Tình hình dịch Covid-19 sáng 18/6: Số ca tử vong vượt 450.000 người​

18/06/2020 08:37 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.org, tính đến 8 giờ sáng 18/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 8.393.096 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó số ca tử vong do viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là 450.452 trường hợp. Hiện tổng số ca bình phục là 4.408.937 ca, trong khi vẫn còn 54.451 ca trong tình trạng nặng và nguy kịch. 

Thế giới cần thận trọng trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai

Thế giới cần thận trọng trước làn sóng bùng phát dịch COVID-19 thứ hai

Những ngày gần đây, khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu dịu bớt ở một số quốc gia, nhiều nước đã giảm bớt giãn cách xã hội hoặc chuẩn bị “bình thường hóa” các hoạt động kinh tế-xã hội.

Trong 24 giờ qua, toàn nước Mỹ có thêm 26.071 ca nhiễm và 809 ca tử vong. Tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và tử vong do COVID-19 tại Mỹ lần lượt ở mức 2.234.471 ca và 119.941 ca.     

Tại Brazil, trong ngày 17/6, quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận số ca nhiễm và số ca tử vong trong ngày cao nhất thế giới, 31.475 ca nhiễm và 1.209 ca tử vong. Trong khi đó, theo số liệu của Bộ Y tế Brazil, nước này ghi nhận số ca nhiễm trong ngày lên tới gần 35.000 ca.  

Khu vực Nam Mỹ đang trở thành điểm nóng của đại dịch COVID-19 với số ca nhiễm đặc đặc biệt tăng mạnh. Peru trong ngày 17/6 cũng đã có thêm 3.752 ca nhiễm mới. Hiện tổng số ca nhiễm tại Peru đã lên tớn 240.000 ca, đứng thứ 2 tại khu vực Nam Mỹ, sau Brazil, chịu ảnh hưởng nặng nề của COVID-19. Theo dõi biểu đồ dịch bệnh, tình hình dịch bệnh tại Peru đã vượt Italy về số ca nhiễm. 

Tính chung, châu Mỹ đang là tâm dịch của dịch COVID-19 trên thế giới với gần 4 triệu ca nhiễm và 204.000 ca tử vong. Peru, Chile và Brazil là các quốc gia có tình trạng lay lan dịch bệnh mạnh nhất trong vài tuần gần đây. Tổng thống Honduras Juan Orlando Hernandez là nguyên thủ quốc gia mới nhất dương tính với virus SARS-CoV-2.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Santiago, Chile. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tại châu Âu, Nga ghi nhận thêm 7.843 ca nhiễm và 194 ca tử vong trong ngày 17/6. Hiện Nga là nước chịu ảnh hưởng thứ 3 của đại dịch COVID-19 với tổng cộng 553.301 ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Tại Romania, nước này xác nhận có 345 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm cao nhất trong ngày được ghi nhận ở quốc gia châu Âu này kể từ ngày 7/5.       

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ đang có chiều hướng xấu đi. Theo báo cáo mới nhất, Ấn Độ ghi nhận hơn 2.000 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên tới 11.903 ca. Chính phủ Đức hối thúc công dân ở Ấn Độ xem xét rời khỏi nước này một cách an toàn, trong khi Pháp cảnh báo công dân ở thủ đô New Delhi ở trong nhà trừ các trường hợp tới sân bay để trở về châu Âu.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Bangalore, Ấn Độ. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện dịch COVID-19 cũng đang lây lan mạnh tại một số nước như Pakistan, Saudi Arabia, Bangladesh, Nam Phi với số ca nhiễm mới trong ngày từ 4.000 đến gần 6.000 ca. Bất chấp số ca nhiễm mới vẫn tăng nhanh, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa thông báo sẽ cho phép một số lĩnh vực kinh tế - xã hội hoạt động trở lại mặc dù nước này vẫn đang duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3 trên quy mô toàn quốc do dịch COVID-19. Tuy nhiên, thời gian mở cửa trở lại cho từng lĩnh vực cụ thể sẽ được thông báo trong thời gian tới.        

Cũng trong ngày 17/6, Bộ Y tế Israel thông báo xác nhận thêm 288 ca nhiễm mới trong ngày , đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 19.783. Theo Bộ Y tế, số ca tử vong đã tăng lên 303 và số ca nhiễm đang được điều trị tăng lên 3.875 trường hợp, mức cao nhất kể từ ngày 15/5.  Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp với những người đứng đầu các bộ ngành liên quan để  để thảo luận về khả năng áp đặt trở lại một số hạn chế đối với các hoạt động kinh tế và xã hội.

Lan Phương/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm