Thực hư chuyện doanh nhân bỏ tiền túi mua tàu sân bay cho Trung Quốc

21/01/2015 06:45 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Một doanh nhân Trung Quốc đã gây chú ý khi tuyên bố bỏ tiền ra mua con tàu sân bay đầu tiên cho Trung Quốc và rằng Bắc Kinh chưa từng trả ông ta số tiền lên tới 120 triệu USD. Tuy nhiên đây không phải là lần đầu tiên ông ta đưa ra tuyên bố chấn động này.

Trong cuộc tiếp xúc độc quyền với tờ Bưu điện Nam Hoa buổi sáng (SCMP), doanh nhân Từ Tăng Bình (Xu Zengping) nói rằng ông đã trả cho Ukraina số tiền 20 triệu USD để mua con tàu sân bay Varyag, về sau đi vào hoạt động trong quân đội Trung Quốc với tên Liêu Ninh.

Các cuộc thương thảo “ngập trong rượu”

Theo SCMP, Trung Quốc từng cân nhắc việc mua con tàu sân bay từ năm 1992, nhưng đề nghị của họ bị từ chối. Ukraina không thực hiện giao dịch chủ yếu do không muốn gây căng thẳng với Mỹ.

4 năm sau, một số quan chức Hải quân Trung Quốc đã tiếp xúc với Từ, đề nghị ông giúp thực hiện thương vụ. Họ cẩn trọng nói rằng Hải quân thiếu vốn và Bắc Kinh cũng không ủng hộ dự án. Theo lời họ, về cơ bản Từ  sẽ phải đánh cược trên sự thay đổi chính sách của chính quyền.

Từ, một cựu cầu thủ bóng rổ của Quân giải phóng Trung Quốc (PLA), đã quyết định thương thảo để mua tàu Varyag, xuất phát từ “khao khát” tăng cường tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc. “Tôi đã quyết định thực hiện thương vụ dù nhận ra rằng đây là một nhiệm vụ tưởng như bất khả thi. Mua một thứ như tàu sân bay phải là thỏa thuận cấp quốc gia, không phải do một công ty hay cá nhân thực hiện” - Từ nói.


Bức ảnh được cho là chụp Từ Tăng Bình (phải) trong tàu Varyag

Để mua được Varyag, Từ thủ vai một doanh nhân muốn dùng con tàu làm sòng bạc nổi ở Macau. Thương vụ mua con tàu này, đã được Từ và các chủ tàu ở Ukraina hoàn tất chỉ sau vài ngày, sau nhiều cuộc thương thảo “ngập trong rượu”.

Từ đã lên tàu Varyag và choáng ngợp trước độ lớn của nó. Ông cũng thấy 4 động cơ chế tạo từ thời Liên Xô của con tàu vẫn còn nguyên và vẫn được bảo quản rất tốt vào thời điểm đó. Thông tin này khác với nhiều bài báo, nói rằng trong thương vụ mua tàu Varyag, Trung Quốc chỉ mang về được vỏ tàu rỗng. "Phía Trung Quốc cố gắng tung nhiều thông tin sai về việc tàu Varyag đã bị gỡ động cơ, để Từ và xưởng đóng tàu dễ thương thảo hơn” - SCMP dẫn các nguồn tin có biết rõ về thương vụ cho biết.

Chính quyền “xù” tiền mua Varyag

Tuy nhiên để có thể hoàn tất thương vụ mua Varyag, Từ đã phải vay mượn hàng chục triệu USD từ bạn bè. Việc vay mượn diễn ra do Hải quân Trung Quốc từ chối trả tiền, với lý do không có ngân sách trong những năm 1990, xuất phát từ tình trạng kinh tế không được tốt của nước này.

Chi phí ban đầu để Từ mua tàu Varyag là 20 triệu USD. Nhưng chi phí đã tăng vọt khi người ta kéo nó từ Ukraina tới Trung Quốc - một hành trình đã bị trì hoãn trong nhiều năm. Đó là chưa kể tới việc Từ còn phải gánh nhiều chi phí khác.  

Sau khi về Trung Quốc, Từ đã chuyển tàu Varyag lại cho Hải quân Trung Quốc. Sau nhiều năm tân trang và lắp thiết bị mới, con tàu đã đi vào trang bị trong năm 2012. Đây được xem là sự kiện mang tính cột mốc khi Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự.


Từ Tăng Bình cạnh mô hình tàu Varyag

Vấn đề là sau khi trao lại con tàu cho Hải quân Trung Quốc, Từ vẫn chưa nhận được xu nào từ chính quyền, như lời ông nói với SCMP. Tờ báo dẫn thông tin từ một cuốn sách đã xuất bản, nói rằng Từ “mặc cả với Hội đồng Nhà nước Trung Quốc trong nhiều năm để đòi bồi thường khi thương vụ đã kết thúc”. Tuy nhiên Bắc Kinh chỉ trả ông này có 20 triệu USD tiền mua tàu. Tờ báo cũng không cho biết chính quyền đã trả tiền hay chưa.

SCMP dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng Từ đã phải gánh lấy chi phí, bởi các quan chức Hải quân từng đề nghị ông này nhận “nhiệm vụ” mua tàu Varyag đều đã chết hoặc đang ở trong tù. Theo SCMP, dù chịu thiệt hại kinh tế, Từ vẫn vui khi nhìn thấy sự thay đổi của con tàu mình đã giúp mua. “Tôi chỉ cảm thấy thực sự nhẹ nhõm khi con tàu được Hải quân đưa vào trang bị 12 năm sau đó. Cảm giác giống như đã nhìn thấy con tôi lớn lên và kết hôn vậy” - ông nói.

Từng bị bắt vì tuyên bố là “cha đẻ tàu sân bay”

Có thể thấy thông tin do SCMP đưa ra khá đặc biệt. Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Từ nói rằng ông ta giúp mua tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Năm 2014, tạp chí Boxun (Hong Kong) đưa tin Từ đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ, sau khi khoe khoang về việc có mối quan hệ với quân đội Trung Quốc và khẳng định mình là “cha đẻ tàu sân bay Liêu Ninh”.

Boxun nói rằng sau khi mua tàu Varyag, Từ đã dùng thương vụ để có mối quan hệ gần gũi với giới chức quân đội Trung Quốc. Ông này đã dùng danh tiếng để vay hàng triệu USD và mua dinh thự, mở nhiều nhà hàng ở Hong Kong. Tuy nhiên bất chấp tuyên bố của Từ rằng bản thân có quan hệ tốt với PLA, ông ta thực tế chỉ quen vài viên tướng và không có chân trong quân đội.

Boxun cũng nói rằng Từ đã bị bắt và bị giam lỏng tại gia trong vòng vài tháng vào năm 2012, trước khi Liêu Ninh được đưa vào trang bị trong quân đội Trung Quốc. Ông này đã không được PLA ghi nhận hoặc nhắc tới trong lễ đưa Liêu Ninh vào trang bị.

Được biết trong cuộc họp báo thường kỳ diễn ra vào chiều ngày 20/1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói rằng bà “không biết có chuyện như thế”, khi được hỏi về nội dung bài báo đăng trên SCMP.

Tường Linh (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm