12/10/2016 08:41 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Phương pháp mà ông Ngô Trong, 59 tuổi, thôn Bãi Giếng 2, xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, trồng xoài khiến nhà vườn nào ở “thủ phủ xoài Cam Lâm” cũng cảm phục - Đó là cách ông "điều khiển" cho xoài ra hoa, kết trái nghịch mùa. Ông Trong không chỉ có diện tích xoài lớn nhất ở “thủ phủ xoài” này mà ông còn rất sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất để tăng năng suất, giá trị cho vườn xoài Úc của mình.
Đầu tháng 10, những cơn mưa đã xuất hiện nhiều hơn, làm cho “thủ phủ xoài Cam Lâm” với gần 5.000 ha, rợp màu xanh tốt, đầy sức sống. Vườn xoài Úc của ông Ngô Trong rộng đến 12 ha, trải dài trên một vùng đất bằng phẳng và chỉ cách Quốc lộ 1A gần 1km. Đã quá trưa, ông Trong vẫn cần mẫn kiểm tra từng chùm hoa xoài Úc đang đua nở.
Xoài Úc ra hoa vào dịp này là do ông “bắt chúng” làm theo ý của mình, chứ theo lẽ tự nhiên sau Tết Nguyên đán xoài mới đơm hoa kết trái. Ông Trong cho biết: "Tuy là trái vụ nhưng năm nay hoa nở rất nhiều, khả năng cho sản lượng khoảng 50 tấn quả vào dịp Tết Đinh Dậu sắp tới. Làm xoài Úc vụ Tết, tuy cho sản lượng không cao bằng vụ đầu Hè, nhưng lại bán được giá cao gấp đôi với trên 70.000 đồng/kg, nhờ cách làm này mà thu lãi trên 1 tỷ đồng/vụ".
Xoài sai trái nghịch mùa (ảnh mang tính minh họa)
Vừa dứt lời, ông Trong khởi động xe máy rồi bảo tôi cùng ngồi lên. “Vườn xoài Úc này có khoảng 3.500 cây đều đã cho thu hoạch, nếu đi bộ quanh vườn thì không còn sức mà tìm hiểu nữa đâu”, ông Trong dí dỏm nói, rồi lái xe chở tôi đi quanh vườn. Ông Trong lái xe chạy theo con đường nội đồng quanh vườn mát rượi, do những hàng cây xoài tỏa bóng che.
Ông Trong kể, gần như cả cuộc đời ông đã gắn bó với vườn xoài này. Trước đây, ông làm xoài canh nông, khoảng chục năm về trước chuyển sang xoài Cát Hòa Lộc, vài năm trở lại đây làm xoài Úc. Để làm được xoài Úc vụ Tết, ông đã phải đi nhiều nơi học hỏi, mặc dù kỹ thuật làm cho xoài ra hoa trái vụ rất khó, nhất là khi thời tiết diễn biến phức tạp.
Ông Trong chia sẻ: "Muốn làm xoài Úc trái vụ, đến đầu tháng 8 âm lịch, dùng các phương pháp “kích” cho xoài ra hoa. Muốn vậy, phải làm cho xoài ra đọt non, sau đó phun thuốc kích thích nhằm tạo mầm ở đọt để xoài ra hoa. Theo ông Trong, cách bón phân cũng rất quan trọng. Một năm bón ba lần phân, nhưng phải đúng thời điểm - Đó là bón sau mỗi lần thu hoạch xong, bón khi xoài chuẩn bị ra hoa và khi xoài đã có quả cỡ vừa. Nếu bón phân không đúng cách hoặc bón khi quả xoài còn nhỏ, quả sẽ bị rụng. Về dịch bệnh, bọ trĩ là đối tượng gây hại nguy hiểm nhất đối với xoài, nhất là trong thời kỳ xoài ra đọt. Khi xoài đã có quả non cũng cần phòng trừ, nếu không bọ trĩ sẽ ăn mất quả".
Với ông Trong, kỹ thuật làm cho quả xoài đạt chuẩn và đẹp cũng rất quan trọng. Theo kinh nghiệm của ông, khi quả xoài đạt cỡ trung bình, cần tỉa cành lá xung quanh cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào quả xoài. Cách làm này giúp quả xoài có vỏ đẹp, sáng sạch, không bị trầy xước, hạn chế được sâu bệnh. Quả xoài Úc đạt chuẩn có trọng lượng từ 0,7 1kg, vỏ có màu hồng đỏ, hạt nhỏ, thịt vàng có mùi thơm béo, vị ngọt thanh và rất ít xơ.
Ứng dụng hệ thống tưới hiện đại
Theo ông Trong, để vườn xoài rộng lớn phát triển tốt, cho năng suất cao, ổn định, việc có kinh nghiệm không thôi là chưa đủ, mà cần đầu tư công nghệ mới. Ông dẫn chứng, nếu như không kịp thời đầu tư hệ thống tưới nước nhỏ giọt, vườn xoài đã không thể phát triển tốt như bây giờ, vì mấy năm qua đều xảy ra hạn hán gay gắt. Chỉ riêng kinh phí đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đặt ngầm dưới 3.500 gốc xoài cũng đã lên đến 500 triệu đồng.
Nhưng “đắt xắt ra miếng”, hệ thống tưới này mang lại rất nhiều lợi ích, không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước tưới, mà còn giúp xoài phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Nếu dùng phương pháp tưới truyền thống là dùng vòi tưới trên mặt đất, mỗi ngày phải thuê 5 lao động, tiền công hết khoảng 1 triệu đồng.
Với hệ thống tưới nhỏ giọt, chỉ cần bật công tắc điện cho hệ thống vận hành là xong. Hệ thống tưới nhỏ giọt còn giúp tiết kiệm điện, nếu như trước đây tưới vòi hết 6 triệu đồng tiền điện/tháng, nay chỉ hết 2,5 triệu đồng. Một lợi ích thiết thực nữa mà hệ thống tưới này mang lại là giúp giảm được 1/3 lượng phân bón. Bởi phân được hòa tan trong một bồn chứa nước, rồi mới tưới cho xoài thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Cách làm này, giúp bộ rễ của cây xoài luôn duy trì được độ ẩm để hấp thụ tối đa lượng phân, không làm dư thừa, lãng phí phân.
Từ kinh nghiệm làm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và ứng dụng kỹ thuật cao, ông Trong cho rằng, để người nông dân yên tâm làm ăn trên quy mô lớn, Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ ứng dụng kỹ thuật, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản.
Ông Trong nêu thực tế, hiện nay xoài Úc ở Cam Lâm đã có thương hiệu nhưng chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc. Khi được mùa, họ thường ép giá xoài xuống mức thấp. Để không phụ thuộc vào thị trường này, chỉ còn cách giúp nhà vườn ứng dụng kỹ thuật cao để làm ra những quả xoài có chất lượng cao, mẫu mã đẹp hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm xuất khẩu sang nhiều thị trường.
Hiệu quả mà vườn xoài của ông Trong mang lại đã thu hút doanh nghiệp muốn mua lại với giá hàng chục tỷ đồng. Ông cũng nhận được lời khuyên, bán vườn xoài đi lấy số tiền đó mà an hưởng tuổi già. Ông Trong tâm sự, chẳng ở đâu an hưởng tuổi già tốt như gắn bó với vườn xoài này.
Ở đây có không gian yên tĩnh, không khí trong lành, thoáng đãng và quan trọng nhất là làm vườn luôn mang lại cảm giác thư thái, vì đó là niềm đam mê. Mỗi lần cầm miếng xoài lên ăn, bản thân ông luôn cảm nhận được vị ngọt thanh đặc trưng của xoài Úc. Có lẽ, ngoài vị ngọt thanh tự nhiên vốn có của giống xoài này, còn có “vị ngọt” do tâm hồn cảm nhận. Đó là “vị ngọt” đến từ thành quả lao động cần mẫn và không ngừng đầu tư, ứng dụng kỹ thuật cao vào sản xuất.
Góp thêm vào câu chuyện, ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Cam Hải Tây cho biết, nhiều bà con ở vùng này, nhờ học hỏi được cách làm xoài sáng tạo của ông Trong mà bây giờ họ cũng đã được tận hưởng “vị ngọt” từ xoài Úc mang lại.
Ngoài chia sẻ kinh nghiệm làm xoài với bà con, ông Trong còn tạo việc làm thường xuyên cho từ 10 - 15 lao động ở địa phương, với mức thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng.
TTXVN/Nguyên Lý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất