố tụng.

Vũ Hà/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm