08/04/2016 21:18 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 8/4, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết nước này sẽ không tiến hành không kích hoặc triển khai bộ binh tới Libya để đánh IS, tuy nhiên Paris sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ chính phủ đoàn kết dân tộc được Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ tại Tripoli.
Phát biểu trên Đài phát thanh Info của Pháp, Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault nhấn mạnh "không nên lặp lại sai lầm trong quá khứ", đồng thời nêu rõ tiến hành không kích hay triển khai bộ binh đến Libya không phải là lập trường của Pháp.
Pháp không kích Libya năm 2011
Tuy nhiên, ông khẳng định để bảo vệ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo, trong trường hợp chính phủ này đề nghị cộng đồng quốc tế hỗ trợ, Pháp sẽ cân nhắc.
Pháp đã đóng một vai trò hàng đầu trong chiến dịch không kích của NATO giúp lực lượng nổi dậy ở Libya lật đổ nhà lãnh đạo Muamar Gaddafi năm 2011. Hiện tại máy bay Pháp đang thực hiện các chuyến bay trinh sát ở Libya, trong khi các cố vấn quân sự Pháp hoạt động ở Libya phối hợp với Anh và Mỹ.
Ngoại trưởng Jean-Marc Ayrault cũng cho biết Pháp đang cân nhắc mở lại đại sứ quán tại Libya và ông sẽ đến nước này "ngay khi có các điều kiện thích hợp".
Libya rơi vào hỗn loạn kể từ cuộc chính biến lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Từ giữa năm 2014, tại quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính phủ và hai quốc hội đối địch. Chính phủ do Quốc hội được quốc tế công nhận đã buộc phải chuyển tới thành phố Tobruk sau khi lực lượng Hồi giáo Bình minh Libya (Fajir Libya) chiếm thủ đô Tripoli và lập chính phủ mới với sự ủng hộ của cơ quan lập pháp đã mãn nhiệm.
Lợi dụng tình hình này, tổ chức khủng bố IS tìm cách mở rộng hoạt động tại Libya.
Tháng 12/2015, các phe phái đối địch của Libya đã đạt một thỏa thuận chia sẻ quyền lực do LHQ làm trung gian, theo đó, lập một chính phủ đoàn kết và chỉ định ông Sarraj làm Thủ tướng. Ngày 30/3 vừa qua, ông Sarraj đã về thủ đô Tripoli để bắt đầu công việc, bất chấp các phe phái đối địch Libya chưa chấp thuận chính phủ này.
Các cường quốc phương Tây ủng hộ chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, hy vọng chính phủ này sẽ tìm kiếm sự hỗ trợ của nước ngoài để chống IS cũng như ngăn chặn dòng người di cư từ Libya vượt biển vào châu Âu và phục hồi nền kinh tế Libya bằng cách khôi phục sản xuất dầu mỏ.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng can thiệp quân sự có thể làm tình hình xấu đi, đặc biệt khi ở Libya vẫn còn khoảng trống chính trị.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất