23/11/2021 15:17 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Trong lúc dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhiều nước đã đẩy nhanh việc phát triển thuốc điều trị Covid-19. Đến nay, các cuộc thí nghiệm lâm sàng về loại thuốc này đã cho nhiều kết quả khả quan.
Nếu được kết hợp cùng vaccine, những viên thuốc điều trị COVID-19 có thể bổ sung và làm đa dạng thêm kho “vũ khí” giúp thế giới chống lại đại dịch.
Những tiến bộ về thuốc điều trị COVID-19
Kể từ đại dịch COVID-19 bùng nổ, nhiều hãng dược trên thế giới đã nhanh chóng nghiên cứu và bào chế vaccine phòng chống bệnh, nhờ đó hàng triệu người đã được cứu sống. Trong thời gian vừa qua, một số công ty dược lớn đã công bố báo cáo khả quan về các cuộc thí nghiệm lâm sàng thuốc điều trị COVID-19 và điều này hứa hẹn thay đổi cuộc chiến chống đại dịch vốn đã khiến hơn 5,1 triệu người trên toàn cầu tử vong.
Hồi đầu tháng 11/2021, thuốc kháng virus Molnupiravir của hãng dược Merck & Co (Mỹ) đã trở thành thuốc điều trị COVID-19 dạng uống đầu tiên trên thế giới sau khi Anh khuyến nghị sử dụng thuốc này cho những người mắc COVID-19 vừa và nặng. Động thái này đánh dấu sự cho phép đầu tiên trên thế giới từ một cơ quan y tế đối với thuốc kháng virus bằng đường uống được sử dụng để điều trị COVID-19 ở người lớn. Theo báo cáo các cuộc thử nghiệm lâm sàng, thuốc Molnupiravir, có tên thương mại là Lagevrio, giảm khoảng 50% nguy cơ tử vong hoặc nhập viện ở các bệnh nhân COVID-19.
Tuy Molnupiravir hiện vẫn chưa nhận được ủy quyền đầy đủ để bán trên thị trường song Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 16/11 đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp trong EU viên thuốc điều trị COVID-19. Theo EMA, thuốc này hiện nay chưa được cấp phép trong EU, nhưng có thể được sử dụng để điều trị cho người trưởng thành mắc COVID-19, những người không cần oxy bổ sung và những người có nhiều nguy cơ bệnh trở nặng.
Trong một diễn biến tích cực khác, ngày 16/11 vừa qua, hãng dược Pfizer Inc của Mỹ cho biết hãng đang xin cấp phép lưu hành tại Mỹ một loại thuốc viên kháng virus đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị COVID-19 có tên là Paxlovid. Trong thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc viên dạng uống này cho thấy khả năng giảm 89% nguy cơ phải nhập viện hoặc bệnh diễn biến nặng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành. Nếu được Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn, Pfizer cho biết sẽ bắt đầu giao thuốc ngay trong năm nay. Ngoài Mỹ, Pfizer cũng đã hoàn tất quy trình xin cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid tại một số nước, trong đó có Anh, Australia, New Zealand và Hàn Quốc, và sẽ tiếp tục xin cấp phép tại nhiều nước khác. Pfizer kỳ vọng công ty có thể sản xuất 180.000 liệu trình Paxlovid vào cuối tháng 12/2021 và ít nhất 50 triệu liệu trình đến cuối năm 2022.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 19/11 cũng đã bắt đầu xem xét việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19 của hãng dược Pfizer để các quốc gia thành viên EU sử dụng khẩn cấp nhằm đối phó với sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19. Quyết định trên sẽ cho phép EMA đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia đang mong muốn sử dụng phương pháp điều trị kháng virus đầy hứa hẹn của hãng dược Mỹ trước khi được phê duyệt chính thức trên toàn EU. EMA cho biết đang xem xét dữ liệu sẵn có về việc sử dụng thuốc Paxlovid do Pfizer phát triển để chống lại COVID-19. Cơ quan này đang bắt đầu đánh giá để hỗ trợ các cơ quan chức năng quốc gia có thể quyết định về việc sử dụng sớm thuốc này trong trường hợp khẩn cấp khi mà thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường. Việc phê duyệt chính thức dự kiến sẽ bắt đầu từ tuần này, nhưng EMA mong muốn rút ngắn thời gian để các quốc gia có thể đưa ra quyết định càng sớm càng tốt.
Không chỉ xem xét với Paxlovid của Pfizer, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ngày 18/11 cho biết đang đánh giá đơn xin cấp phép sử dụng thuốc kháng thể đơn dòng Sotrovimab trong điều trị bệnh COVID-19. Sotrovimab, có tên thương mại là Xevudy, là thuốc điều trị COVID-19 dạng tiêm do hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) và công ty Vir Biotechnology đồng phát triển. Nếu được EMA phê chuẩn, đây sẽ là loại thuốc điều trị COVID-19 được cấp phép sử dụng tại châu Âu. Dự kiến quyết định của EMA đối với thuốc Sotrovimab có thể được đưa ra trong khoảng 2 tháng nữa.
Trung Quốc cũng đang tăng tốc hoàn thành việc phát triển các loại thuốc điều trị COVID-19. Trong số các loại thuốc đang được nghiên cứu và thử nghiệm tại Trung Quốc, liệu pháp kết hợp kháng thể đơn dòng trung hòa dự kiến sẽ trở thành liệu pháp đầu tiên được chấp thuận sử dụng trên thị trường vào tháng 12 tới. Thuốc này cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba ở 7 nước, trong đó có Mỹ, Brazil và Philippines.
Nếu hiệu quả của các loại thuốc kể trên được xác nhận thì đây sẽ là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống COVID-19.
Kỳ vọng đan xen thách thức
Các chuyên gia y tế cho biết với tác dụng của các loại thuốc điều trị COVID-19, cùng với việc tiêm vaccine, các quốc gia sẽ có khả năng sống chung với dịch bệnh.
Ông Alber Bourla, Chủ tịch-Giám đốc điều hành hãng dược Pfizer cho biết, thuốc điều trị sẽ là yếu tố thay đổi “cuộc chơi” và cho rằng đây sẽ yếu tố thay đổi dịch bệnh, có tiềm năng cứu hàng triệu mạng sống.
Ông Sanjaya Senanayake, bác sĩ về bệnh truyền nhiễm đồng thời là Phó Giáo sư tại Trường Y thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho rằng do con người sẽ sống chung lâu dài với COVID-19, việc bào chế các loại thuốc điều trị này là rất quan trọng. Ông khẳng định tiêm vaccine phòng COVID-19 vẫn là biện pháp bảo vệ tốt nhất nhằm giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và nhập viện, trong khi những loại thuốc điều trị dạng uống sẽ củng cố "kho vũ khí" của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch. Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm này, các loại thuốc điều trị sẽ giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong ở những người không thể tiêm vaccine hoặc những người mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ liều.
Trong khi đó, Phó Giáo sư Ashley Brown thuộc Viện Đổi mới Trị liệu tại Đại học Y khoa Florida nhấn mạnh việc bào chế ra thuốc kháng virus dạng uống được xem là yếu tố giúp "thay đổi cuộc chơi", bởi những loại thuốc này sẽ sẵn có để cung ứng rộng rãi cho người dân. Theo bà Brown, người mắc COVID-19 có thể tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19 dạng uống trong thời gian đầu của bệnh hoặc sau khi tiếp xúc với người bệnh, qua đó người này có thể tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng.
Nhưng dù mở ra nhiều hy vọng, hiện nay nhiều chuyên gia vẫn lo ngại việc tiếp cận sớm với thuốc điều trị COVID-19 dạng uống sẽ phụ thuộc vào năng lực truy vết và xét nghiệm của từng quốc gia và hiện vẫn chưa rõ mức độ hiệu quả của các loại thuốc này trong trường hợp người bệnh chưa được điều trị ngay. Giới khoa học cũng bày tỏ quan ngại về khả năng virus SARS-CoV-2 trong cơ thể người bệnh sẽ kháng thuốc. Đây cũng là mối quan ngại đặt ra đối với việc phát triển các phác đồ điều trị các bệnh do virus mãn tính gây ra, trong đó có cả thuốc kháng virus của hãng Pfizer. Do vậy, giới khoa học cho rằng các hãng dược cần tiếp tục nghiên cứu các loại thuốc mới để có thể sử dụng cùng với các loại thuốc điều trị COVID-19 dạng viên hiện có, qua đó ngăn chặn tình trạng kháng thuốc.
Một điều lo ngại khác nữa là khi tiềm năng của các loại thuốc điều trị COVID-19 đang mở ra thì một cuộc “chạy đua” phê duyệt khẩn cấp và đặt mua sớm thuốc điều trị đang được đặt ra. Cho đến nay, tuy cả hai loại thuốc Molnupiravir của Merck và Paxlovid của Pfizer đều vẫn trong quá trình thử nghiệm lâm sàng, song nhiều quốc gia đã đổ xô đặt mua hai loại thuốc này. Trong khi Mỹ và EU vẫn đang đánh giá thuốc điều trị COVID-19, thì Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới khuyến nghị sử dụng Molnupiravir của Merck. Đến nay Merck & Co đã ký 9 thỏa thuận bán hơn 3 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir cho hơn 100 nước, trong đó Mỹ đặt mua hơn 1,7 triệu liệu trình, Anh đặt mua 480 nghìn liệu trình, Malaysia đặt 150 nghìn, Philippines đặt 300 nghìn, Thái Lan đặt 200 nghìn, Hàn Quốc đặt 20 nghìn, Australia đặt 300 nghìn, Pháp đặt 50 nghìn liệu trình… Đối với thuốc Paxlovid của Pfizer, Mỹ hiện đảm bảo cung cấp hàng triệu liều, trong khi Anh đã kịp đặt mua 250 nghìn liệu trình thuốc Paxlovid…
Một số ý kiến lo ngại rằng, khi cuộc “chạy đua” diễn ra sẽ đặt ra thách thức đối với những người dân tại các nước có thu nhập thấp và trung bình không được tiếp cận với thuốc điều trị COVID-19.
Và dù thuốc điều trị COVID-19 được chứng minh có thể làm giảm tác động tồi tệ của dịch bệnh thì vẫn không thể phủ nhận sự cần thiết của vaccine ngừa COVID-19. Các bác sỹ đã cảnh báo những người còn do dự tiêm chủng không nền nhầm lẫn giữa lợi ích của các phương pháp điều trị với việc phòng bệnh bằng vaccine. Theo một nghiên cứu, ngay cả khi đối mặt với biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech vẫn có hiệu quả, giảm tổng cộng 86,8% nguy cơ nhập viện. Trong làn sóng COVID-19 thứ 4 đang bùng phát ở châu Âu những tuần qua cũng đã chỉ ra “điểm yếu” của hệ thống phòng thủ chống dịch lúc này chính là những người chưa tiêm vaccine. Điều này cho thấy sự kết hợp của thuốc phòng bệnh (vaccine) và chữa bệnh (thuốc điều trị) mới là thứ vũ khí tốt nhất giúp thế giới chiến thắng dịch bệnh.
Trọng Đức - TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất