03/12/2020 08:54 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, cập nhật đến 8h30 ngày 3/12 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng gần 65 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó có gần 1,5 triệu ca tử vong. Gần 45 triệu ca phục hồi và hiện còn 18,4 triệu ca đang phải điều trị.
Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nhất của đại dịch COVID-19, với tổng số ca nhiễm là 14.310.344 ca, tăng 199.830 ca và tổng số ca tử vong là 279.848 ca, tăng 2.813 ca. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới và đứng đầu khu vực châu Á, với 9.533.471 ca mắc và 138.657 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba thế giới, nhưng đứng đầu khu vực Nam Mỹ về số ca nhiễm, với 6.436.650 ca mắc và 174.531 ca tử vong.
Giám đốc của Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) Carissa Etienne cho biết số ca mắc COVID-19 tại châu Mỹ trong tháng 11 vừa qua đã tăng gần 30% so với một tháng trước đó, trong khi khu vực Bắc Mỹ cũng ghi nhận mức tăng kỷ lục số ca nhiễm mới trong một ngày. Trong tháng 11 vừa qua châu Mỹ đã ghi nhận hơn 6 triệu ca mắc COVID-19 mới và tổng số ca mắc bệnh ở khu vực này đã lên tới 26,9 triệu người, cảnh báo các ca nhập viện do COVID-19 ở Mỹ đang ở mức cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Tại Canada, virus SARS-CoV-2 cũng đang lây lan trong các cộng đồng bản địa ở các vùng xa xôi như người Yukon và Nunavut. Trong khi đó, ở khu vực Mỹ Latinh giới chức y tế vẫn tỏ ra lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Brazil khi số ca nhiễm mới vẫn tiếp tục tăng tại một số bang trong những tuần gần đây.
Trong khi đó, tại châu Âu, mặc dù nhiều nước đã triển khai thêm nhiều biện pháp chống dịch, song số ca mắc COVID-19 và tử vong vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nga là quốc gia đứng thứ tư thế giới, nhưng vẫn là nước đứng đầu châu Âu, với tổng số 2.347.401 ca nhiễm và 41.053 ca tử vong. Đứng sau Nga tại châu Âu là Pháp, với 2.244.635 ca nhiễm virus, tăng 14.064 và 53.816 ca tử vong. Đức đứng thứ sáu tại châu Âu, nhưng có số ca mắc COVID-19 mới theo ngày cao nhất châu lục, với 20.171, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.105.832. Trong khi đó, Anh là quốc gia có số ca tử vong tính theo ngày cao nhất tại châu Âu, với 648 ca, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 59.699, trong tổng số ca mắc lên 1.659.256.
Nhằm hạn chế tốc độ lây nhiễm nhanh hiện nay, ngày 2/12, Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo chính phủ liên bang và chính quyền 16 bang đã nhất trí kéo dài các biện pháp phong tỏa từng phần hiện nay đến ngày 10/1/2021. Thủ tướng Merkel nhận định mặc dù đã buộc phải áp đặt trở lại các biện pháp phong tỏa từng phần kể từ đầu tháng 11 vừa qua, song cho đến nay số ca nhiễm mới ở Đức vẫn ở mức cao, đặc biệt số ca tử vong tiếp tục tăng. Tỉ lệ lây nhiễm mới ở hầu hết các bang của Đức đều vượt ngưỡng 50 ca/100.000 dân trong vòng 7 ngày.
Liên quan đến nỗ lực chạy đua tìm nguồn cung vaccine sau khi một số hãng dược phẩm trên thế giới thông báo thành công trong các thử nghiệm lâm sàng với hiệu quả lên tới 95%, nhiều nước đã nhanh chóng chọn lựa và ký hợp đồng mua hàng trăm triệu liều vaccine nhằm sớm triển khai chương trình tiêm chủng trong nước. Bộ trưởng Y tế Brazil Eduardo Pazuello cho biết từ đầu tháng 1 tới đây nước này sẽ tiếp nhận khoảng 15 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do trường đại học Oxford và phòng thí nghiệm AstraZeneca nghiên cứu và bào chế. Như vậy, tổng số lượng vaccine mà nước này dự kiến nhận được trong quí 1/2021 vào khoảng 100 triệu liều. Ngoài ra, với việc chuyển giao công nghệ vào quí 2/2021, Quỹ Oswaldo Cruz ở Rio de Janeiro (Fiocruz) có thể sản xuất được thêm 160 triệu liều nữa. Đến cuối năm 2021 Brazil sẽ có ít nhất 260 triệu liều vaccine để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng đại trà, theo đó mỗi người dân sẽ phải tiêm chủng ít nhất hai mũi.
Trong khi đó, Nga đang nỗ lực để tăng sản lượng vaccine trong nước và trên thế giới. Đến nay, Nga thông báo đã có 2 loại vaccine ngừa COVID-19 được đăng ký tại nước này. Loại đầu tiên được đăng ký là Sputnik V do Trung tâm Gamaleya phát triển. Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo việc cấp phép vaccine EpiVacCorona của Trung tâm Vector.
Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết hơn 100.000 người đã được tiêm vaccine Sputnik V do Nga sản xuất và vaccine này đang được chuyển đến tất cả các vùng của Nga để tiến hành chiến dịch tiêm chủng đại trà trong thời gian ngắn. Trong ngày 2/12, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị cho chính phủ bắt đầu tiêm phòng hàng loạt vào cuối tuần tới. Theo ông Putin, Nga đã "hoặc sẽ sản xuất" hơn 2 triệu liều vaccine Sputnik V.
Theo ông Murashko, Nga sẽ tăng cường sản xuất vaccine ở Nga và trên toàn cầu.
Phương Hoa - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất