01/04/2020 08:04 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Tới 6h sáng 1/4, thế giới có trên 854.000 người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trên 42.000 người tử vong. Italy, Tây Ban Nha và Mỹ tiếp tục là các điểm dịch “nóng” nhất toàn cầu, trong đó Mỹ đã vượt qua Trung Quốc về số lượng người thiệt mạng.
Theo số liệu của trang worldometers.info, ngày 31/3 thế giới ghi nhận kỷ lục buồn khi có tới 4.246 người tử vong vì virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19). Tới sáng 1/4, tổng số nạn nhân thiệt mạng vì dịch COVID-19 trên toàn cầu là 42.014.
Đây là con số tử vong kỷ lục tính theo ngày kể từ khi dịch bùng phát tới nay.
Đại dịch hiện đã lan tới 201 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước có người thiệt mạng cao trong ngày là Italy, Tây Ban Nha, Pháp, Mỹ và Anh. Bỉ và Hà Lan trong 24h qua ghi nhận số ca tử vong vì dịch COVID-19 cao bất ngờ.
Trong vòng 24h qua, thế giới đã có thêm 69.380 người mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh lên 854.039.
Mỹ đã chính thức vượt qua Trung Quốc, nơi khởi phát dịch COVID-19 hồi tháng 12/2019, về số ca tử vong. Tới rạng sáng 1/4 (giờ Việt Nam), Mỹ đã ghi nhận 3.780 ca tử vong, trong khi Trung Quốc dường như đã qua đỉnh dịch và hiện có 3.305 người thiệt mạng.
Trong 24h qua, Mỹ đã có thêm 639 ca tử vong mới và 12.730 bệnh nhân mới. Nước này cũng dẫn đầu thế giới về số lượng bệnh nhân COVID-19 với 185.270 ca, tăng tới 21.482 trường hợp so với một ngày trước.
New York là “tâm dịch” tại Mỹ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo ngày 31/3 thông báo số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại tiểu bang này đã tăng thêm 9.000 ca so với một ngày trước đó, nâng tổng số ca nhiễm tại bang này lên thành 75.795 người. Trong đó, số ca tử vong do COVID-19 tại bang này đã tăng 27% lên thành 1.550 người.
Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ đã tiến hành xét nghiệm cho 1 triệu người dân trên cả nước, nhiều hơn bất cứ quốc gia nào, "đánh dấu một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2". Nhà lãnh đạo Mỹ cảnh báo hai tuần tới là quãng thời gian “vô cùng đau thương” của nước này và con số người mắc bệnh cũng như tử vong có thể tăng cao. Ông cho rằng số người thiệt mạng vì COVID-19 tại Mỹ có thể từ 100.000 tới 240.000 người, kể cả khi các biện pháp giãn cách xã hội được triển khai.
Italy ngày 31/3 cũng đón nhận kỷ niệm đáng quan khi có số nạn nhân tử vong vì virus SARS-CoV-2 cao nhất tính theo ngày kể từ đầu dịch tới nay - 837 người. Italy tiếp tục là quốc gia có số người tử vong vì dịch bệnh này cao nhất thế giới.
Chủ tịch Viện Y tế cấp cao Italy (ISS) Silvio Brusaferro cho rằng dựa trên đường cong dịch bệnh, dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại Italy đã lên đến đỉnh điểm. Phát biểu trước báo giới, ông Brusaferro khẳng định đó không phải là điểm kết thúc và cần phải thận trọng, bởi dịch bệnh có thể bùng phát trở lại nếu Italy ngừng các biện pháp ngăn chặn và cách ly tại chỗ.
Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy công bố, nước này ghi nhận thêm 4.053 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 105.792 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong là 12.428 trường hợp (tăng 837 ca).
Số bệnh nhân điều trị thành công là 15.729 trường hợp (tăng 1.109 ca). Trong tổng số ca nhiễm bệnh hiện tại có 28.192 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.023 ca phải điều trị tích cực và 45.420 trường hợp phải cách ly tại nhà.
Tây Ban Nha đã công bố thêm 849 ca tử vong mới do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24h qua, mức cao kỷ lục được ghi nhận trong 1 ngày kể từ khi đại dịch bùng phát.
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 31/3 cho biết tổng số ca tử vong tại nước này do COVID-19 hiện là 8.464 ca. Trong khi đó, nước này cũng ghi nhận thêm 7.967 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc lên 95.293 trường hợp.
Trước đó một ngày, Tây Ban Nha đã ghi nhận số ca tử vong mới trong ngày giảm nhẹ, làm dấy lên hy vọng nước này đang tiến tới đỉnh dịch. Theo chuyên gia y tế Maria Jose Siera, tỷ lệ nhiễm mới hiện vào khoảng 12%/ngày, so với khoảng 20% được ghi nhận trước ngày 25/3 vừa qua.
Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Fernando Grande - Marlaska khẳng định hiện không có khó khăn về các nguồn cung thực phẩm, vì vậy người dân không cần phải tích trữ. Ngoài ra, ông cho biết đất nước đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu cho người dân.
Tại Pháp, giới chức y tế nước này ngày 31/3 thông báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 đã tăng thêm 499 người trong 24 giờ qua, cao nhất từ trước đến nay, nâng tổng số ca tử vong tại các bệnh viện là 3.523 người kể từ khi bùng phát dịch. Tới sáng 1/4, Pháp ghi nhận tổng cộng 52.128 ca bệnh.
Tổng thống Emmanuel Macron đã đến thăm một nhà máy sản xuất khẩu trang y tế tại thành phố Anger, miền Tây nước Pháp, nơi đang hoạt động 24/24h. Tại đây, ông Macron đã tuyên bố một khoản đầu tư lên đến 4 tỷ euro để mua khẩu trang y tế, máy thở và thuốc men. Hiện mỗi tuần, Pháp cần 40 triệu khẩu trang dành cho các nhân viên y tế, trong khi năng lực sản xuất dự kiến đạt 10 triệu chiếc vào cuối tháng 4. Pháp đã đặt mua 1 tỷ khẩu trang và đang nhận những chuyến hàng đầu tiên từ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, việc vận chuyển những bệnh nhân nặng từ vùng đang bị quá tải sang những nơi khác được tăng cường. Trong ngày 31/3, trực thăng quân sự đã được điều động để chuyển 6 bệnh nhân nặng từ vùng Grand-Est, miền Đông nước Pháp, sang bệnh viện của Đức. Cho đến nay, 121 bệnh nhân ở Grand-Est đã được đưa sang chăm sóc tại Luxembourg, Thụy Sĩ và Đức. Dự kiến vào ngày 1/4, hai chuyến tàu cao tốc TGV sẽ chuyển 36 bệnh nhân nặng từ vùng Ile-de-France đến vùng Bretagne ở miền Tây.
Tại Anh, số ca tử vong trong 24h qua do dịch COVID-19 tăng 27%, theo số liệu thống kê công bố ngày 31/3 mà một thành viên cấp cao nội các Anh đã mô tả là "gây sốc và âu lo".
Theo đó, Anh ghi nhận 381 ca tử vong trong ngày 30/3, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát, qua đó nâng số ca tử vong tại các bệnh viện ở Anh lên 1.789 người. Phát biểu họp báo, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove đã bày tỏ quan ngại về sự gia tăng con số tử vong do dịch, đồng thời cho biết hiện không thể dự đoán khi nào dịch COVID-19 sẽ đạt đỉnh.
Trong khi đó, đến cuối ngày 31/3, bệnh viện King's College tại London thông báo một bé trai 13 tuổi đã tử vong sau khi phơi nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là ca tử vong nhỏ tuổi nhất vì COVID-19 tại Anh.
Hiện giới chức Anh cho biết đang thấy có một số lí do để lạc quan thận trọng về tình hình dịch COVID-19 ở nước này. Số liệu thống kê chính thức cho thấy số ca mắc được xác nhận đã tăng 14%, lên 25.150 trường hợp, tính đến 16h GMT ngày 30/3. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp số ca mắc mới tăng ở tỷ lệ như vậy, giảm so với tỷ lệ 22-24% của các ngày 26-27/3.
Tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico thông báo số ca dương tính với virus SARC-CoV-2 tại nước này đã tăng lên 1.094 người, trong đó có 28 ca tử vong, và 2.752 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
Theo thống kê, 14% trên tổng số ca bệnh cần chăm sóc y tế, trong đó 5% đang ở tình trạng nguy kịch. Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hai thống đốc bang và hai nghị sỹ xét nghiệm dương tính với SARC-CoV-2.
Bộ trên cho biết dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ lãnh thổ Mexico và nhận định, trong những ngày tiếp theo, số ca mắc bệnh và tử vong sẽ tiếp tục tăng. Dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ rơi vào cuối tháng Tư và đầu tháng Năm.
Trước tình trạng số ca mắc bệnh và tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ngày một tăng cao, Chính phủ liên bang Mexico đã ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp y tế quốc gia.
Tại Canada, người đứng đầu Cơ quan Y tế công cộng Canada Theresa Tam cho biết, tính đến 9h sáng 31/3 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), tổng số ca được chẩn đoán nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Canada trong vòng chưa đầy 1 ngày đã tăng 15% lên 7.708 ca. Một dấu hiệu đáng quan ngại là số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 đã tăng 35% lên thành 89 ca.
Trong khi đó, ở thời điểm 12h ngày 30/3 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), Canada mới chỉ ghi nhận 6.671 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, với 66 ca tử vong. Bà Tam bày tỏ lo ngại khi virus SARS-CoV-2 đã lan tới nơi ở của bộ phận dân cư dễ bị tổn thương, như nhà dưỡng lão, nhà tù và cộng đồng thổ dân.
Cũng trong ngày 31/3, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo Ottawa sẽ đầu tư 2 tỷ CAD (1,42 tỷ USD) để hỗ trợ công tác xét nghiệm và mua máy thở cùng các trang thiết bị bảo hộ như mặt nạ, áo bảo hộ, nước sát khuẩn… nhằm đối phó với dịch bệnh.
Tại Châu Á, ngày 31/3, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) thông báo trong ngày 31/3 không ghi nhận thêm ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong nội địa Trung Quốc đại lục, song có 79 ca nhiễm mới là các trường hợp nhập nhập cảnh, nâng tổng số ca mắc COVID-19 nhập cảnh Trung Quốc đại lục đến nay lên 771 ca.
Tới sáng 1/4, Trung Quốc ghi nhận thêm 5 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số người thiệt mạng lên 3.305. Trong khi số ca mắc bệnh là 85.518, trong đó 76.052 người đã bình phục và xuất viện.
Theo giới chức thành phố Vũ Hán, cho đến ngày 31/3, tất cả các bệnh nhân mắc COVID-19 đều đã được chuyển hoặc xuất viện khỏi cơ sở Optics Valley, nơi đã điều trị tổng cộng 1.462 bệnh nhân nguy kịch kể từ ngày 9/2.
Ngày 31/3, Nhật Bản đã nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 đối với khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đồng thời cảnh báo công dân không tới những nước này do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tiếp tục lan rộng.
Trong số những nước nằm trong diện bị cảnh báo này có 21 nước ở châu Âu, 9 nước ở Trung Đông và châu Phi, 7 nước ở Đông Nam Á và 6 nước ở Nam Mỹ. Mức độ cảnh báo này vẫn thấp hơn so với mức độ cao nhất của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, theo đó hối thúc công dân "sơ tán ngay lập tức" khỏi các nước hoặc khu vực trong danh sách cảnh báo và tránh mọi hoạt động di chuyển, bất kể vì mục đích gì.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimisu Motegi nêu rõ: "Dịch bệnh trên toàn cầu đang lây lan với tốc độ nhanh hơn và chúng tôi quan ngại sâu sắc về sự an toàn của công dân nước mình". Theo Bộ trưởng Motegi, lý do khiến nước này nâng cảnh báo đi lại lên cấp độ 3 là do các nước này đóng cửa biên giới và yêu cầu người dân ở trong nhà không đi ra ngoài.
Tại Hàn Quốc, số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết, tính tới 10 giờ ngày 31/3 theo giờ địa phương, tổng số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc là 9.786 người và số ca tử vong là 162 người, sau khi xác nhận thêm 125 ca nhiễm mới và 4 ca tử vong trong ngày 30/3. Cùng ngày, có 180 bệnh nhân được xuất viện sau khi bình phục, nâng tổng số bệnh nhân được xuất viện đến nay lên 5.408 người, chiếm 55,2%. Hiện vẫn còn 68 trường hợp trong tình trạng nguy kịch.
Tổng thống Moon Jae-in đã yêu cầu các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nghiêm các quy định xử lý những trường hợp cố tình vi phạm lệnh cách ly. Mệnh lệnh này được ông Moon Jae-in đưa ra chỉ một ngày trước khi yêu cầu cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh, không có ngoại lệ, nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 ra lây lan chính thức có hiệu lực thi hành kể từ 0h ngày 1/4 tới.
Chính phủ Hàn Quốc cũng khẳng định không có kế hoạch áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ nước ngoài, bất chấp tỷ lệ người nước ngoài nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2 có chiều hướng ngày càng tăng cao trong những ngày gần đây.
Tính tới rạng sáng 1/4, khu vực Đông Nam Á có tổng cộng 9.425 ca COVID-19, trong đó có 975 ca mới. Số người thiệt mạng vì dịch bệnh nguy hiểm đã tăng lên 282 người, nhiều hơn 18 ca so với một ngày trước đó. Tín hiệu đáng mừng là các nước trong khu vực cũng thông báo 1.375 người đã được điều trị thành công và xuất viện.
Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia là bố nước ASEAN phải hứng chịu dịch COVID-19 nặng nề nhất.
Trong 24h qua, Philippines là quốc gia ASEAN chứng kiến số ca COVID-19 mới tăng mạnh nhất, 538 ca. Nước này cũng ghi nhận thêm 10 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng lên 88. Philippines hiện đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số ca COVID-19 với 2.084 ca.
Tại Indonesia, ngày 31/3, Tổng thống Joko Widodo đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc gia liên quan đến dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và thông báo các biện pháp hỗ trợ người dân có thu nhập thấp. Các biện pháp bao gồm tăng phúc lợi xã hội, hỗ trợ lương thực-thực phẩm và miễn hoặc giảm giá điện.
Việt Nam, là một điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 ở khu vực Đông Nam Á. Trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ngày 30/3 đã đăng bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming, đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trở thành "ngọn hải đăng" về cách làm với nguồn lực hạn chế.
Bài viết nhận định virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 hiện là thách thức đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó hệ thống chăm sóc sức khỏe của nhiều quốc gia phát triển đang điêu đứng. Nhà báo Sean Fleming cho rằng Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng rằng nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển, và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời.
Theo Báo Tin tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất