25/02/2021 08:44 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 25/2 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận tổng cộng 113.074.582 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 2.506.615 ca tử vong. Số bệnh nhân phục hồi hiện nay là 88.698.000 người.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 28.971.674 ca nhiễm, trong đó có 517.397 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ với 11.046.432 ca nhiễm và 156.742 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 10.326.008 ca nhiễm và 250.079 ca tử vong.
Tính theo khu vực, châu Âu đã vượt Bắc Mỹ trở thành khu vực có số ca mắc COVID-19 và tử vong cao nhất thế giới, với 33.550.415 ca mắc, trong đó có 801.708 ca tử vong. Bắc Mỹ ghi nhận 33.217.395 ca nhiễm và 747.059 ca tử vong. Châu Á đứng thứ ba với 24.714.464 ca nhiễm và 394.786 ca tử vong.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước châu Âu tiếp tục gia hạn hoặc duy trì các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch. Ngày 24/2, người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết nước này cần áp đặt biện pháp hạn chế mới tại các địa phương để tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa mới trên toàn quốc. Người phát ngôn Attal nêu rõ tình hình lây nhiễm đang ở mức đáng lo ngại tại một số khu vực của nước Pháp.
Tại Italy, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza tuyên bố nước này vẫn chưa sẵn sàng nới lỏng hạn chế đối với hoạt động kinh doanh và đi lại do số ca mắc COVID-19 vẫn có nguy cơ tăng. Bộ trưởng Speranza nêu rõ tình hình dịch bệnh hiện nay vẫn chưa cho phép Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế. Chính phủ Italy đang lên kế hoạch đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng COVID-19. Đầu tuần này, Italy đã gia hạn lệnh cấm các chuyến đi không cần thiết giữa 20 vùng của nước này nhằm ngăn chặn sự lây lan các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 có khả năng lây nhiễm cao.
Trước đó, Bỉ đã cấm các hoạt động đi lại ở trong và ngoài nước. Trong khi đó, Áo và Séc phản đối việc Đức kiểm soát chặt biên giới để khống chế dịch. Các nước thành viên EU dự kiến sẽ nhất trí duy trì các biện pháp hạn chế đối với hoạt động đi lại vì mục đích nghỉ dưỡng. Các nước phía Nam EU đang thúc đẩy việc ban hành hộ chiếu vaccine để khởi động du lịch mùa Hè. Tuy nhiên, Đức và Pháp lo ngại rằng việc mở cửa đi lại cho những người đã tiêm phòng sẽ dẫn đến tình trạng phân biệt đối xử với nhóm người còn lại.
Chính phủ liên bang Đức ngày 24/2 đã thành lập lực lượng đặc nhiệm phụ trách mở rộng các cơ sở sản xuất, thu mua nguyên liệu cũng như các công việc liên quan tới vaccine phòng COVID-19. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh chương trình tiêm chủng tại Đức diễn tiến chậm.
Cùng ngày, Israel thông báo cấp "thẻ Xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vaccine. Bộ Y tế Israel cho biết đang triển khai kế hoạch cấp chứng nhận cho những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19 để họ được vào các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm, thể thao, xuất cảnh du lịch và các hoạt động đông người khác. "Thẻ Xanh" này sẽ chứa mã bảo mật trong tem QR nhằm tránh bị làm giả.
Từ ngày 21/2, Israel bắt đầu cho phép các điểm dịch vụ dành cho đông người được mở cửa đón khách trở lại với điều kiện khách hàng phải có "thẻ Xanh". Theo thống kê, đến nay Israel đã tiêm chủng cho hơn 50% tổng dân số đất nước, trong đó 4 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Ngoài 3 triệu người chưa đủ điều kiện tiêm chủng (gồm trẻ em dưới 16 tuổi và những người đã khỏi COVID-19), vẫn còn 2 triệu người trưởng thành nhưng chưa được tiêm vaccine.
Phương Hoa - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất