Thế giới 2019: Kinh tế Mỹ giảm tốc, đối mặt với nhiều thách thức trong năm tới

25/12/2019 12:20 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Nền kinh tế Mỹ khép lại năm 2019 với mức tăng trưởng được duy trì ở tốc độ vừa phải, nhờ sự hỗ trợ của chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động mạnh mẽ. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới vẫn có dấu hiệu chững lại, bất chấp mối lo về nguy cơ suy thoái đã được xoa dịu.   

Giới chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong hai năm tới

Giới chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái trong hai năm tới

Mặc dù giới chức Mỹ bác bỏ nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái, đa số chuyên gia kinh tế dự báo viễn cảnh ảm đạm này sẽ xảy ra trong 2 năm tới.

Đầu tư doanh nghiệp và hoạt động sản xuất suy giảm đã cản trở đà phục hồi của kinh tế của Mỹ trong nhiều tháng qua. Trong bối cảnh bất ổn thương mại kéo dài dai dẳng và kinh tế toàn cầu giảm tốc đồng bộ, nền kinh tế Mỹ có nguy cơ đối mặt với một chặng đường chông gai phía trước.   

Số liệu thống kê của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy kinh tế nước này trong quý III/2019 tăng trưởng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng nhẹ so với mức 2% trong quý II nhưng giảm mạnh so với mức 3,1% trong quý I đầu năm. Trong khi đó, kết quả khảo sát của Hiệp hội Kinh tế kinh doanh quốc gia (NABE) công bố gần đây dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ sẽ giảm còn 2,3% trong năm nay, so với mức 2,9% của năm 2018.   

Sau cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm 2019 của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) diễn ra hồi đầu tháng này, Chủ tịch FED Jerome Powell đã phác thảo bức tranh kinh tế Mỹ với nhiều điểm sáng, tối xen kẽ khi chi tiêu hộ gia đình và niềm tin người tiêu dùng tăng mạnh nhưng đầu tư doanh nghiệp, xuất khẩu và sản xuất giảm.   

Chú thích ảnh
Tòa nhà Chứng khoán New York ở Phố Wall, New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Chi tiêu tiêu dùng, chiếm tới 70% sản lượng của nền kinh tế Mỹ, đã tăng mạnh trong 3 quý đầu năm 2019, lần lượt ở mức 1,1%, 4,6% và 3,2%, phần nào giải tỏa những lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp, hiện duy trì ở mức dưới 4% kể từ đầu năm nay, đã giảm nhẹ xuống còn 3,5% trong tháng 11 vừa qua, mức thấp nhất trong gần 50 năm qua.

Tuy nhiên, bất chấp những số liệu tích cực trong chi tiêu tiêu dùng và thị trường lao động, đầu tư của doanh nghiệp đã giảm trong 2 quý liên tiếp, lần lượt ở mức 1% trong quý II và 2,3% trong quý III, làm kéo lùi đà tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế. Chưa kết, hoạt động của lĩnh vực chế tạo trong tháng 11 cũng ghi nhận mức giảm trong tháng thứ 4 liên tiếp, trong khi chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm 47,8% trong tháng 9, mức thấp nhất trong một thập kỷ.   

Chủ tịch FED Powell và nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng căng thẳng thương mại là một trong những yếu tố đè nặng lên nền kinh tế Mỹ. Ông Powell cảnh báo kinh tế Mỹ đang đối mặt với một số "thách thức nghiêm trọng" như tăng trưởng toàn cầu suy yếu và bất ổn thương mại leo thang trong năm qua. Ông cho biết FED đã thay đổi quan điểm trong chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ giải quyết những thách thức đe dọa tăng trưởng, cũng như cung cấp một số "sự đảm bảo" để ứng phó với các rủi ro kết hợp.   

FED đã 3 lần hạ lãi suất cơ bản kể từ tháng 7 vừa qua, viện dẫn bất ổn ngày càng gia tăng xuất phát từ căng thẳng thương mại, kinh tế toàn cầu suy yếu và sức ép lạm phát. Với những điều chỉnh chính sách này, lãi suất cơ bản của FED hiện được áp dụng trong phạm vi 1,5-1,75%.     

Business Roundtable - Hiệp hội giám đốc điều hành (CEO) của nhiều công ty lớn nhất ở Mỹ, cho biết chỉ số dự báo triển vọng kinh tế của các CEO trong quý IV/2019 đã giảm xuống còn 76,7%, thấp hơn mức trung bình trong lịch sử và đánh dấu mức giảm trong quý thứ 7 liên tiếp. Ông Joshua Bolten, Chủ tịch và CEO của Business Roundtable, cho biết các CEO có lý do để đưa ra dự báo thận trọng về thể trạng của kinh tế Mỹ. Theo ông, mặc dù kinh tế Mỹ đã cải thiện được môi trường thuế cạnh tranh, song chính sách thương mại không nhất quán và tăng tưởng toàn cầu giảm tốc đang tạo ra những "cơn gió ngược" đối với doanh nghiệp.   

Theo khảo sát của NABE, chính sách thương mại tiếp tục là rủi ro chi phối hoạt động của nền kinh tế Mỹ trong cả năm 2020, với 50% số chuyên gia được hỏi cho rằng đây là rủi ro lớn nhất.   

Cuộc chiến thương mại do Mỹ khơi mào đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính thương mại hàng hóa toàn cầu chỉ tăng 1,2% trong năm 2019, thấp hơn mức dự báo 2,6% đưa ra hồi tháng 4 vừa qua.Trong khi đó, trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới công bố hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống còn 3%, đồng thời cảnh báo tăng trưởng tiếp tục suy yếu do các rào cản thương mại và căng thẳng địa chính trị gia tăng.   

Đối với nền kinh tế Mỹ, vốn được coi là nền tảng cho sự thịnh vượng toàn cầu, tăng trưởng nhiều khả năng sẽ tiếp tục chậm lại trong năm 2020 do bất ổn thương mại kéo dài, thị trường lao động có thể suy yếu và triển vọng toàn cầu bấp bênh. Các chuyên gia của NABE dự báo GDP của Mỹ sẽ giảm còn 1,8% vào năm 2020.

Phan An/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm