Siêu tàu sân bay lớn nhất thế giới của Mỹ chết máy sau 2 ngày bị tàu Nga bám đuổi?

10/05/2018 16:15 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Siêu tàu sân bay trị giá gần 13 tỉ USD USS Gerald R Ford – được giới thiệu là thiết kế khiến kẻ thù “run sợ” – được cho là đã chết máy sau hai ngày bị tàu do thám của Nga bám riết.

Một nguồn tin từ hải quân Mỹ từng tiết lộ với tờ Daily Star, con tàu sân bay mới nhất và đắt đỏ nhất của Mỹ đã gặp trục trặc ở hệ thống bánh lái trong lúc bị tàu Nga bám sát ở khu vực ven biển Bờ Đông Mỹ. Vụ việc này xảy ra từ hồi tháng 1 năm nay.

Thời điểm đó, Hàng không mẫu hạm lớp CVN-21 đang trên hành trình thử nghiệm trên biển các hệ thống mới trước khi trở lại xưởng tàu của hải quân Mỹ ở Norfolk, bang Virginia.

Chú thích ảnh
Tàu USS Gerard Ford khi rời cảng ở Virginia để bắt đầu chuyến đi thử nghiệm. Ảnh: Getty Images

Cũng theo nguồn tin trên, tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Cole, vốn có nhiệm vụ theo dõi tàu do thám Nga Viktor Leonov, đã buộc phải can thiệp khi con tàu do thám công nghệ cao của Nga tiếp cận quá gần tàu Ford. USS Cole đã đi vào vùng nước giữa tàu sân bay Ford và tàu Nga, trong lúc thủy thủ trên tàu đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống tên lửa phòng không và đại bác.

Cũng theo nguồn tin, con tàu Nga, trang bị nhiều thiết bị do thám phức tạp, có thể đánh chặn nhiều liên lạc viễn thông nhạy cảm, đã chụp ảnh tàu Ford trong lúc bám theo.

Trong khi đó, một người phát ngôn của Bộ Tư lệnh các hạm độị Mỹ cho biết, tàu USS Cole đã chủ động theo dõi mọi hoạt động của tàu Viktor Leonov. Người phát ngôn này khẳng định, tàu USS Ford trở về cảng nhà để “bảo dưỡng” vào ngày 26/1 sau thời gian huấn luyện trên biển, nhưng không xác nhận thông tin cho rằng tàu bị chết máy và bị tàu Nga bám đuổi suốt 2 ngày.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump thăm tàu sân bay USS Gerald R. Ford. Ảnh: Getty Images

Trong khi đó, ngày 8/5 trang mạng Bloomberg cho biết, tàu USS Gerald Ford đã bị trục trặc trên biển, buộc phải quay lại cảng hồi tháng 1 năm nay, và dấy lên những nghi vấn mới về con tàu sân bay mới nhất này của Mỹ. Đây là trục trặc thứ hai trong vòng không đầy một năm với con tàu. Trục trặc đầu tiên xảy ra vào tháng 4/2017, trong cuộc thử nghiệm kéo dài 1 tháng trước khi tàu được chuyển giao cho Hải quân.

Theo Bloomberg, Bộ tư lệnh các Hệ thống biển Hải quân Mỹ cho biết, tàu Ford bị trục trặc với một linh kiện thuộc hệ thống phóng. Đây được xác định là "lỗi sản xuất" chứ không phải là do "lỗi điều khiển" của thủy thủ. Lỗi này cũng ảnh hưởng tới các linh kiện cùng loại được lắp đặt trong các bộ phận khác của hệ thống phóng.

Tuy vậy, giới chức Hải quân Mỹ đã không tiết lộ về trục trặc nói trên trong cuộc điều trần về ngân sách trước quốc hội những tuần gần đây, và các nhà lập pháp lưỡng viện Mỹ cũng không chất vấn về vấn đề này.

Chú thích ảnh
USS Gerald R. Ford là thiết kế tàu sân bay đầu tiên của Mỹ trong 40 năm qua. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên thăm tàu USS Gerald R. Ford. Ông tuyên bố, con tàu sân bay hạt nhân sẽ gửi đi “một thông điệp 100.000 tấn tới thế giới” về sức mạnh quân sự Mỹ.

Với lượng giãn nước đầy tải 100.000 tấn, USS Gerald R. Ford là tàu sân bay lớn nhất thế giới. Nó được bàn giao cho hải quân Mỹ hồi tháng 5/2017 để thử nghiệm, dự kiến sẽ sẵn sàng cho hoạt động chiến đấu đầu tiên vào năm 2022.

Chi phí nghiên cứu, phát triển và chế tạo USS Gerald R. Ford lên tới 12,9 tỷ USD, khiến nó trở thành tàu sân bay đắt nhất lịch sử Mỹ. Hải quân Mỹ dự kiến đóng ba tàu sân bay lớp Ford, với tổng ngân sách lên tới 42 tỷ USD.

Trong giai đoạn đóng tàu, 5.000 nhà máy đóng tàu đã tham gia để hoàn thành công việc và phải mất đến 757 nghìn lít sơn để sơn tàu USS Gerald R. Ford. Đây là lượng sơn đủ để sơn Nhà Trắng 350 lần.

Siêu tàu sân bay USS Gerald R. Ford mang theo trên 1.000 thủy thủ Hải quân cùng hàng trăm quan chức và công nhân từ các nhà thầu hải quân, chỉ huy hệ thống biển hải quân...

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt diễn tập ở Biển Đông

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt diễn tập ở Biển Đông

Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tải trọng khoảng 100.000 tấn, có thể chở theo 90 máy bay các loại, đang chỉ huy một hải đội thực hiện điều mà quân đội Mỹ gọi là cuộc “huấn luyện bình thường” ở Biển Đông, nơi đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo.

Theo Thu Hằng/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm