29/07/2017 16:07 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Theo chuyên gia, Triều Tiên không phát triển vũ khí hạt nhân để tấn công Mỹ hay Hàn Quốc như nhiều người thường lo sợ. Lý do Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như những nước khác và lý do này đơn giản đến không ngờ.
Chuyên gia Robert Kelly, phó giáo sư quan hệ quốc tế thuộc khoa Khoa học Chính trị, trường Đại học Quốc gia Pusan (Hàn Quốc) đã phân tích kỹ về lý do đơn giản này trên tờ National Interest.
Theo đó, kể từ khi Triều Tiên phóng tên lửa liên lục địa tầm trung và tầm xa trong tháng này, nhiều người lo ngay ngáy về khả năng Triều Tiên tấn công các thành phố Mỹ. Dường như Bình Nhưỡng có thể ít nhất tấn công thành phố lớn nhất bang Alaska của Mỹ là Anchorage.
Một số nhà phân tích cho rằng Triều Tiên đã có khả năng tấn công bờ đông nước Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người hoài nghi khả năng này vì Triều Tiên còn gặp vấn đề về đưa tên lửa trở lại bầu khí quyển, dẫn đường, thu nhỏ đầu đạn cũng như các vấn đề kỹ thuật khác. Ít nhất là Triều Tiên không thể nào đủ khả năng tấn công 48 bang vùng hạ ở Mỹ trong sớm chiều.
Theo chuyên gia Kelly, từ tháng 5, Mỹ dường như đang trong trạng thái đếm ngược còn Triều Tiên đang ráo riết tiến tới mục tiêu một tên lửa đạn đạo liên lục địa có đầu đạn hạt nhân. Người Mỹ buộc phải làm quen với khả năng này hoặc chống lại nó.
Ông Kelly cho rằng tấn công Triều Tiên sẽ cực kỳ mạo hiểm và Mỹ đã học cách sống với các nước “tên lửa hóa hạt nhân”. Nga, Trung Quốc và Pakistan đều là những cường quốc mà Mỹ chắc chắn muốn họ không có vũ khí hạt nhân. Mỹ đã phải điều chỉnh để thích nghi với thực tế đó.
Ba nước trên đều rất cẩn trọng với vũ khí hạt nhân. Chưa có vũ khí hạt nhân nào vô tình bị kích hoạt hay bị rơi vào tay khủng bố. Cả ba nước đều coi vũ khí hạt nhân là để phòng thủ và răn đe.
Trong thực tế, khả năng tấn công của vũ khí hạt nhân bị hạn chế nhiều. Sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ gây thảm họa lớn cho kẻ thù đến mức quốc gia xâm chiếm sẽ thấy vô nghĩa khi dùng vũ khí hạt nhân: Ai muốn chiếm một vùng đất chết bị tàn phá?
Hơn nữa, sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ khiến nước bị tấn công cũng trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Do đó, nếu có chiến thắng thì cái lợi cũng sẽ không bù nổi cái giá đắt của sự hủy diệt mà vũ khí hạt nhân gây ra.
Suy luận này dường như cũng đúng với trường hợp Triều Tiên. Trong kịch bản cực đoan nhất có thể, tức là Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân tấn công Hàn Quốc để xâm chiếm nước này, Triều Tiên cũng ý thức được sự tàn phá khủng khiếp gây ra với Hàn Quốc.
Do địa hình đồi núi ở bán đảo Triều Tiên, chỉ vài khu vực ở Hàn Quốc là dễ sinh sống. Gần 75% dân số Hàn Quốc sống trên 30% diện tích lãnh thổ. Các khu vực nhỏ bé này lại là những thành phố đông dân nhất Hàn Quốc và sẽ là mục tiêu của vũ khí hạt nhân Triều Tiên nếu có chiến tranh.
Nếu Triều Tiên thắng cuộc, nước này sẽ thừa kế một vùng đất Hàn Quốc hoang tàn vì vũ khí hạt nhân cùng với khu vực đồi núi khó mà sống nổi.
Tương tự, nếu Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân chống Nhật Bản hay Mỹ, nước này sẽ bị Mỹ trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. Hàn Quốc và Nhật Bản là đồng minh của Mỹ hàng chục năm qua. Mối quan hệ này ngày càng phát triển. Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ các đời tổng thống đều cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc.
Triều Tiên nã vũ khí hạt nhân vào Hàn Quốc và bị Mỹ nã vũ khí hạt nhân trả đũa sẽ khiến cho chế độ của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể sụp đổ vì hậu quả.
Ông Kelly còn đưa ra một kịch bản xa hơn là Trung Quốc tấn công Triều Tiên nếu Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân để phát động chiến tranh. Theo ông Kelly, trong trường hợp này, Trung Quốc và Mỹ sẽ bắt tay nhau để chống lại Triều Tiên.
Với tất cả kịch bản khó có thể xảy ra trên, ông Kelly cho rằng Triều Tiên sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công nước khác mà vũ khí hạt nhân có thể chỉ là biện pháp để tạo sân chơi công bằng trên bán đảo Triều Tiên.
Nói tóm lại, khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân bị hạn chế rất nhiều, cũng giống như các quốc gia có vũ khí hạt nhân khác. Với Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là một đảm bảo tối thượng cho chủ quyền và quốc phòng, uy tín quốc gia.
Theo ông Kelley, lý do đơn giản như vậy nhưng dường như các nước không thể “tiêu hóa” nổi logic này trong trường hợp Triều Tiên. Người Mỹ vẫn lo ngại sâu sắc về khả năng xảy ra chiến tranh với Triều Tiên và dư luận Mỹ coi Triều Tiên là hiếu chiến với Mỹ.
Vũ khí hạt nhân Triều Tiên khiến các nước bất an và thậm chí sợ hãi. Nhưng từ Chiến tranh Thế giới thứ 2 tới nay, vũ khí hạt nhân chưa được sử dụng để tấn công và không có nhiều lý do để cho rằng Triều Tiên sẽ đi ngược lại xu hướng đó.
Ông Kelly kết luận: Vũ khí hạt nhân gần như chắc chắn chỉ để phòng vệ và răn đe. Vì thế, các nước cần phản ứng với vũ khí hạt nhân Triều Tiên tương tự như phòng thủ tên lửa. Đó mới là cách tốt nhất chứ không phải là một cuộc chiến tranh.
Thùy Dương/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất